Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất đã giảm sâu: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay được vốn

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức lãi suất mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của họ. Mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp vẫn còn rất khó khăn.

LÃI SUẤT ĐÃ GIẢM SÂU

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững và chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, ngày 3-12-2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các quyết định giảm 1%/năm đối với các loại lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (gọi chung TCTD) áp dụng từ ngày 5-12-2008; giảm 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ.

Ngay sau khi NHNN công bố các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đặc biệt là lãi suất cơ bản chỉ còn 10%/năm (theo đó lãi suất cho vay tối đa 15%/năm), các TCTD đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam được các NHTM điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất 0,83%/tháng (10%/năm), mức lãi suất cho vay phổ biến 1,08%/tháng - 1,17%/tháng (13%-14%/năm), lãi suất cho vay cao nhất là 1,25%/tháng (15%/năm). Các mức lãi suất này tương đương với mức lãi suất cuối năm 2007 và thấp nhất trong năm 2008, giảm 6% -11%/năm so với thời điểm cao nhất cuối tháng 6-2008.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trong vòng hai tháng 10 và 11-2008, BIDV đã liên tục 4 lần giảm lãi suất cho vay. Mới đây, ngày 8 -12-2008, BIDV lại tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với tất cả khách hàng với mức từ 10% - 11,5%/năm. Trong đó, ưu tiên cho khách hàng sản xuất kinh doanh các mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định; trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như năng lượng, xăng, dầu, sắt, thép, xi măng, phân bón, thuốc chữa bệnh...; khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; các khoản vay tài trợ xuất khẩu, thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Dẫn đầu khối các NHTM cổ phần về giảm sâu lãi suất cho vay là NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lãi suất cho vay thấp nhất 0,88%/tháng (10,5%/năm) áp dụng đối với xuất khẩu và khách hàng uy tín; lãi suất cho vay phổ biến 1,04%-1,13%/tháng (12,5- 13,6%/năm. Nhiều NHTM cổ phần khác cũng công bố lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực giảm từ 0,5% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay tối đa theo quy định của NHNN, như Ngân hàng TMCP An Bình cho vay thấp nhất 13,75%/năm, cao nhất 15%/năm.

DOANH NGHIỆP VẪN KÊU KHÓ
Theo thống kê của Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư châu Á, cả nước hiện có khoảng 350.000 doanh nghiệp, trong đó 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, 90% doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng số doanh nghiệp được đáp ứng theo nhu cầu còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 32% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng.

Tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các DNNVV” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Vũng Tàu phối hợp với Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư châu Á tổ chức vào giữa tháng 11 vừa qua, hầu hết đại diện các doanh nghiệp đều kêu khó trong hoạt động, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đều bày tỏ nguyện vọng mong sao các ngân hàng “nới lỏng” hơn các quy định cấp tín dụng, tất nhiên là trong khuôn khổ có thể để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Mặt khác, các TCTD cần phải thiết kế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp hơn đối với nhu cầu thực tế của DNNVV.

Về năng lực hoạt động của DNNVV, các phát biểu tham luận tại hội thảo đều có chung nhận định: Hiện tại, các DNNVV có nhiều điểm yếu như trình độ quản lý chưa cao; không có chiến lược kinh doanh lâu dài; tài sản ít ỏi; nguồn lực về con người cũng bị hạn chế... Trong khi đó, thủ tục cho vay của ngân hàng lại quá ngặt nghèo, hầu như các DNNVV đều không hội đủ các điều kiện để vay vốn. Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể, nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận.

Việc các NHTM đồng loạt giảm lãi suất cho vay là phản ứng tích cực của thị trường tiền tệ, là tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp, nhưng liệu “cánh cửa tín dụng” có mở ra đối với tất cả những nhu cầu của khách hàng đến vay vốn? Theo phân tích của các chuyên gia tài chính-ngân hàng, hầu hết các TCTD hiện nay đều dư cung vốn khả dụng, tuy nhiên vấn đề giảm lãi suất không có nghĩa ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng ồ ạt, mà sẽ tiếp tục giải ngân các hợp đồng tín dụng của các dự án kinh tế trọng điểm, những dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp. Do đó, các NHTM vẫn đang ở thế “thủ” đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng năng lực nội tại yếu kém!

 

(Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Thị trường USD tự do không thể phá trần biên độ +/-3%?
  • Tỷ giá VND/USD: Liệu có nới tiếp, và ở mức nào?
  • Ứng xử như thế nào với biến động tỷ giá năm 2009?
  • Chóng mặt với đồng yen
  • Đồng NDT “ngóng chờ” động thái của phía Mỹ
  • NDT sụt giảm giá mạnh
  • Đồng USD tiếp tục ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội thất tại Braxin
  • Trung Quốc cần đảm bảo tính linh hoạt của đồng NDT
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!