So với 3 tháng trước, lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm gần một nửa. Mức cao nhất áp dụng tại một số ngân hàng chỉ còn trên dưới 8%/năm, thay vì 17 - 18%/năm như trước.

Xu hướng của dòng tiền tiết kiệm vào ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại, với lý do lãi suất tiền gửi mất dần tính
hấp dẫn. Theo nhận định của một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng, dòng tiền nhàn rỗi vào hệ thống ngân hàng trong tháng 12 chậm hơn so với tháng trước. Không ít nhà đầu tư bắt đầu tìm hướng đi mới cho dòng tiền nhàn rỗi, thay vì gửi vào ngân hàng trong những tháng giữa năm khi lãi suất tăng cao, còn chứng khoán và bất động sản cùng vàng sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, các chuyên gia trong ngành tài chính - chứng khoán nhận định, mặc dù giá chứng khoán và bất động sản đang rẻ hơn so với 3 quý đầu năm, nhưng thị trường khó sớm phục hồi, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, để an toàn, giữ tiền đồng lúc này vẫn có lợi hơn. TS.
Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu so với 2 quý đầu năm, khi gửi tiền đồng phải cân nhắc giữa lãi suất tiền gửi ngân hàng và tốc độ gia tăng của lạm phát, thì hiện nay, lạm phát đã được kiềm chế ở mức thấp, nên gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất 7 - 8%/năm vẫn có lãi. Trong khi đó, trong bối cảnh hiện nay, bỏ vốn vào bất động sản, chứng khoán, vàng, nhà đầu tư không thể kỳ vọng nhiều vào lợi nhuận, do thị trường chưa thể hoàn toàn phục hồi.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, lãi suất cơ bản giảm là điều kiện tốt để các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí đầu vào, bù đắp cho 3 quý đầu năm. Thế nhưng, không phải vì thế mà lãi suất tiền gửi cắt giảm sâu và đột ngột. Các ngân hàng hiện vẫn tỏ ra thận trọng đối với quá trình điều chỉnh lãi suất huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư, một phần do nguồn tiền vào ngân hàng không còn dồi dào như trước.
Theo ông Hạnh, hiện tại, một số nhà đầu tư khi thấy lãi suất tiết kiệm thấp đã chuyển vốn ra ngoài thị trường cho bạn bè, đồng nghiệp và bạn hàng vay. Hoạt động này nếu không thận trọng sẽ rất nguy hiểm, vì đây là loại hình tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho rằng, kể từ tháng 11 đến nay, khi lãi suất cơ bản cắt giảm từ 11%/năm xuống 10%/năm và sau đó xuống 8,5%/năm (có hiệu lực từ ngày 22/12), vốn huy động không tăng mạnh như 2 quý giữa năm. Để tăng thêm tiện ích và khuyến khích khách hàng gửi tiền, trong những ngày gần đây, các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi. Kết hợp với các dịp lễ lớn cuối năm, như Noel, Tết Dương lịch và đón đầu Tết Nguyên đán, một số ngân hàng đã đưa ra chương trình tặng quà bằng vàng cho khách hàng gửi tiết kiệm.
Ông Hạnh đánh giá, với hình thức gia tăng khuyến mãi thì các ngân hàng vẫn dễ thở hơn so với giữ lãi suất ở mức cao. Đây cũng là một hình thức thu hút được nhiều khách hàng khi lãi suất tiền gửi có chiều hướng đi xuống. Các chuyên gia ngành tài chính cho rằng, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh trong thời gian tới để giảm áp lực cho doanh nghiệp và ngăn ngừa giảm phát. Tuy nhiên, có thể trước mắt, tiền nhàn rỗi vẫn vào ngân hàng, do các kênh đầu tư khác chưa thể hoàn toàn phục hồi và tăng trưởng trong đầu năm tới.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, để lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và bất động sản ổn định trở lại đòi hỏi phải có thời gian và nhiều khả năng đến nửa cuối năm sau, chứng khoán và bất động sản mới có thể phục hồi và đón được dòng tiền từ tiết kiệm chuyển sang.