Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện khá ổn định theo chiều hướng giảm.
Các kỳ hạn giao dịch cũng dài ngày hơn trước, cho thấy nhu cầu vốn trên liên ngân hàng không còn quá nóng. Thêm vào đó, theo nhận định từ các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng sẽ ổn định ở mức thấp trong những tháng tới. Đây sẽ là những yếu tố để lãi suất tiền đồng có cơ hội hạ nhiệt.
Theo lãnh đạo một ngân hàng tại TP. HCM, dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất đang thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi để thời gian tới, khi lạm phát chùng xuống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng khuyến khích tín dụng sản xuất, hạn chế tín dụng cho vay đầu tư.
Mặt khác, xu hướng chuyển dịch từ việc nắm giữ ngoại tệ sang tiết kiệm tiền đồng đang gia tăng khi trần lãi suất tiền gửi USD giảm mạnh còn 2%. Trong khi đó, gửi VND, khách hàng vẫn hưởng lãi suất trần 14%/năm, thậm chí còn cao hơn. TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP. HCM nhận định, xu hướng này sẽ tác động tích cực lên thanh khoản tiền đồng của các nhà băng. Bởi thực tế lúc này, gửi tiết kiệm tiền đồng vẫn có lợi hơn, nhất là trong bối cảnh tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản vẫn khá bất ổn.
Theo các chuyên gia, có thể trước mắt chưa kỳ vọng lãi suất sớm giảm nhiều, nhưng trong quý III/2011, khi lạm phát được kiểm soát thì mặt bằng lãi suất tiền đồng sẽ hạ nhiệt dần. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nhiều khả năng CPI tháng 6 sẽ chỉ tăng hơn 1% và xu hướng hạ nhiệt sẽ duy trì đến cuối năm. Mặt khác, bước sang tháng 7, cung tiền sẽ tăng dần, nhằm giảm sự căng thẳng về cuối năm, đồng thời để đạt mức 16% tổng cung như mục tiêu NHNN đưa ra. Vì thế, lãi suất sẽ có cơ hội để điều chỉnh giảm dần kể từ thời điểm trên.
Trên thực tế, trong thời gian qua, tăng trưởng tín dụng của các NHTM không như mong đợi. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu siết tín dụng dưới ngưỡng 20% trong năm 2011, các nhà băng cũng từng bước cơ cấu lại tín dụng lĩnh vực phi sản xuất để có thể giảm về tỷ lệ cho phép 22% vào cuối tháng 6 này.
Bên cạnh đó, áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận còn ở mức cao khiến người cần vốn thời gian qua không mặn mà với việc tiếp cận ngân hàng và đây cũng là rào cản đối với tăng trưởng dư nợ tín dụng trong hơn 5 tháng qua. Vì thế, Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, 5 tháng đầu năm, dư nợ của Ngân hàng chỉ đạt tăng trưởng 5% so với cuối năm trước, nên "room" tín dụng ở lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của OCB còn khá nhiều.
Tín dụng khó tăng trưởng cũng là nguyên nhân khiến các nhà băng không thể tiếp tục duy trì lãi suất huy động vốn ở mức cao. Dự báo, nửa cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng vẫn còn khó khăn một phần do các nhà băng phải kéo giảm thêm tỷ lệ dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất về 16% vào cuối năm. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ dưới 20% là không thay đổi.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của NHNN là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với các chỉ tiêu về mức tăng trưởng kinh tế, lạm phát… được Thủ tướng Chính phủ công bố. Vì vậy, cơ quan này sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các chính sách công cụ lãi suất như lãi suất trên thị trường mở từ 10 - 15%/năm, lãi suất tái cấp vốn 9 - 14%/năm. Về nguyên tắc, khi CPI có xu hướng hạ nhiệt, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành để tác động giảm dần lãi suất, hướng tới sự ổn định, chứ không thay đổi ngay chính sách về lãi suất.
Vì thế, theo ông Giàu, NHNN vẫn sẽ giữ nguyên trần lãi suất huy động không quá 14%/năm, đồng thời mạnh tay xử lý các NHTM xé rào lãi suất tiền gửi.
Hiện nay, tình hình kinh tế vĩ mô đang xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Đặc biệt là việc dự báo lạc quan của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tình hình lạm phát của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Theo nhận định của ADB, lạm phát tại Việt Nam sẽ bắt đầu giảm tốc kể từ tháng 6 này, trong khi đó lạm phát so với cùng kỳ có thể hạ nhiệt kể từ tháng 8 năm nay. Nếu lạm phát ổn định theo hướng đi xuống, có khả năng NHNN sẽ không thi hành thêm các chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay khác, trong đó có việc nâng trần lãi suất và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com