Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất sẽ giảm, nhưng chờ đồng thuận

Trước sức ép tăng trưởng tín dụng, cũng như thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay còn 12%/năm và huy động còn 10%/năm của Chính phủ, cuối tuần qua (25/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) về vấn đề giảm lãi suất. Theo các ngân hàng, khả năng trong quý tới, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) sẽ dịu hơn so với hiện nay khoảng 1%/năm.

Giảm dần lãi suất tiền gửi

Các NHTM quyết tâm tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm dần mặt bằng lãi suất kinh doanh trong cuộc họp với Thống đốc NHNN ngày 25/6. Theo một số lãnh đạo NHTM, việc hạ lãi suất không chỉ là mục tiêu, quyết tâm của Chính phủ và NHNN, mà còn là yêu cầu tự thân của ngân hàng để đẩy mạnh sử dụng nguồn vốn đã huy động và tìm kiếm lợi nhuận kinh doanh trong hai quý còn lại của năm.

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại TP. HCM cho rằng, 6 tháng qua, tăng trưởng dư nợ tín dụng còn chậm. Đồng thời, nguồn vốn cho vay bằng tiền đồng thấp hơn nhiều so với ngoại tệ. Một phần là do DN ngại áp lực lãi suất tiền đồng. Song muốn giảm lãi suất đòi hỏi trước hết là phải cắt giảm được chi phí đầu vào. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động chưa thể hạ.

Các NHTM cho biết, trong những tháng qua đã cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện các biện pháp giảm dần lãi suất. Trong đó, đối với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, các NHTM đều đã giảm lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác. Đáng chú ý là Vietcombank, BIDV đã cho các đối tượng khách hàng trên vay với lãi suất khoảng 12%/năm; Vietinbank, Agribank, MHB cho vay với lãi suất khoảng 12,5%/năm, giảm nhiều so với trước. Ở các NHTM cổ phần khác, lãi suất cho vay khoảng 13%/năm. Lãi suất cho vay đối với các đối tượng khách hàng khác hiện cũng đã giảm 0,5 - 1%/năm so với lãi suất trong tháng 5.

Theo các NHTM, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Do đó, với sự đồng thuận cao của các NHTM thì việc giảm lãi suất cho vay tiền đồng khả năng sẽ thực hiện ngay từ đầu quý III. Tuy nhiên, các nhà băng cho rằng, để thực hiện được chủ trương giảm lãi suất cho vay tiền đồng xuống 12%/năm, trước hết cần có biện pháp để giảm chi phí đầu vào.

Trong cuộc họp nói trên, các ngân hàng thành viên đề nghị Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) nhanh chóng thỏa thuận và công bố lãi suất huy động mới xoay quanh ngưỡng 11%/năm trong vài ngày tới, thay vì áp dụng 11,5%/năm ở nhiều kỳ hạn như hiện nay. Vì đây là yếu tố mấu chốt để giải quyết bài toán giảm lãi suất cho vay.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, quyết tâm của NHNN và ngành ngân hàng là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18 của Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất kinh doanh, để góp phần đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%. Thống đốc nêu rõ, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp (thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ) để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần. Vì thế, NHNN yêu cầu các NHTM không thực hiện thêm các khoản khuyến mãi trong huy động vốn làm tăng mức lãi suất huy động thực tế, để đảm bảo sự đồng thuận cao của các thành viên VNBA.

VNBA cho biết, sẽ làm việc với tất cả thành viên trong đầu tuần này để thống nhất vấn đề giảm dần lãi suất. Theo đó, về lãi suất huy động tiền đồng, các ngân hàng sẽ có đồng thuận hạ dần theo lộ trình trong khoảng 3 tháng, từ mặt bằng phổ biến hiện nay 11,5%/năm xuống 11%/năm và phấn đấu vào cuối tháng 9 xuống còn 10,2 - 10,5%/năm.

Các ngân hàng cho rằng, lạm phát được kiểm soát, CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8% so với cuối năm 2009 và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, lãi suất tiền gửi giảm là điều có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.

… để có điều kiện hạ lãi vay

Theo sự đồng thuận của các nhà băng trong cuộc họp với NHNN, trước mắt, các NHTM nhà nước và cổ phần quy mô lớn sẽ giảm ngay lãi suất cho vay VND cho ba đối tượng khách hàng ưu tiên (sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ) xuống còn 12 - 12,5%/năm.

Trao đổi với báo chí ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ được điều chỉnh giảm trước khi lãi suất cho vay thỏa thuận giảm dần trong tháng tới hoặc ở tháng tiếp theo. Mặt bằng lãi suất huy động trước mắt sẽ xoay quanh 11%/năm và sau đó điều chỉnh dần. Còn lãi suất cho vay được ông Thành dự báo sẽ về khoảng 12 - 13%/năm. Qua đó, các ngân hàng có thêm điều kiện tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Tại Sacombank, ông Thành cho biết, lãi suất cho vay thỏa thuận hiện có mức thấp nhất là khoảng 13%/năm và sẽ từng bước điều chỉnh trong thời gian tới, khi mặt bằng bằng lãi suất đầu vào giảm dần. Mặt khác, áp lực lãi suất giảm sẽ kích thích dư nợ tín dụng tăng.

Theo ông Lê Hồng Nam, Giám đốc TienPhong Bank Chi nhánh TP. HCM, xu hướng lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh tiếp trong thời gian tới theo chủ trương đưa ra của Thủ tướng Chính phủ.

Một cán bộ cấp cao của ACB cho biết, 6 tháng đầu năm nay, riêng với khối khách hàng DN, vốn giải ngân tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tính đến cuối tháng 6/2010, dư nợ tín dụng đối với khối DN của ACB đạt khoảng 36.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với mục tiêu đưa ra cho cả năm vẫn còn khá xa và khối DN của ACB phải giải ngân thêm 12.000 tỷ đồng mới hoàn tất.

Chính vì thế, nhận định được đưa ra từ vị cán bộ trên của ACB là, xu hướng lãi suất (huy động và cho vay) sẽ không đứng yên trong quý tới. Lãi suất cho vay được dự báo xoay quanh mức 12 - 13%/năm; đối với khách hàng tốt, lãi suất sẽ phổ biến ở mức 12%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng đối với DN trong lĩnh vực xuất khẩu hiện ACB áp dụng mức thấp nhất là 13,5%/năm và sẽ tiếp tục hạ dần, phù hợp với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Theo ACB, nhu cầu vốn của khách hàng DN, nhất là vốn trung và dài hạn luôn có. Song tâm lý nhiều khách hàng kỳ vọng lãi suất giảm thêm mới tiếp cận vốn vay. Nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng nhất định từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và lan sang các nước trong khu vực châu Âu. Sức tiêu thụ sản phẩm trong nước chưa đến giai đoạn đột biến. Vì vậy, DN cũng chỉ chọn những dự án tốt nhất mới sử dụng vốn vay. Còn ngân hàng cũng không thể ồ ạt đẩy vốn ra thị trường khi chất lượng tín dụng đòi hỏi kiểm soát chặt hơn trước.

Đáng chú ý là với các ngân hàng nhỏ, còn khó khăn trong cạnh tranh về huy động vốn, để chuẩn bị đáp ứng yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn về vốn từ 8% lên 9% kể từ ngày 1/0 tới theo yêu cầu tại Thông tư 13, nên các ngân hàng bắt đầu dự trữ thanh khoản VND.

Thực tế, trong 6 tháng qua, tăng trưởng dư nợ tín dụng tại các ngân hàng khá chậm. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tăng chủ yếu bằng ngoại tệ. Theo ước tính, tín dụng cho vay bằng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm tăng tới 34%, trong khi dư nợ tiền đồng chỉ tăng khoảng 5%. Điều này cho thấy, áp lực lãi suất tiền đồng đã hạn chế vốn đầu ra của các ngân hàng. Theo đại diện Eximbank, nhu cầu vốn ngoại tệ DN tăng chủ yếu do áp lực vay ngoại tệ thấp hơn VND.

Chính vì vậy, giảm lãi suất thỏa thuận tiền đồng để khơi thông vốn được các ngân hàng đồng thuận cao. Tuy nhiên, trước mắt, các ngân hàng (trong đó chủ yếu là ngân hàng quốc doanh) chỉ mới thống nhất giảm lãi suất cho vay ngắn hạn. Còn lãi suất cho vay thỏa thuận đối với khoản vốn trung, dài hạn hầu như chưa giảm.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!