Gần đây trên thị trường xuất hiện tin đồn về sự mất cân đối cung, cầu ngoại tệ làm cho tỷ giá USD/VND tăng đột ngột. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với các thông tin bất đối xứng hoặc lời đồn đoán thiếu căn cứ để không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá không đáng có.
Do tác động bất lợi của các yếu tố bên trong và bên ngoài nền kinh tế cuối năm 2009 và đầu năm 2010 thị trường ngoại tệ (TTNT) và tỷ giá USD/VND có diễn biến khá căng thẳng. Ðể bình ổn TTNT và tỷ giá, ngày 10-2-2010 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng 3,36% tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 17.941 lên 18.544 VND/USD đi đôi với việc triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường quản lý ngoại hối như quy định lãi suất tối đa (1%/năm) đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức kinh tế tại Tổ chức tài chính (TCTC) và bắt buộc bảy Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho các ngân hàng nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Nhờ đó, từ cuối tháng 3-2010 đến cuối tháng 6-2010 TTNT và tỷ giá USD/VND khá ổn định và diễn biến theo đúng định hướng của NHNN; Tổ chức tín dụng (TCTD) mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp bán; NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD; hoạt động TTNT thông suốt; tín dụng ngoại tệ tăng cao nhờ kỳ vọng ổn định tỷ giá.
Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện tin đồn về sự mất cân đối cung, cầu ngoại tệ làm cho tỷ giá USD/VND tăng đột ngột: Từ ngày 23-6 đến ngày 2-7, tỷ giá bán USD/VND trên thị trường tự do tăng từ 18.890 lên 19.140 VND/USD, tỷ giá bán USD/VND của NHTM niêm yết tăng từ 18.990 lên mức kịch trần 19.100 VND/USD. Diễn biến này có phải là do sự dịch chuyển bất lợi tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế hay không? Chúng ta cùng nhau xem xét luồng chu chuyển ngoại tệ của nền kinh tế qua diễn biến của cán cân thanh toán quốc tế trong sáu tháng đầu năm 2010.
Mặc dù cán cân vãng lai vẫn thâm hụt trong quý I, quý II năm 2010 do chủ yếu là thâm hụt thương mại, nhưng thặng dư cán cân vốn luôn thừa để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai (tức là tổng thu ngoại tệ lớn hơn các tổng chi ngoại tệ của nền kinh tế). Ðối với Việt Nam, thâm hụt cán cân vãng lai là vấn đề từ nhiều năm. Trong thời gian qua, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giữ được ổn định và không bị ảnh hưởng là do cán cân vốn và tài chính luôn thặng dư và trở thành nguồn bù đắp chủ yếu cho thâm hụt cán cân vãng lai; luồng vốn vào chủ yếu là luồng vốn dài hạn, ổn định. Trong tổng thu giao dịch vốn, thu FDI giải ngân chiếm 29,9% (quý I-2010) và 41,4% (quý II-2010); rút vốn vay trung, dài hạn chiếm 18,3% (quý I-2010) và 19,6% (quý II-2010).
Theo đà phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế (giao dịch giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới) liên tục được cải thiện. Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2010 cán cân thanh toán quốc tế tổng thể được cải thiện qua các tháng (thặng dư trong tháng 4-2010), đồng thời NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ đáng kể trong quý II-2010 để tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại tệ nhà nước.
Số liệu thống kê sáu tháng đầu năm 2010, chuyển tiền một chiều ròng đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 24% so cùng kỳ năm 2009. Chuyển tiền kiều hối sáu tháng đầu năm 2010 đạt khá, ước đạt 3,6-3,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2009. Ngoài ra, luồng vốn FDI (ròng) tiếp tục đổ vào Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng kinh tế tốt đẹp và môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, trong đó có sự ổn định tỷ giá USD/VND. Tính chung sáu tháng đầu năm 2010, vốn FDI đăng ký đạt 8,4 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký của các dự án cấp phép mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 43% về vốn.
Như vậy, chỉ tính riêng thặng dư của chuyển tiền một chiều và thặng dư vốn FDI đủ bù đắp cho nhập siêu trong quý I, quý II năm 2010, từ đó giảm áp lực đến cung, cầu ngoại tệ trên thị trường. Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tiếp tục duy trì xu hướng thặng dư. Trong quý II-2010, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán khoảng 500 triệu USD. Tính chung sáu tháng đầu năm 2010, vốn FII ròng đạt mức thặng dư 1,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2009 vẫn còn thâm hụt 492 triệu USD). Vốn FII thặng dư lớn là do đầu năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế (theo phương pháp luận thống kê cán cân thanh toán quốc tế, giao dịch này phải được thống kê vào hạng mục FII thay vì vay nợ của Chính phủ). Vay nước ngoài cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2009 nhờ chủ yếu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc hoàn tất đàm phán, ký kết và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vay ODA (trung, dài hạn) theo các chương trình, dự án đã cam kết. Vốn ODA giải ngân trong sáu tháng đầu năm 2010 ước đạt 1,41 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2009...
Với diễn biến thu, chi ngoại tệ của nền kinh tế qua các hạng mục chính của cán cân thanh toán quốc tế, có thể thấy rằng, tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế trong quý II-2010 và sáu tháng đầu năm 2010 vẫn trong trạng thái ổn định, tích cực. Sau khi đã bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai, thặng dư cán cân vốn của Việt Nam vẫn thừa 1,64 tỷ USD trong quý II-2010 và 1,8 tỷ USD trong quý I-2010. Vì vậy, tỷ giá USD/VND tăng trong mấy ngày qua không phải xuất phát từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và biến động bất lợi tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế trong khi cung, cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định thì yếu tố tâm lý và kỳ vọng bất hợp lý của thị trường được tạo lập trên cơ sở các thông tin bất đối xứng và/hoặc không đáng tin cậy là nguyên nhân chính dẫn đến tăng tỷ giá USD/VND một cách không hợp lý. Trong nền kinh tế có mức độ đô-la hóa cao thì tác động của yếu tố tâm lý đến ổn định tỷ giá là rất lớn, có thể dẫn đến những phản ứng thái quá của thị trường và để lại những hậu quả đáng tiếc cho các chủ thể và nền kinh tế. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với các thông tin bất đối xứng hoặc lời đồn đoán thiếu căn cứ để không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá không đáng có. Các doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần hành động một cách thông minh, có trách nhiệm với cộng đồng và nền kinh tế.
Nguyễn Hữu NghĩaVụ trưởng Vụ Dự báo - Thống kê tiền tệ NHNN
(Theo Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com