“Các DN đều nhìn nhận được ý nghĩa to lớn của việc ổn định tỷ giá. Vì vậy, các DN cần phối hợp với Chính phủ, khi có những thông tin không đúng, cần lên tiếng để xã hội có niềm tin hơn với Chính phủ trong việc điều hành kinh tế”. Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi cuối tuần qua.
“DN chúng tôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự biến động của tỷ giá. Nên khi Thống đốc khẳng định, năm 2013 tỷ giá ổn định, chúng tôi rất mừng, vì như vậy hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn”, ông Phạm Đăng Nam, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nói.
Sở dĩ như vậy, theo ông Nam, mặc dù doanh thu hàng năm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào khoảng trên 100.000 tỷ đồng nhưng chủ yếu là VND, trong khi 90% khoản chi lại bằng ngoại tệ. Bình quân mỗi tháng, Nhà máy cần 210 triệu USD, trong đó thanh toán mua dầu thô trong nước khoảng 100 triệu USD; nhập khẩu khoảng 70 triệu USD, trả nợ vay dài hạn khoảng hơn 20 triệu USD; trả lương chuyên gia, nguyên vật liệu khác khoảng 15 triệu USD... Đặc biệt, khi quyết toán, Công ty đã phải chấp nhận phân bổ khoản lỗ tỷ giá phát sinh trong quá xây dựng Nhà máy khoảng 3.300 tỷ đồng, phát sinh lỗ tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ, lỗ tỷ giá trong thanh toán năm 2010 là 778 tỷ đồng; năm 2011 lỗ tỷ giá 4.100 tỷ đồng; trong khi đó, năm 2012 nhờ tỷ giá ổn định, DN chỉ lỗ 75 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.
Bởi vậy, ông Nam kiến nghị NHNN cho phép chuyển ngoại tệ từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho BSR để thanh toán các lô dầu thô nhập khẩu và trả nợ vay dài hạn. Lý do là hiện nay NHNN chỉ cho phép PVN hỗ trợ ngoại tệ BSR để thanh toán và trả nợ vay ngắn hạn cho dầu thô mua trong nước. Bên cạnh đó, cho phép BSR được vay ngắn hạn vốn lưu động bằng ngoại tệ để thanh toán tiền mua dầu thô trong nước và nhập khẩu phục vụ cho sản xuất - kinh doanh. Lý do, theo Thông tư 37/2012/TT-NHNN, để BSR được vay ngoại tệ thì các TCTD phải trình NHNN về việc thẩm định từng khoản vay của Công ty. Điều này ảnh hưởng đến việc thu xếp nguồn vốn vay ngoại tệ, có nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp nguồn nguyên liệu chính là dầu thô cho sản xuất. Như vậy, có thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không thể sản xuất được liên tục, nếu như các TCTD không trình kịp thời để giải quyết nhu cầu ngoại tệ của BSR.
Cũng đề nghị được tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ, song ông Nguyễn Nị, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất, DN chuyên chế biến dăm gỗ xuất khẩu, lại mong muốn lãi suất ngoại tệ giảm thấp hơn nữa. Bởi theo ông, hiện nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất chỉ 1 - 2%/năm, trong khi lãi suất ngoại tệ ưu đãi thấp nhất mà các DN Việt Nam vay được từ các NHTM cũng lên tới 4 - 5%/năm. Thực tế này khiến DN Việt Nam không có ưu thế cạnh tranh được với DN nước ngoài.
“Là Giám đốc DN và cũng là người đứng đầu Hiệp hội Chế biến dăm gỗ xuất khẩu, chúng tôi mong muốn có lãi suất hợp lý hơn để hỗ trợ DN trong nước phát triển”, ông Nị nói.
Chia sẻ những băn khoăn của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, tỷ giá ổn định hơn 1 năm trở lại đây khiến cho các DN dầu khí nói chung và BSR nói riêng cũng như những DN đầu tư nước ngoài ổn định hơn trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Ví dụ như, bình thường 1 tháng nhập khẩu trên dưới 1 tỷ USD xăng dầu, nếu tỷ giá không ổn định sẽ dẫn tới thiệt hại lớn trong lĩnh vực này không chỉ BSR mà cả Petro Việt Nam.
“Như đợt điều chỉnh tỷ giá 9,3%, một lãnh đạo ngành dầu khí đã nói với tôi là lỗ ‘vô phương cứu chữa’, vậy nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá 3%, chắc chắn nhiều DN đang có lãi sẽ thành lỗ lớn”, Thống đốc cho biết.
Cũng theo Thống đốc, thời gian qua, mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế đạt được nhiều kết quả là nhờ hạn chế tối đa đối tượng được vay ngoại tệ. Nhưng để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu, NHNN tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với các đối tượng xuất khẩu nếu có nguồn thu bằng ngoại tệ đến hết năm 2013. Hiện trần lãi suất huy động ngoại tệ 1,5 - 2%/năm là cơ sở để các TCTD cho vay ngoại với lãi suất khoảng 5%/năm, vẫn rẻ hơn đi vay nước ngoài bởi lãi suất vay nước ngoài dù có thấp, song nếu cộng phí cũng vào khoảng 7 - 8%/năm. Riêng đối với BSR, NHNN cũng sẽ đốc thúc tháo gỡ khó khăn về ngoại tệ cho Công ty.
Theo Đầu tư chứng khoán
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com