Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường USD/VND 2009: những cơn sóng chưa bao giờ dứt (Phần 2)

 [EUR] Đồng EUR tiếp tục khẳng định vị thế sau 11 năm chính thức lưu hành
 
Thăng trầm cùng với tình hình kinh tế Cộng đồng chung Châu Âu, từ con số 11 quốc gia được lưu hành đầu tiên, sau 11 năm hoạt động, hiện nay đồng EUR đã chiếm một “thị phần” nhất định trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Bỏ qua những hoài nghi về sức mạnh của đồng tiền chung Châu Âu và khả năng điều hành của NHTW Châu Âu ECB đối với tất cả các quốc gia thuộc khu vực Eurozone trong những ngày đầu lưu hành, trải qua chặng đường dài phát triển hơn 10 năm, đồng EUR đã ngày càng chứng minh được sức mạnh của mình. Ngoài việc tỷ giá EUR/USD giao dịch ở cách xa mốc giá giao dịch lần đầu đã khẳng định sức mạnh hợp nhất của khu vực này, đồng EUR hiện trở thành đồng tiền giao dịch lớn thứ 2 thế giới sau USD, và quan trọng hơn EUR cũng đã trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ 2 ở NHTW các nước. Đồng EUR đang “lăm le” nhòm ngó “ngôi vị độc tôn” mà đồng USD đã thống trị trong nhiều thập kỷ.
 
Mức tăng xấp xỉ 18% của tỷ giá EUR/USD trong năm 2009 đã đánh dấu một năm thành công của đồng tiền chung Châu Âu so với đồng bạc xanh dù trong năm, tác động của nhiều dữ kiện kinh tế khiến cho giá trị đồng EUR “trồi sụt” không ít.
 
Diễn biến trái ngược với những ngày đầu năm 2008, hai tháng đầu năm 2009, đồng EUR rớt giá mạnh trên thị trường, chỉ riêng trong tháng 1, đồng EUR đã mất đến 9% gía trị so với đồng USD. Tình trạng suy thoái bao phủ toàn cầu cùng hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn ở Mỹ và nỗi hoảng sợ từ những đổ vỡ của năm trước tiếp tục đeo đuổi các nhà đầu tư trong những tháng đầu năm 2009, khiến nhiều nhà đầu tư “chùng tay” với các tài sản có suất sinh lời cao đi kèm với rủi ro cao. Bóng mây suy thoái tiếp tục phủ màu u ám cho kinh tế khu vực Eurozone khi kết thúc quý 1 GDP đã giảm kỷ lục 1.8%, trong đó kinh tế Đức sụt 3.8%, Ý co lại 2.6%, Pháp giảm 1.2%, GDP của Tây Ban Nha, Hà Lan đều đạt kết quả âm - mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Sự trượt dốc của chứng khoán toàn cầu – hàn thử biểu quan trọng thể hiện sức khỏe nền kinh tế cũng làm tâm lý lo lắng trên thị trường toàn cầu dâng cao, khiến đồng EUR bị đánh gục trong quý đầu tiên của năm so với USD.
 
Sau khi xác lập đáy vào cuối tháng 2, đà phục hồi kinh tế được ghi nhận sau hàng loạt các biện pháp giải cứu kinh tế khổng lồ từ chính phủ các nước, đồng EUR bắt đầu đảo chiều tăng điểm vượt bậc so với USD liên tiếp từ tháng 3 đến tháng 11, trong đó tháng 3 được ghi nhận là tháng khởi đầu cho chuỗi tăng điểm dài nhất của EUR kể từ khi lưu hành. Với những kế hoạch khổng lồ như 500 tỷ USD cứu ngành ngân hàng vào tháng 1 và kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 67 tỷ USD- một trong những kế hoạch có qui mô lớn nhất trong khu vực của Đức, kèm theo đó là ECB đã hạ lãi suất xuống 2%, hay là hành động mạnh tay quốc hữu hóa ngân hàng ở Đức … những dấu hiệu khả quan đã bắt đầu le lói xuất hiện tại khu vực EU. Tuy nhiên, áp lực của suy thoái toàn cầu tiếp tục khiến xuất khẩu giảm và người dân thắt chặt tiêu dùng làm cho GDP giảm 0.2% so với quí trước. Đã vậy, vấn đề đau đầu về tình hình thất nghiệp leo thang khi tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này tăng lên 9.5% trong tháng 5- mức cao nhất trong thập kỷ càng khiến cho các nhà cầm quyền đau đầu. Trước tình hình đó, ngày 07/05/2009 ECB đã hạ lãi suất đồng EUR xuống mức thấp chưa từng có 1% để chống suy thoái và mua vào một số loại thương phiếu nợ thế chấp chứng khoán nợ công nhằm kích thích kinh tế. Ngày 24/06, ECB tiếp tục bơm thêm 442 tỷ EUR cứu ngành ngân hàng. Các hành động mạnh tay này giúp Châu Âu chính thức thoát khỏi suy thoái khi GDP quý 3 đạt con số 0.7%.
 
Sự hân hoan trước những tin tức về tình hình hồi phục kinh tế khu vực đã giúp EUR/USD “thăng hoa” trong quý 2,3/2009 và những tháng cuối cùng của năm và mức đỉnh cao nhất năm được thiết lập vào ngày 24/11/2009 ở mức 1 EUR ăn 1.5145 USD. Lực hỗ trợ cho đồng tiền chung Châu Âu chính là nỗ lực ngăn đà suy thoái của các nhà lãnh đạo châu Âu bắt đầu cho những kết quả tốt đẹp và khủng hoảng tài chính lại đang dịu bớt, cộng thêm hệ quả của sự suy yếu của đồng tiền quốc tế USD bởi những lo ngại về tình trạng của đầu tàu kinh tế Mỹ đã phân hóa sức mạnh đồng bạc xanh. Nhiều chuyên gia đã nhận định Châu Âu sẽ là khu vực về đích sớm nhất trên con đường hồi phục kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng.
 
Dù vậy, tháng cuối cùng của năm lại “bùng nổ” những hiểm họa mới như áp lực về nguy cơ lạm phát quay trở lại khi kinh tế tăng trưởng, và sự trỗi dậy mạnh mẽ của bạc xanh sau khi chạm tới mức thấp nhất trong lịch sử đã phần nào cản trở bước tiến của đồng EUR. Ngoài ra, sau khi tung ra các biện pháp kích thích kinh tế, các nước trong khu vực Châu Âu đang chịu mức thâm hụt ngân sách khổng lồ - cao nhất trong 14 năm cùng với những vấn đề rắc rối trên thị trường tài chính dấy lên những mối lo ngại mới. Khủng hoảng nợ ở Dubai World và sự tụt hạng tín nhiệm ở Hy Lạp sẽ mở màn cho những cú sốc khác về nợ tại một số quốc gia trong khu vực Châu Âu. Những hoài nghi về đà hồi phục của khu vực bắt đầu xuất hiện và việc này đã tác động lên sức khỏe của đồng EUR. Tỷ giá EUR/USD giảm mất 4% trong tháng 12 và hiện đang giao dịch ở mức 1 EUR “ăn” 1.4220 USD.
 
Sau khi kinh tế “bình thường trở lại”, việc thu hồi các biện pháp kích cầu sẽ được tính đến và liền sau đó sẽ là thời kỳ hết sức khó khăn với nền kinh tế và thị trường để thích ứng với những thay đổi mới. Tuy nhiên, với các chỉ số kinh tế cải thiện ở một số lĩnh vực quan trọng tại khu vực Chung Châu Âu, đầu tàu kinh tế này dường như đã có đà để có được một sự khởi đầu suôn sẻ trong năm mới 2010 dựa trên niềm lạc quan về triển vọng kinh tế. Khi kinh tế khu vực EU khởi sắc trở lại, với tính chất của một đồng tiền lãi suất cao và đại diện cho một khu vực kinh tế “khỏe mạnh”, đồng EUR sẽ có lợi thế để tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của mình trên thị trường.
 
[JPY] 2009: Năm đầy vất vả của nền kinh tế Nhật và chiến thắng “không mong đợi” của đồng JPY

 
Năm 2009 kết thúc để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ về quá trình chuyển mình đầy khó khăn của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu được khơi nguồn từ giữa năm 2007. Năm 2009 đánh dấu một bước tiến vượt bậc trên thị trường chứng khoán Mỹ khi xu hướng kinh doanh rủi ro bắt đầu quay trở lại cùng với sự phục hồi niềm tin của giới đầu tư toàn cầu, các chỉ số chứng khoán Mỹ gia tăng giá trị với tốc độ nhanh chóng và liên tục lập những kỷ lục mới. Trật tự về kinh tế thế giới trong khủng hoảng có nhiều thay đổi và từ đó ảnh hưởng đến vị thế của các đồng tiền trên thị trường ngoại hối. Trong bối cảnh đó, xét tương quan so sánh giữa đồng JPY và đồng USD, năm 2009 có thể coi là năm thành công của đồng Yên Nhật so với đồng bạc xanh, tuy nhiên chiến thắng này không hẳn là điều mà nền kinh tế mặt trời mọc mong đợi, đặc biệt khi sức khỏe kinh tế Nhật còn rất nhiều vấn đề đau đầu cần phải giải quyết.
 
Tình hình u ám của nước Nhật
 
Nước Nhật bắt đầu năm mới với số liệu GDP quý IV/2008 sụt giảm 3.8%, đánh dấu sự suy giảm trầm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974 và suy giảm gấp hai lần so với các nước Châu Âu và Mỹ tại thời điểm này. Tiếp đó, GDP nước này tiếp tục giảm 4% trong Quý I/2009. Những nhà sản xuất ô tô, điện tử và các công ty lớn khác đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, cắt giảm sản xuất, thu hẹp phạm vi hoạt động để chống chọi cho qua cơn suy thoái. Nhu cầu trong và ngoài nước của kinh tế Nhật Bản đều suy yếu. Chỉ số niềm tin kinh doanh của các công ty lớn tại Nhật rơi xuống mức thấp kỷ lục. Xuất khẩu Nhật giảm đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm của nền kinh tế đi đầu châu Á này chứng minh cho tình trạng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế xuất khẩu châu Á trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đi xuống. Với việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại nhưng không thành công, trong khi thất nghiệp leo thang, người dân trở nên dè sẻn hơn trong chi tiêu, nước Nhật chính thức phải thừa nhận tình trạng giảm phát đã hiện diện ở quốc gia này. Các nhà cầm quyền Nhật nỗ lực hết sức trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế: 2 gói kích thích kinh tế được đưa ra trong năm với trị giá lần lượt là 143 tỷ USD vào tháng 5 và 81 tỷ USD vào tháng 12 nhưng hiệu quả của chúng còn khá khiêm tốn. Sự tăng giá “không mong đợi” của đồng JPY trên thị trường ngoại hối cũng khiến khả năng cạnh tranh của các công ty xuất khẩu ở Nhật giảm sút nghiêm trọng. Đến quý III, mặc dù GDP tăng trưởng trở lại quý thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 5,3% xuống 5,1% trong tháng 10, xuất khẩu của Nhật bản tháng 10 giảm với tốc độ chậm nhất trong năm, đẩy thặng dư mậu dịch tăng lên 42,7% so với đầu năm lên 1,4 ngàn tỷ JPY; việc giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Nhật đã giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất từ năm 1958 tới nay khiến nỗi lo của người dân và các nhà cầm quyền càng trở nên lớn hơn. Bất chấp chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp các khoản tín dụng với tổng số tiền lên tới 10.000 tỷ Yên với mức lãi suất 0,1%, với tài sản thế chấp dễ dàng chưa từng có nhưng nhu cầu thực tế vẫn ở mức thấp. Giá cả suy giảm kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp, tiếp đó là tiền lương của người lao động, dẫn đến chi tiêu của người dân giảm sút tác động trở lại hoạt động đầu tư của các công ty tạo nên một vòng xoáy trì trệ kéo dài. Hơn nữa, để có tiền cho các gói kích thích kinh tế này và các khoản chi tiêu khác, chính phủ Nhật phải liên tục phát hành trái phiếu và đẩy nợ công của quốc gia này lên vị trí số 1 thế giới, với khoảng 53.500 tỷ Yên, gần gấp đôi so với GDP. Đây là một thách thức không nhỏ đối với đất nước mặt trời mọc khi năm tài chính 2009 kết thúc và là yếu tố bất lợi đối với giá trị của đồng JPY trong năm 2010.
 
Mối tương quan giữa giá trị tỷ giá USD/JPY và sắc màu thị trường chứng khoán
 
Mô tả về diễn biến của đồng JPY trong năm không thể không gắn liền với những biến động trên thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là phong vũ biểu của nền kinh tế Mỹ. Vốn được sử dụng như một công cụ chủ yếu để kinh doanh chiến lược “carry trade” (vay đồng tiền có lãi suất thấp đầu tư vào các tài sản có suất sinh lời cao) khi lãi suất đồng JPY được giữ liên tục ở mức thấp gần 0%, giá trị đồng Yên Nhật có mối quan hệ mật thiết với sắc màu trên thị trường chứng khoán. Thông thường, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, đồng JPY sẽ bị bán ra để lấy nguồn đầu tư vào các tài sản sinh lợi cao trên thị trường, còn khi thị trường chứng khoán rớt điểm, nhu cầu bảo toàn giá trị tài sản sẽ tạo lực mua vào đồng tiền này. Tuy nhiên có nhiều thời điểm, mối tương quan này bị phá vỡ hoàn toàn.
 
Mở đầu năm 2009, thị trường chứng khoán Mỹ ngập chìm trong biển lửa khi những tin tức thất vọng về GDP quý 4/2008 và việc thành lập một ngân hàng để giải quyết các nợ xấu của khối tài chính ở Mỹ khiến nỗi lo lắng của các nhà đầu tư dâng cao. Đây cũng là không khí chính bao trùm các thị trường chứng khoán toàn cầu. Các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường, chuyển vốn về nước hoặc bảo toàn tài sản bằng các công cụ được mệnh danh là chiếc hầm trú ẩn an toàn và đồng tiền có lãi suất thấp như đồng JPY trở thành một lựa chọn được ưu tiên. Kết thúc tháng 1, trong khi Phố Wall đón nhận tháng giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử, tỷ giá USD/JPY giảm 75 điểm so với mức mở cửa đầu tháng.
 
Tháng 2 mở đầu bằng việc DJIA chính thức chia tay mốc 8,000 điểm và tiếp tục chuỗi ngày tụt dốc một cách thảm hại cho đến đầu tháng 3. Những gói kích thích kinh tế với quy mô khổng lồ của nước Mỹ không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường và vì vậy không thể vực dậy niềm hứng khởi của các nhà đầu tư đối với các loại hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Các thông tin thất vọng về khu vực chế tạo, chỉ số niềm tin, dòng vốn đầu tư dài hạn, kế hoạch sa thải nhân công, sự khát vốn cứu trợ từ chính phủ để tái cấu trúc tổ chức của các đại gia, kế hoạch kiểm tra năng lực tài chính trong hệ thống ngân hàng… tiếp tục làm buồn lòng nhà đầu tư. Nhu cầu bảo toàn tài sản lại càng được đẩy lên cao. Thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái “rớt tự do”. Trong bối cảnh này, mặc dù thị trường thay đổi cái nhìn đối với vị thế của nước Mỹ nhưng với vai trò truyền thống là đồng tiền dự trữ quốc tế hàng đầu, đồng bạc xanh vẫn tỏ rõ ưu thế so với những đồng tiền lãi suất thấp có vai trò “hầm trú ẩn an toàn”. Đây cũng là tháng mất điểm mạnh nhất của đồng JPY so với đồng USD trong năm 2009.
 
Bước sang tháng 3, thị trường chứng khoán bắt đầu có sự “thay da đổi thịt” một cách rõ rệt với “phát súng” khơi mào là thông báo có lãi quý đầu tiên kể từ tháng 3/2007 của Citigroup. Các chuyên gia lạc quan nhận định chứng khoán Mỹ đã bắt được đáy và đang bắt đầu gượng dậy. Sự lạc quan của giới đầu tư quốc tế tiếp tục khiến đồng JPY trượt sâu hơn trên thị trường. Tuy nhiên xu hướng này nhanh chóng kết thúc. Sự thắng thế của đồng JPY trong gần ¾ năm còn lại được hỗ trợ phần lớn bởi sự chối bỏ của giới đầu tư quốc tế đối với đồng USD khi vị thế độc tôn về kinh tế chính trị của Mỹ đang có dấu hiệu lung lay. Sau khi lập đỉnh 101.44 vào ngày ¼, tỷ giá USD/JPY liên tục trượt dốc và chạm đỉnh thấp nhất trong vòng 14 năm – mức 84.81 vào ngày 1/11. Cũng bắt đầu từ tháng 3 dù cho có những thăng trầm nhưng xu hướng tăng giá vẫn chiếm thế chủ đạo trên thị trường và đến cuối năm, các chỉ số chứng khoán trên phố Wall đã bỏ xa vạch xuất phát đầu năm, tiêu biểu là chỉ số DJIA đã gia tăng được đến hơn 20% giá trị.
 
Tình hình yếu kém của cường quốc kinh tế từng đứng thứ hai thế giới sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với đồng JPY trong năm tới trong khi đồng USD đang có dấu hiệu phục hồi trở lại cùng với những tín hiệu kinh tế khả quan trên thị trường Mỹ. Niềm tin của thị trường đang quay lại với đồng USD khi đầu tàu kinh tế Mỹ liên tục phát đi những tín hiệu khả quan. Xu hướng tăng giá của đồng JPY so với đồng USD cũng tạm thời bị bẻ gãy vào sau 8 tháng tăng liên tục, kết thúc tháng 12, tỷ giá USD/JPY đã tăng đến 541 điểm so với đầu tháng. Năm 2010 dự báo sẽ là năm đầy vất vả đối với đồng JPY và nền kinh tế Nhật Bản trên con đường tìm lại vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

(scb)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Lãi suất chạm trần vẫn không hấp dẫn
  • Tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam 31/12/2009
  • Chính sách đồng USD yếu
  • USD giao dịch ở mức giá cao nhất trong 3 tháng khi có dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ
  • Dự trữ đồng đôla trên toàn cầu đang sụt giảm
  • Đồng Việt Nam giảm 0.2% so với đồng đôla Mỹ.
  • USD đã tưng mạnh trở lại
  • Đô la Mỹ tăng so với nhiều loại tiền tệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!