Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiếp cận dự án vay vốn với lãi suất 0%

Thông tin về một dự án cho vay không lãi suất (lãi suất 0%) đang được nhiều người quan tâm, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chật vật vì lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức cao.
 
Đó là Dự án cho vay không lãi suất Thriive, đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 và hiện còn được triển khai ở hai quốc gia khác là Kenya và Palestine. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế phát triển (CEDS) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội giữ vai trò điều phối dự án từ khi dự án triển khai tại Việt Nam

Ông Đỗ Thành Long, Phó giám đốc phụ trách CEDS cho biết, Dự án Thriive cho phép các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa vay vốn không lãi suất để trang bị công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất, sử dụng thêm lao động.

Dự án Thriive thuộc Quỹ Arthur B. Schultz (ABS) - một tổ chức tư nhân của Hoa Kỳ, được thành lập năm 1985 (địa chỉ: P.O. Box 5339KetchumID83340USA; website http://www.absfoundation.org).

Đây là một quỹ tài trợ với tính chất nhân đạo thông qua việc hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên, phục hồi chức năng và giải trí cho người tàn tật, hỗ trợ tài chính cho các DN vừa và nhỏ để phát triển và tăng cường sự hiểu biết trên toàn cầu. Quỹ ABS đã và đang tài trợ thành công cho một số chương trình thuộc các lĩnh vực khác nhau tại nhiều nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, Quỹ ABS tài trợ cho các chương trình trao đổi giảng viên giữa trường Đại học Kinh tế (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Wisconsin (Eau Claire, Hoa Kỳ).

Theo văn bản hợp tác ký kết giữa Giám đốc CEDS với đại diện Quỹ ABS, CEDS đóng vai trò là đơn vị tư vấn, chọn lọc các DN để cho vay vốn, đồng thời kết hợp với đại diện của Quỹ giám sát hoạt động và đảm bảo việc thực hiện các chương trình trả nợ theo đúng các tiêu chí đã đặt ra.

Cụ thể, căn cứ vào tính khả thi và hiệu quả của phương án vay, CEDS sẽ tư vấn cho Quỹ ABS lựa chọn các hồ sơ đạt yêu cầu để cho vay. Nếu phương án được phê chuẩn, Quỹ ABS sẽ cho vay không tính lãi, với mức tối đa 20.000 USD/DN và khoản vay này phải được hoàn trả trong vòng 2 năm kể từ ngày giải ngân.

Số tiền vay sẽ được hoàn trả dưới hình thức cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, như người nghèo, người tàn tật, người già, trẻ em mồ côi, người dân tộc thiểu số…

Để đảm bảo khả năng hoàn vốn, mỗi DN sẽ phải cung cấp một báo cáo trả nợ hàng quý, báo cáo phát triển kinh doanh 6 tháng/lần, trong đó mô tả rõ các hình thức và giá trị của chương trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ miễn phí.

Quy trình lựa chọn DN đủ điều kiện vay vốn cũng được tiến hành khá công phu, qua 2 vòng. Trước hết, CEDS sơ duyệt và phỏng vấn lần một các DN đã hoạt động tối thiểu một năm, có hồ sơ đạt yêu cầu; kiểm tra thực tế tại DN và cùng ngân hàng xem xét tính khả thi và hiệu quả của các phương án kinh doanh. Căn cứ vào nhu cầu vay vốn hợp lý và tài sản sở hữu để thế chấp, cầm cố do ngân hàng định giá, CEDS sẽ quyết định số lượng tiền được vay để lựa chọn ra các ứng viên thích hợp nhất với dự án. Tiếp đó, DN hoàn thiện hồ sơ gửi sang Quỹ ABS. Tháng 11 hàng năm, đại diện quỹ sẽ có mặt tại Việt Nam phỏng vấn và lựa chọn lần cuối các DN đủ điều kiện vay vốn.

Số liệu của CEDS cho thấy, qua 5 giai đoạn, đã có 28 DN nhỏ và vừa Việt Nam được vay vốn để phát triển sản xuất, đầu tư vào trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến, với tổng vốn tài trợ là gần 380.000 USD; 79.755 người nghèo trên địa bàn 19 tỉnh miền Bắc (từ Nghệ An trở ra) được hưởng các dịch vụ, sản phẩm miễn phí từ dự án này.

Có thể thấy, số lượng DN được vay vốn từ dự án không nhiều, đồng thời còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của DN có thuận tiện cho việc trả nợ thông qua sản phẩm, dịch vụ hay không. Song điểm đáng khích lệ là tình hình hoàn vốn của các DN đã tham gia dự án khá khả quan. Đến nay, toàn bộ các DN được vay vốn trong 4 giai đoạn đầu đã hoàn tất việc trả nợ. Giai đoạn 5 mới đi qua hơn một nửa thời gian, nhưng đã có 1 DN hoàn tất trả nợ, 4 DN khác đang tiếp tục thực hiện hoàn vốn thông qua dịch vụ, sản phẩm đã được duyệt.

“Với những thành công đạt được trong các giai đoạn trước, hiện tại, CEDS đang triển khai dự án giai đoạn 6 (2010 – 2012). Ngay bây giờ, các DN có thể liên hệ với Trung tâm để đăng ký hồ sơ vay vốn, hạn cuối cùng để DN nộp hồ sơ là ngày 20/10/2010. Ngoài mục đích tăng cường vốn cho các DN, giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam, nâng cao ý thức về hoạt động từ thiện trong cộng đồng, dự án còn duy trì phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, thực hiện tốt chủ trương tăng cường quan hệ và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước”, ông Đỗ Thành Long cho biết.

(Theo Báo đầu tư)

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!