Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm sau khi Nhật Bản mua lại 3 hòn đảo đang trong quá trình tranh chấp trên biển Hoa Đông hồi đầu tháng này. Các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc. Mối quan hệ kinh tế giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á bị đe dọa.
Jin Baisong, 1 quan chức tại Viện Thương mại quốc tế Trung Quốc – cơ quan trực thuộc Bộ thương mại Trung Quốc, tuần trước đã làm dậy sóng dư luận. Trong 1 bài báo được đăng tải trên tờ China Daily – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Jin cho rằng Trung Quốc nên sử dụng vai trò là chủ nợ lớn của Nhật Bản để áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, điều mà ông Jin khuyến nghị khó có thể xảy ra. Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ chỉ dừng lại ở lời đe dọa bởi Bắc Kinh sẽ không theo đuổi hành động có thể làm tổn hại đến chính nền kinh tế Trung Quốc.
Lời kiến nghị của ông Jin phản ánh 1 quan điểm xuất hiện không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở bên ngoài nước này: Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất thế giới với lượng dự trữ ngoại hối lên đến hơn 3.000 tỷ USD hiện đang được đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài mà điển hình là tín phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu của chính phủ Nhật Bản.
Dẫu vậy, đây chính là 1 quan điểm sai lầm. Theo các chuyên gia phân tích, sư thực là Trung Quốc đầu tư vào các trái phiếu nước ngoài bởi đây là 1 phần trong chính sách kinh tế của nước này. Nắm giữ các trái phiếu nước ngoài sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát được đồng nhân dân tệ.
Do đó, trả đũa Nhật Bản bằng cách ồ ạt bán trái phiếu của nước này sẽ có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải tìm ra “bến đỗ” mới cho lượng tiền khổng lồ này. Mang tiền về Trung Quốc là không thể bởi làm như vậy sẽ khiến đồng nhân dân tệ tăng vọt.
Theo Patrick Chovanec, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, người ta đã lầm tưởng rằng dự trữ ngoại hối khổng lồ có thể được coi là 1 loại vũ khí bổ sung sức mạnh cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm. Trung Quốc mua trái phiếu nước ngoài để ngăn không cho đồng nhân dân tệ tăng giá. Như vậy, bán ra trái phiếu của Nhật Bản có nghĩa là nước này phải mua vào trái phiếu của nước khác và hành động này ẩn chứa quá nhiều rủi ro.
Ở thời kỳ trước, nắm giữ trái phiếu Nhật Bản đã từng là sự lựa chọn không mấy hấp dẫn bởi đây là nước có tốc độ tăng trưởng khá yếu ớt và thêm vào đó là gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ và khủng hoảng eurozone kéo dài dai dẳng, nhà đầu tư bắt đầu coi trái phiếu chính phủ Nhật Bản là 1 nơi trú ẩn an toàn.
Riêng đối với Trung Quốc, tính đến cuối năm ngoái, số lượng trái phiếu Nhật Bản mà nước này nắm giữ đã lên đến mức kỷ lục 231 nghìn tỷ USD.
Yếu tố đồng yên
Thậm chí, động thái bán trái phiếu của Trung Quốc còn nhận được sự hoan nghênh từ phía Tokyo. Theo Chovanec, kể cả khi Trung Quốc bán trái phiếu Nhật Bản, điều tồi tệ nhất mà Nhật phải gánh chịu là đồng yên xuống giá - điều mà Nhật Bản mong muốn bấy lâu nay. Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản cũng không hề mong muốn Trung Quốc nâng số trái phiếu nắm giữ bởi điều này gây áp lực tăng giá cho đồng yên.
Hồi đầu tháng, đồng yên đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng so với đồng USD và chỉ còn kém mức kỷ lục của năm ngoái 3%. Đồng yên quá mạnh đang làm tổn hại các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản và đe dọa sẽ làm chệch hướng đà phục hồi của nền kinh tế. Quyết định tung ra gói kích thích kinh tế trong tuần trước của NHTW Nhật Bản cũng được nhìn nhận là 1 động thái nhằm vào mục đích làm đồng yên yếu đi.
Giới phân tích cũng nhận định mặc dù không thể coi nhẹ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hiện nay, nguy cơ chiến tranh kinh tế vẫn bị hạn chế. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản trong khi Nhật Bản nằm ở vị trí thứ 2 đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc.
“Cho đến bây giờ thì cả 2 nước đều đóng vai trò quan trọng đối với nước còn lại. Do đó, có rất ít khả năng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ để xung đột tiến triển xa hơn,” Andrew Pease, chuyên gia đến từ Russell Investments nhận định.
Thu Hương
Theo TTVN/CNBC