Một số nhà nghiên cứu cho rằng những nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lửa lớn cũng phải có quyền tham gia định đoạt giá dầu thế giới.
Từ năm 2008 tới nay giá dầu lửa biến động không ngừng, lên xuống thất thường tùy theo sự thay đổi của quan hệ cung cầu và tình hình chính trị, xã hội, thiên tai cũng như chiến tranh cục bộ thế giới.
Năm 2008 khi khủng hoảng tiền tệ tín dụng xảy ra, giá dầu có lúc tới 147 USD/thùng, tiếp đó năm 2009, giá dầu có lúc tụt xuống 33 USD/thùng, chỉ bằng 1/5 của năm 2008. Năm 2010, giá dầu tương đối ổn định, nhưng từ cuối năm khi Mỹ bơm gói kích cầu 600 tỉ USD thì giá bắt đầu tăng lên. Ba tháng đầu năm 2011, giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng đạt mức 120 USD/thùng. Giá dầu từ đầu năm 2011 tới nay ở ba Sở giao dịch lớn là New York, Brent Crude Oil ở Luân Đôn và Tổ chức OPEC đều tăng bình quân trên 20%.
Tình hình chính trị bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi mà đầu tiên ở Ai Cập, Tuynisia, tiếp đó là Libya lại đẩy giá dầu từ 90 USD/thùng lên 120 USD/thùng. Biến động theo các mức giá trên thị trường thế giới khiến nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi: “Ai định ra giá dầu thế giới?”. Dư luận một số nước cho rằng Mỹ là nước định ra giá dầu thế giới vì giá dầu tính bằng USD. Điều này không đúng.
Tờ “Tài chính quốc tế” ngày 29/3/2011 có bài “Tranh giành quyền định đoạt giá dầu thế giới đang diễn ra gay gắt”. Nội dung như sau:
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nói: “Ai kiểm soát được dầu lửa, người đó sẽ khống chế được tất cả các nước”. Câu nói này tới nay vẫn đúng, bởi vì “Giá dầu là cơ sở của tất cả các loại giá”, giá dầu thay đổi kéo theo một loạt những biến động giá các mặt hàng khác và ảnh hưởng lớn tới kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là tình hình nguồn năng lượng này ngày càng cạn kiệt mà chưa có nguồn năng lượng nào khác đủ mạnh thay thế.
Kể từ năm 1860 khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai nổ ra tới nay, việc định ra giá dầu thế giới trải qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn một do các Công ty dầu lửa quyết định, khi đó nguồn ngăng lượng này còn mới lạ đối với mọi người, để khuyến khích tiêu dùng người mua dầu còn được tặng một chiếc đèn dầu hỏa thắp sáng.
- Giai đoạn 2 do Tổ chức OPEC định giá. Nhu cầu dầu lửa ngày càng tăng lên mạnh mẽ, nên người cung cấp dầu lửa chủ yếu thế giới là OPEC quyết định giá. Vào tháng 10/1973, sáu nước Vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Oman, Bahrain, Qatar, Kuwait, Saudi Arabia đơn phương quyết định tăng giá dầu từ 3,65 USD/thùng lên 5,12 USD/thùng. Tháng 12/1973, OPEC lại đơn phương tăng lên 11,65 USD/thùng. Rõ ràng quyền định giá thuộc về OPEC.
- Giai đoạn 3 do người thao túng giao dịch kỳ hạn trên thị trường chứng khoán định giá. Cùng với các cuộc khủng hoảng, mặt hàng dầu lửa ngày càng bị tiền tệ hóa và chứng khoán hóa. Lợi dụng việc tính giá dầu bằng USD, những kẻ thao túng thị trường chứng khoán và thị trường giao hàng kỳ hạn ở các nước phát triển đã giành quyền định giá từ tay OPEC. Năm 1986, các nhà đầu tư lớn trên thế giới đánh tụt giá dầu lửa thế giới xuống còn 10 USD/thùng và OPEC phải tuân thủ theo. Đây là cái mốc đánh dấu OPEC bị tuột mất quyền định giá. Năm 2008, khi khủng hoảng tiền tệ tài chính xảy ra, các nhà đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán, nhất là Goldman Sachs đã định giá dầu giao kỳ hạn tới 147 USD/thùng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng về lý thuyết, giá cả mặt hàng nào đó phụ thuộc vào quan hệ cung -cầu. Vì vậy, một số người cho rằng giá dầu tăng là do thị trường khan hiếm dầu vì nguồn cung cấp ở Trung Đông và Bắc Phi bị suy giảm. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn cung cấp này ảnh hưởng không lớn. Libya là nước sản xuất dầu lớn thứ 8 trong OPEC, là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 Châu Phi với sản lượng 1,6 triệu/thùng/ngày, chiếm 2% tổng sản lượng một ngày của thế giới. Các Công ty dầu lửa lớn thế giới như Total của Pháp, ENI của Italy (Ente Nazionale Idrocarbuni) nhiều lần khẳng định nguồn cung ứng dầu lửa không thiếu. Các nước OPEC cũng mạnh mẽ tuyên bố rằng họ hoàn toàn có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ dầu lửa. Chỉ riêng Saudi Arabia điều chỉnh tăng sản lượng có thể bù đắp số thiếu hụt của Libya.
Do Trung Đông và Bắc Phi có vị trí chiến lược cung cấp dầu lửa, nên tâm lý lo sợ khan hiếm dầu bao trùm nhiều nước. Lợi dụng tâm lý này, các nhà đầu cơ, thao túng thị trường chứng khoán đã tăng giá dầu.
Trước tình hình này, nhiều nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lửa lớn thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản... đã bị chao đảo bởi giá dầu thế giới tăng cao. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng những nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lửa lớn giờ đây cũng phải có quyền tham gia định đoạt giá dầu thế giới. Mạng tin “Nhân dân” của Trung Quốc ngày 29/3/2011 đăng bài “Trung Quốc đang bị gạt ra rìa trong con bài dầu lửa”. Bài báo cho biết năm 2010, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới với 239 triệu tấn. Mức nhập khẩu này đã vượt quá giới hạn an ninh 50% dầu lửa, tới mức 53,7%, dự kiến còn lên tới mức báo động nguy hiểm là 55%. Trung Quốc hiện đang đứng bên bờ vực bị nước khác khống chế. Bởi vậy, Trung Quốc phải đấu tranh giành quyền tham gia định giá dầu lửa. Tuy nhiên, bài báo cho rằng trong thời gian ngắn không thể thực hiện được vì giá dầu tính bằng USD, cho dù Trung Quốc có lập ra Sở giao dịch dầu lửa thì chẳng có ai tham gia và phụ thuộc vẫn là phụ thuộc.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com