Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 24h qua: Áp lực lạm phát thấy rõ

Hôm qua (7/4), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất cơ bản từ 1% lên 1,25%, đúng như các dự báo trước đó. Đây là lần nâng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ tháng 7/2008, nhằm đối phó với vấn nạn lạm phát.

Trong tháng 3 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 2,6% từ mức 2,4% trong tháng 2, trái với dự báo của giới phân tích. Đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2008, vượt mức trần 2% tháng thứ 4 liên tiếp.

Giới phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất ở thời điểm này có thể sẽ làm gia tăng áp lực đối với Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, đặc biệt là Bồ Đào Nha vừa chính thức yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) giải cứu khỏi núi nợ công.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski thuộc trung tâm tài chính ING cho biết, trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay và một số nền kinh tế chủ chốt trong Eurozone đang tăng trưởng vững chắc, việc duy trì lãi suất 1% là quá thấp. Nhà kinh tế hàng đầu của ECB, Juergen Stark cũng cho rằng không thể duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong thời gian quá dài.

Tuy nhiên, để trấn an thị trường, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet khẳng định, đợt tăng lãi suất này không phải là mở đường cho chu kỳ tăng lãi suất trở lại và ECB sẽ đánh giá tình hình trước khi đưa ra những quyết định mới.

Cùng ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha đã chính thức gửi đề nghị bằng văn bản lên Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu trợ giúp tài chính để tránh vỡ nợ. Hiện thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã ở mức 8,6% GDP năm 2010, cao hơn mức mục tiêu 7,3% GDP của chính phủ và vượt xa mức giới hạn 3% GDP theo quy định của EU.

Nguồn tin từ EC cho biết, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẵn sàng giúp Bồ Đào Nha thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Hai bên dự tính số tiền cứu trợ Bồ Đào Nha vào khoảng 75 tỷ Euro và có thể lên đến 90 tỷ Euro. EC đang nỗ lực tìm cách thông qua gói cứu trợ dành cho Lisbon.

Phản ứng trước việc Bồ Đào Nha đề nghị EU bảo lãnh vỡ nợ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Werner Hoyer cho rằng, quyết định này không gây bất ngờ, vì đã được giới phân tích dự đoán, và có thể giúp ngăn chặn hiệu ứng domino vỡ nợ công trong Khu vực đồng Euro.

Hôm qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, trong khi Nhà Trắng lên tiếng đe dọa Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết dự luật nếu Thượng viện cũng thông qua dự luật đó.

Với 247 phiếu thuận và 181 phiếu chống, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cấp kinh phí cho chính phủ liên bang hoạt động thêm một tuần nữa, đến ngày 15/4 và cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng hoạt động đến hết năm tài chính hiện nay, kết thúc vào ngày 30/9.

Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Harry Reid đã thông báo với báo giới rằng, buổi làm việc ngày 7/4 của họ với Tổng thống Obama không đạt được thỏa thuận về cung cấp kinh phí cho chính phủ đến hết tài khóa 2011 hiện nay.

Ông Reid cho biết, lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện sẽ gặp lại Tổng thống vào tối ngày 7/4 để tiếp tục thảo luận về ngân sách cho tài khóa hiện hành và trước mắt là tìm ra giải pháp tránh tình trạng chính phủ phải ngưng hoạt động từ ngày 9/4 khi dự luật chi tiêu tạm thời hết hạn.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định, khối lượng thương mại toàn cầu sẽ tăng 6,5% trong năm nay, cao hơn mức trung bình 6% trong giai đoạn từ năm 1990 - 2008, nhưng thấp hơn so với mức phục hồi ngoạn mục trong năm ngoái. WTO cho biết, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2010 được điều chỉnh tăng lên 14,5%.

Theo WTO, thương mại của các quốc gia đang phát triển, đo lường bằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, được dự báo tăng 9,5%; trong khi thương mại của các quốc gia phát triển có thể chỉ tăng khoảng 4,5%.

Trận động đất và cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dự báo của WTO. Tuy nhiên, thảm họa kép cùng với sự biến động của giá cả hàng hóa và căng thẳng chính trị tại Trung Đông có thể khiến các dự báo cho năm nay trở nên đặc biệt bất ổn và có nguy cơ bị điều chỉnh giảm.

Liên quan tới kinh tế Nhật, hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cảnh báo kinh tế nước này đang đứng trước áp lực suy giảm mạnh do sức tàn phá của thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11/03. Phần lớn nguyên nhân của nguy cơ suy giảm xuất phát từ sự ngưng trệ của hoạt động sản xuất và chuỗi cung cấp bị gián đoạn.

Sau cuộc họp chính sách trong ngày hôm nay, BOJ giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0 - 0,1%. Đồng thời, ngân hàng cho biết sẽ cung cấp các khoản vay mới trị giá 1.000 tỷ Yên (tương đương 12 tỷ USD) kỳ hạn 1 năm với lãi suất chỉ 0,1%. Đối tượng mà các khoản vay này hướng đến là những tổ chức tài chính tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Nhà phân tích Masamichi Adachi của JP Morgan Securities tại Tokyo nhận định: “BOJ không cần phải nới lỏng chính sách hơn nữa và sẽ giữ nguyên trong thời điểm hiện tại trừ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân ngày càng trầm trọng hơn hay hoạt động sản xuất phải vật lộn để phục hồi trong các tháng tới”.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 7/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Takahashi Chiaki cho biết, ông không đồng tình với việc cắt giảm ODA vì "việc Nhật Bản nhận được sự trợ giúp và viện trợ từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ chính là một thành quả của nguồn vốn ODA".

Hôm 7/4, Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) thông báo giá thực phẩm thế giới giảm lần đầu tiên trong 8 tháng vào tháng 3 sau khi chạm mức cao kỷ lục trong hai tháng đầu năm nay. Chỉ số giá thực phẩm tháng 3 của FAO giảm 2,9% so với mức đỉnh trong tháng 2 xuống 230 điểm, nhưng vẫn còn cao hơn 37% so với tháng 3/2010.

Theo FAO, trong tháng 3 vừa qua, giá ngũ cốc biến động rất mạnh do bất ổn kinh tế ngày càng tăng cao, căng thẳng chính trị tại Bắc Phi và một số vùng của khu vực Cận Đông, cũng như động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ số giá thực phẩm cho thấy giá dầu, đường và ngũ cốc thế giới lại giảm.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Trung - Mỹ: Sự tái bảo đảm về mặt chiến lược
  • Giá dầu tăng là do lỗi của FED?
  • Kinh tế 24h qua: Nhiều dự báo quan trọng
  • Thế giới tuần 28/3-3/4: Lạm phát và sốt vàng
  • Kinh tế thế giới trong tuần: Lạm phát và thảm họa
  • Phân tích – Dự báo: Một số xu thế của kinh tế thế giới
  • Phân tích – Dự báo: Ngành xe hơi Nhật Bản sau thảm họa thiên tai