Trong báo cáo thường niên về thị trường tài chính toàn cầu mới được công bố, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường vàng.
PBoC cho rằng, các đồng tiền mạnh trên thế giới như USD hay Euro có khả năng tiếp tục mất giá trong bối cảnh bong bóng tài sản kéo dài, còn kinh tế Mỹ, châu Âu phục hồi chậm chạp. Theo đó, mua vàng là một biện pháp chống lại lạm phát và đảm bảo an toàn tài chính.
Theo PBoC, nguy cơ lạm phát của nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đẩy cao nhu cầu về vàng và giá cả của loại kim loại đặc biệt này không ngừng lập những kỷ lục tăng mới. Giới phân tích bình luận, báo cáo này cho thấy, Trung Quốc đang khuyến khích người dân tích trữ vàng.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 1/2011 (31/3) trên thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.435,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6/2011 đóng cửa ở mức 1.439,9 USD/ounce, tăng 1,1% so với phiên trước. Tính chung cả quý, giá vàng tăng 1%. Đây là quý thứ 10 liên tiếp, giá vàng quốc tế đi lên.
Những nhân tố chi phối giá vàng trong quý 1 vừa qua gồm chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương, tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và căng thẳng chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi.
Ngày 31/3 cũng là phiên giá vàng tăng mạnh nhất trong gần 2 tuần qua, trong lúc thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố thống kê về tình hình việc làm tại khu vực phi nông nghiệp của nước này trong tháng 3/2011. Đây được xem là chỉ số chủ chốt để đánh giá sức khỏe kinh tế Mỹ.
Các nhà giao dịch nhận định, trước khi có thông tin về thị trường lao động Mỹ, giới đầu tư đang "ôm" vàng để đối phó với những bất ổn. Tâm lý lo ngại lạm phát là nhân tố có lợi cho vàng. Giới phân tích dự báo giá vàng đang hướng tới mốc 1.500 USD/ounce.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc - Đại Công, chương trình nới lỏng định lượng lần 2 trị giá 600 tỷ USD sẽ không giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện được mục tiêu như kỳ vọng. Theo đó, Mỹ sẽ khó thay đổi chính sách tiền tệ đã được xác định trước trong năm 2011.
Đại Công nhấn mạnh, Mỹ "liên tục thực hiện chính sách tiền tệ không theo quy ước như vậy sẽ dẫn tới sự leo thang của cuộc chiến tranh tín dụng toàn cầu và gây thiệt hại lớn hơn nữa cho các bên liên quan". Với nỗ lực "điều chỉnh quan hệ tín dụng quốc tế", nhiều quốc gia đã tăng lượng nắm giữ vàng vật chất trong những năm gần đây với mục đích chống lại sự mất giá của tiền tệ.
Bên cạnh đó, giá vàng cũng nhận được sự ủng hộ khi đồng Euro mạnh hơn đồng USD, trong bối cảnh những thống kê về lạm phát đang củng cố dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng lãi suất. Nhưng sức mạnh của đồng tiền chung châu Âu có thể chỉ tạm thời, khi các vấn đề nợ sẽ còn theo chân châu lục này trong quý 2 tới đây.
Chính phủ Bồ Đào Nha thừa nhận đã không đáp ứng được mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2010. Theo đó, thâm hụt ngân sách 2010 của nước này chiếm 8,6% GDP, vượt mức trần của Liên minh châu Âu (EU), do sự thua lỗ của các công ty vận tải quốc doanh và ngân hàng.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê châu Âu, lạm phát tại 17 quốc gia Eurozone tăng lên 2,6%, trái với dự báo của các nhà kinh tế. Đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2008 và vượt mức trần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tháng thứ 4 liên tiếp.
Chính tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone là nhân tố chủ chốt khiến giá vàng tăng tới 30% trong năm 2010. Mới đây, hãng Moody's cảnh báo không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng đối với một số nước Eurozone, khiến nhà đầu tư càng thêm quan ngại về tình hình tài chính của khu vực này.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Trung Quốc thực hiện chính sách mua vàng ở khắp mọi nơi. Đồng thời, họ cũng khuyến khích người dân tích trữ vàng, thậm chí khuyến khích người dân mua vàng qua cả các nguồn nước ngoài.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa qua đã tăng cường bán vàng miếng cho người dân, trung bình mỗi tuần 5 tấn, thậm chí có tuần bán tới 15 tấn. Riêng tháng 1, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã bán được 7 tấn vàng, gần một nửa so với tổng 15 tấn được bán ra trong năm 2010. 13 tấn bạc cũng đã được bán ra trong tháng này, so với tổng mức 33 tấn bán ra năm ngoái.
Tại các trung tâm bán vàng nguyên liệu ở thành phố Thâm Quyến, nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất đang đổ xô mua vàng thô. Doanh số của các cửa hàng tăng tới 20% một tháng. Trong lúc tại sàn giao dịch vàng Thượng Hải, kể từ khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang, giao dịch vàng thô cũng tăng đến 30%.
Theo thống kê của Ngân hàng Thụy Sĩ (USS), trong 2 tháng đầu năm 2011, người Trung Quốc mua gần 50% sản lượng vàng của thế giới trong thời gian này. Nhà đầu tư đổ xô mua vàng đã khiến kim loại này trở nên khan hiếm. Các nhà cung cấp Trung Quốc cho biết, đang có sự thiếu hụt lớn vàng nguyên liệu bởi nhu cầu tăng cao.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã và đang chuyển đổi gần 3.000 tỷ USD tiền mặt sang vàng để tự bảo vệ trước nguy cơ suy yếu của đồng USD. Theo PBoC, các đồng tiền đang giảm giá trị so với vàng, trong đó USD giảm 1%, Franc Thụy Sỹ mất 2,5%, bảng Anh “bốc hơi” 2% trong khi Yên Nhật hạ 2%.
Năm 2010, dự trữ vàng của Trung Quốc là 1.054 tấn và con số này đang tăng dần lên. Điều này cho thấy việc tích trữ vàng có thể là một bước trong chiến dịch dài hạn nhằm đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế dẫn đầu về dự trữ vàng trên toàn thế giới.
Khuyến khích người dân tích trữ vàng cũng là xu thế diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Dự kiến, chính quyền 12 bang của Mỹ, gồm cả New Hampshire, Vermont, Colorado, Indiana, South Carolina và Washington, sẽ đề nghị chính phủ cho phép công dân của họ sử dụng đồng xu vàng và bạc một cách hợp pháp.
Tại Ấn Độ, nhu cầu vàng của người dân cũng tăng cao. Các ngân hàng của Ấn Độ cấp tín dụng cho những người muốn mua vàng và bạc, hay những khoản cho vay để mua vàng, bạc. Theo báo cáo ngày 31/3 của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của Ấn Độ sẽ tăng gần 3%/năm trong vòng 10 năm tới và vượt 1.200 tấn vào năm 2020.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tổng nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm 2010 của Ấn Độ là 963,1 tấn. Các hộ gia đình Ấn Độ nắm giữ 18.000 tấn vàng, cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, lượng vàng mà Ấn Độ mua vào chiếm khoảng 32% tổng lượng vàng mà toàn thế giới mua vào trong năm 2010.
Ajay Mitra, Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng Thế giới phụ trách Ấn Độ và Trung Đông, cho biết, “sự nổi lên của Ấn Độ như là một cường quốc kinh tế sẽ tiếp tục lấy vàng làm trọng tâm. Ấn Độ đã có một vị thế độc nhất trên thị trường vàng thế giới và khi mức độ giàu có gia tăng trong 10 năm tới, nhu cầu vàng cũng sẽ tăng lên”.
(Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com