Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phân tích – Dự báo: Một số xu thế của kinh tế thế giới

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2011, kinh tế các nước phát triển sẽ hồi phục nhưng ở mức độ thấp, trong khi các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với khó khăn bởi nguồn tiền nóng sẽ rút ra khỏi thị trường của mình.

Kinh tế Hoa Kỳ tốt hơn dự kiến

Rất nhiều ngân hàng đầu tư đưa ra dự đoán tăng trưởng cao của kinh tế Hoa Kỳ  trong năm 2011 với các lý do sau. 

Thứ nhất, lạm phát không còn là vấn đề lớn của nước này trong 2 năm tới, cho dù chỉ số lạm phát tăng (3-4%). Cục Dự trữ Liên bang (FED) cũng không tăng cao lãi suất. Nguyên nhân là do cơ cấu thất nghiệp của Hoa Kỳ phải cần thời gian khá dài để giải quyết, đến cuối năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp mới có thể giảm xuống 7%. Đến trước thời điểm này, khả năng điều chỉnh chính sách của FED là khá thấp. Hơn nữa, khi lạm phát không bị mất kiểm soát (duy trì ở mức 3%-4%) sẽ càng giúp ích cho việc hóa giải nguy cơ nợ công và một loạt các vấn đề của hệ thống ngân hàng nước này.

Thứ hai, tiêu dùng đã có tác dụng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ. Chính sách tài chính đã kích thích tiêu dùng, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục chính sách giảm thuế và trợ giá cho người nghèo. Việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách tài chính đang tỏ rõ tác dụng kép hỗ trợ quan trọng trong lĩnh vực đầu tư.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn có thực lực đầu tư lớn, lượng tiền mặt mà họ đang nắm giữ khoảng 2.500 tỷ USD. Nếu như lãi suất trung bình thấp, cộng thêm kinh tế tăng trưởng hồi phục, sẽ có tác dụng lớn trong việc huy động số tiền này đầu tư.

Thứ ba, từ đầu năm 2011 đến nay, nhu cầu của các nhà đầu tư đối với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ lại tăng lên, mọi người đã từng lo lắng đồng USD sẽ mất giá mạnh, trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ gặp phải rủi ro lớn, nhưng điều đó không xảy ra.

Có thể nói, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể cung cấp động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Kinh tế châu Âu phân hóa lưỡng cực

Vấn đề lớn nhất mà kinh tế châu Âu phải đối mặt hiện nay là sự phân hóa 2 cực nghiêm trọng. Đó là những nước trung tâm đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát tăng cao, trong khi một vài nước biên duyên sẽ phải đối mặt với tái khủng hoảng tài chính khá lớn trong năm nay.

Do kinh tế khu vực bị phân tách, châu Âu phải lựa chọn chính sách tiền tệ trung dung. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do không phải là một nước nên khó có thể thay đổi để đối phó, trong khi thị trường lao động lại bị chia cắt, đồng tiền đơn nhất và chính sách tiền tệ chung một lần nữa gặp phải thách thức.

Ngoài ra, sắp tới thời điểm thay đổi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vấn đề người kế nhiệm dẫn tới thêm nhiều tính không rõ ràng. Tình hình nợ công ở châu Âu cũng chưa thể lạc quan. Các thời điểm tháng 4, tháng 8 và tháng 10 năm nay có thể sẽ là những thời kỳ rủi ro lớn, vấn đề chủ yếu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

So với Hoa Kỳ, châu Âu có 2 điểm khác biệt, một là sự phục hồi kinh tế ở các nước châu Âu không cân bằng; hai là châu Âu vẫn đang đối mặt với khủng hoảng mới. Ngoài ra, khi chưa lựa chọn xong người đứng đầu Ngân hàng trung ương, châu Âu cũng chưa xác định được chính sách cho tương lai.

Các thị trường mới nổi đối mặt 3 rủi ro

Năm 2011, rủi ro vĩ mô lớn nhất của các thị trường mới nổi bao gồm mất kiểm soát lạm phát, rủi ro tính lưu động 2 chiều và cú sốc kinh tế.

Thứ nhất, giá cả hàng hóa quốc tế, đặc biệt là gạo, bông, cao su, dầu mỏ tăng cao đều có thể tăng thêm tính không xác định của lạm phát.  Giá hàng hóa đã tăng liên tiếp trong 4 quý (kể từ quý II/2010), trong đó thực phẩm, dầu mỏ, cao su, bông lần lượt tăng ở mức 20%, 12%, 22 và 48%.

Thứ hai, rủi ro mang tính lưu động của quốc tế, bao gồm dòng tiền đầu tư dài hạn dịch chuyển 2 chiều tăng lên. Chịu ảnh hưởng của tính lưu động quốc tế, “bong bóng” chứng khoán và nhà đất ở các thị trường mới nổi tăng cao, khiến các thị trường này đang phải nỗ lực kiềm chế bong bóng, tiếp tục tăng lãi suất tiền nóng.

Chính sách nới lỏng tiền tệ năm 2010 của Hoa Kỳ đã khiến một lượng tiền nóng lớn chảy vào thị trường mới nổi. Dòng tiền nóng đổ vào thị trường mới nổi trong năm 2010 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, bình quân mỗi tháng khoảng 6,6 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2007 và gấp 6 lần năm 2003. Điều này đã tăng thêm mức độ khó khăn trong công tác điều tiết vĩ mô quốc gia của các thị trường mới nổi.

Năm nay, tình hình kinh tế Hoa Kỳ theo hướng tốt lên và bắt đầu hút dòng tiền nóng trở lại. Do vậy, từ cuối năm 2010 đến đầu năm nay, vốn đầu tư đã bắt đầu chuyển khỏi các thị trường mới nổi (như Hongkong, Ấn Độ, Brazil) chảy về các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Sự dịch chuyển 2 chiều của dòng tiền nóng đã hình thành các đợt sóng thị trường, tăng thêm sự khó khăn trong quản lý vĩ mô của các thị trường mới nổi, mang lại tính không xác định cho hướng đi tương lai.

Tuy nhiên, nếu giá nhà đất của Hoa Kỳ lại được thổi lên, vấn đề Trung Đông, Bắc Phi được giải quyết ổn thỏa, thì dòng tiền nóng cũng có thể quay trở lại các thị trường mới nổi.

Có thể nói, tính lưu động 2 chiều đã dẫn đến sự không xác định lớn ở thị trường mới nổi, bên cạnh đó, các thị trường này luôn thường trực sự lo lắng về khủng hoảng tài chính tái diễn ở châu Âu và biến động chính trị cục bộ ở khu vực.

(Theo Đức Phú // Tin Chính phủ)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Phân tích – Dự báo: Ngành xe hơi Nhật Bản sau thảm họa thiên tai
  • Kinh tế 24h: “Giấc mơ” của Nhân dân tệ khó thành thật
  • Ai quyết định giá dầu thế giới?
  • Trung - Ấn trong cuộc chiến giành ảnh hưởng châu Á
  • Châu Âu: Domino suy thoái có tái diễn?
  • Năm 2050, kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ?
  • “Trung Hoa trỗi dậy” nhìn từ đấu giá cổ vật
  • Chậm chân trong phát triển công nghệ: Bài học thất bại của Thái Lan