Trong khi Mỹ tích cực bơm tiền vào nền kinh tế thì Trung Quốc lại hút tiền ra để kiềm lạm phát. Mỹ kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng còn TQ lại muốn kích thích tiêu dùng. Hai “ông lớn” của thế giới đang có những chính sách tương phản và đều tác động tới kinh tế toàn cầu. Họp G20 và trách nhiệm toàn cầu của G-7 Nhóm G20 mới đây kết thúc cuộc họp trong thỏa hiệp là sẽ thường xuyên theo sát các chính sách vĩ mô của nhóm G-7 và quy định trách nhiệm của nhóm này trên ổn định vĩ mô toàn cầu, hay rõ rệt hơn là trên nền thương mại toàn cầu. Nổi bật nhất sẽ là chính sách của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc (TQ), một phần do đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, phần khác vì các chính sách tương phản và đổi ngôi đang được đòi hỏi ở hai quốc gia này. Một cách tóm tắt, Mỹ đang được kêu gọi ăn tiêu kỹ hơn và tăng tiết kiệm quốc gia như TQ, trong khi TQ được mong đợi chi tiêu nhiều hơn "kiểu Mỹ" để nhập khẩu nhiều hơn từ các nước khác và giảm bớt khối dự trữ ngoại hối khổng lồ. Chính sách kinh tế Mỹ Tại Mỹ, lộ trình về chính sách trước mắt không phải là dễ dàng khi Cục Dữ trự Liên bang (FED) đã tận dụng các công cụ chính sách tiền tệ từ lãi suất thấp đến nới lỏng định lượng (tăng cung tiền bơm vào nền kinh tế). Chính sách "Nới lỏng Tiền tệ 2" (QE 2-Quantitative Easing 2) mới đây của Mỹ cũng đã bị nhiều kinh tế gia có uy tín chỉ trích như kém hiệu lực để kích thích tăng trưởng hay giúp giảm thất nghiệp nhanh ở Mỹ. GS. Joseph Stiglitz đã lên tiếng cho rằng chính sách này của FED sẽ có rất ít hiệu lực, ngược lại có thể làm tăng nguy cơ khủng hoảng về chiến tranh tiền tệ. Lý luận chính của ông là hiện nay lãi suất ở Mỹ quá thấp và đang ở trong tình trạng "bẫy thanh khoản" (liquidity trap) như Nhật Bản từ năm 1980. Nới lỏng tiền tệ không giúp lãi suất hạ thêm bao nhiêu và cũng khó làm các xí nghiệp lớn thay đổi chính sách đầu tư của họ. Trong khi đó, do các ngân hàng đang xiết chặt chính sách tín dụng khó vay đối với các xí nghiệp nhỏ và vừa hay các cá nhân và hộ tiêu thụ (households), việc tìm vay mua nhà hay xe hơi hiện nay ở Mỹ vẫn đang rất khó. Do đó ông Stiglitz đề nghị việc áp dụng chính sách tài khóa như chi tiêu công sẽ có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp hơn đến tiêu dùng và kích thích kinh tế. Một số nhà kinh tế khác cũng đề nghị hỗ trợ chính sách này bằng cách cấp tiền thưởng (tax credit) cho các xí nghiệp thuê thêm nhân công, hay cổ vũ chính phủ cả liên bang lẫn tiểu bang thuê trực tiếp thêm nhân viên trong các dự án xây dựng hạ tầng. Cũng không thể quên chính sách giảm thuế để kích thích kinh tế như dưới thời TT Bush hay TT Reagan. Gần đây nhất, sau khi đảng Dân chủ thất bại trong kỳ bầu Quốc hội mới giữa kỳ, TT Obama đã phải nhượng bộ đảng Cộng hòa và gia hạn các chính sách giảm thuế trước đây của TT Bush trong 2 năm. Tựu chung, cũng khó thiên về riêng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa mà cần sự phối hợp hài hòa cả hai chính sách. Nới lỏng tiền tệ làm hạ lãi suất Mỹ và thế giới đã là liều thuốc kích thích các thị trường chứng khoán toàn cầu, nhất là ở Mỹ, và đẩy giá vàng cũng như giá dầu thế giới lên cao do e ngại lạm phát toàn cầu trong tương lai. Nhưng cần hơn nữa lúc này là chính phủ phải giúp dân chúng Mỹ thêm lòng tin để chi tiêu mạnh tay hơn và bớt đi thái độ thận trọng từ 2 năm nay trong việc tiết kiệm hầu lập lại cân bằng tài khoản cá nhân của họ (balance sheet repair). Chính sách tài khóa cũng phải được áp dụng uyển chuyển để không làm dấy lên nỗi ám ảnh về thất thu ngân sách đã quá cao và nợ công ngập đầu của Mỹ. Vì vậy song hành với việc nâng các chi tiêu đầu tư cho hạ tầng cơ sở để tăng việc làm nhanh chóng, TT Obama đã quyết định "đóng băng" tiền lương của các công chức liên bang để giảm chi tiêu thường xuyên trong 2 năm tới, nhằm thể hiện chính sách mới áp dụng kỷ luật về ngân sách. Chính sách kinh tế Trung Quốc Chỉ đặc biệt nhất khi nhìn sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc (TQ) với nhiều tương phản về mục tiêu cũng như chính sách với kinh tế Mỹ. Thật vậy trong khi FED đang cố "bơm thêm" tiền vào nền kinh tế bằng cách mua thêm các trái phiếu chính phủ và tư nhân qua QE 2, thì ngược lại TQ do lo ngại lạm phát đang lên cao (5%) đang tích cực hút bớt khối tiền lưu thông bằng cách bán ra hết các trái phiếu chính phủ và bán thêm cả các trái phiếu do ngân hàng trung ương của họ phát hành. Vì vậy TQ gần như có nợ công rất ít, tương phản hẳn với Mỹ [1] Mặt khác, khi dân cư Mỹ đang được khuyến khích thay đổi triết lý về ăn tiêu sau cuộc khủng hoảng bằng cách thắt lưng buộc bụng để giảm vay nợ, thì ở TQ các chuyên gia quốc tế lại khuyên ngược lại. Từ nhiều thập niên do mức thặng dư của cán cân thanh toán đã tạo cho TQ hiện nắm giữ trên 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, vấn đề mà cả thế giới nhất là Mỹ tạo áp lực cho TQ là phải nâng tỷ giá của đồng nhân dân tệ (để làm giảm thặng dư thương mại hàng năm) và phải giảm mức tiết kiệm của dân TQ (ở mức cao nhất thế giới là trên 50% GDP) để người dân chi tiêu nhiều hơn vừa làm tăng mực sống và phúc lợi của họ, và vừa giúp nhập cảng thêm hàng hóa từ Mỹ và các nước khác để giảm cán cân thương mại thặng dư khổng lồ của TQ. Việc sau này cũng nhằm nâng cao vai trò đầu tầu của TQ cùng với Mỹ trong nền kinh tế thế giới năm nay và năm tới 2012 khi các chính sách bảo thủ hơn đang được áp dụng ở Âu châu và Nhật Bản vì lý do kỷ luật ngân sách chi tiêu. Đây sẽ vẫn là vấn đề "nổi cộm" nhất khi bàn về cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ "nóng" trở lại bất cứ lúc nào có cuộc họp G20 để "kiểm điểm tình hình" kinh tế thế giới trong vai trò "trọng tài" mới. Đặc biệt TQ vẫn e ngại sự chú tâm không tránh khỏi của giới lãnh đạo tài chính thế giới về vai trò của Đồng Nhân dân tệ (RMB) được dự báo rộng rãi sẽ tăng giá trị đáng kể so với đồng USD. Nhìn ra ngoài Mỹ và TQ, Âu châu vẫn phải dè dặt trong chọn lựa giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và vấn đề kỷ luật ngân sách để không làm trầm trọng thêm mối khủng hoảng về nợ công. Tình hình càng rối rắm thêm với việc một số nền kinh tế yếu ở Nam Âu có thể phải rút khỏi khối tiền tệ dùng tiền Euro. Vàng thế giới vượt kỷ lục, quản trị vàng VN cách nào? Biến cố nổi bật trong thời sự tài chính thế giới tuần trước là sau nhiều tháng lên xuống quanh mức 1.400 USD, giá vàng đã vượt lên trên 1.500 USD vào hôm 20/4/2011, phản ánh nhiều yếu tố mới quan trọng ảnh hưởng đến mức cầu: (i) tình hình tiếp tục bất ổn ở Trung Đông và Phi Châu cho vàng vai trò một phương tiện "ẩn trú" tài chính thiết yếu; (ii) ảnh hưởng tiếp tục của chính sách QE 2 của Hoa Kỳ và sự kiện mức tín nhiệm về tín dụng của Mỹ vừa bị hạ thấp; (iii) giá dầu thế giới lại tăng cao trên mức 110 USD/thùng và triển vọng giá lương thực thế giới sẽ tăng nhiều trong vài năm tới; và (iv) nhu cầu giữ vàng của TQ tăng cao cả từ phía ngân hàng trung ương lẫn dân chúng. Ở Việt Nam, bên cạnh quyết định của TQ tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương nước họ cũng như khuyến khích dân chúng tăng hình thức tiết kiệm bằng vàng, chúng ta cũng cần nghĩ lại chính sách dự trữ ngoại hối dù con số là rất nhỏ nhoi khiêm tốn cho Việt Nam. Nếu chúng ta tin vào dự báo của một số nhà phân tích quốc tế là giá vàng còn có thể lên cao nữa trong 2-3 năm tới do các yếu tố đã nêu trên đây. Nhưng quan trọng nhất là trong việc qnản trị sàn vàng tới đây của NHNN, cần rất cẩn trọng khi đi vào việc điều hòa một thói quen từ ngàn năm của dân tộc và đừng để dân chúng hiểu lầm là chính sách nhằm ngăn cản hay cấm dự trữ một hình thức tài sản quốc tế đang có giá trị đi lên trong vài năm tới. (1) Xem bài "Đối trọng Trung Quốc trong chính sách tiền tệ của Mỹ", của Fan Gang, giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh và Giám đốc Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia Trung Quốc.Dân Trung Quốc đang được khuyến khích tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế.
----------------
Tác giả: TS. PHẠM ĐỖ CHÍ
Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com