Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sóng gió vùng “rốn dầu” có dễ yên?

Trung Đông, Bắc Phi vẫn tiếp tục bất ổn.

Nguy cơ phóng xạ tại Nhật Bản có thể khiến dư luận quốc tế lo lắng, nhưng chưa đủ sức đè bẹp "thùng thuốc súng" Trung Đông và Bắc Phi. Diễn tiến căng thẳng chính trị tại khu vực này không chỉ đe dọa tới kinh tế "những người trong cuộc", mà còn sẽ tác động nhiều chiều lên kinh tế thế giới, cụ thể là giá năng lượng.

Hôm 29/3, Lầu Năm Góc cho hay, trong vòng 24 giờ trước đó, liên quân đã bắn 22 quả tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu tại Lybia, đồng thời tiến hành 115 phi vụ không kích và tuần tiễu trên bầu trời của quốc gia Bắc Phi này. Đây là lần đầu tiên trong vài ngày qua, liên quân sử dụng một lượng tên lửa Tomahawk nhiều như vậy để tấn công Lybia.

Trong khi đó, sức nóng tại Syria và Yemen cũng bắt đầu lên tới đỉnh điểm. Cũng trong ngày 29/3, chính phủ của Thủ tướng Syria Mohammed Naji Otri đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Bashar al-Assad, người đã bổ nhiệm ông Otri làm thủ tướng.

Hãng thông tấn nhà nước SANA cho biết: "Tổng thống Bashar al-Assad ngày 29/3 đã chấp thuận đơn từ chức của chính phủ của Thủ tướng Mohammed Naji Otri và yêu cầu chính phủ tiếp tục giữ vai trò tạm quyền cho tới khi một nội các mới được thành lập".

Còn tại Yemen, hôm 27/3, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Al-Arabiya, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh khẳng định ông "không tham quyền cố vị," đồng thời nhấn mạnh rằng đàm phán là biện pháp duy nhất có thể giúp quốc gia Đông Bắc Phi này không rơi vào thảm họa nội chiến.

Từ giữa tháng 1/2011 đến nay, Yemen liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình đòi ông Saleh từ chức ngay và phản đối việc sửa đổi hiến pháp cho phép ông này nắm quyền suốt đời. Ngày 23/3, Quốc hội Yemen đã phê chuẩn Luật tình trạng khẩn cấp, theo đó cho phép tăng thêm quyền hạn cho lực lượng an ninh nhằm đối phó với các cuộc biểu tình, nhưng tình hình chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Giới phân tích năng lượng đều nhất trí cho rằng, những căng thẳng hiện tại ở khu vực này đang gây áp lực lên thị trường dầu mỏ quốc tế. Chốt phiên giao dịch đêm qua (29/3), giá dầu thô quốc tế đã tăng vọt trở lại. Dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 trên sàn New York chốt ở mức 104,79 USD/thùng. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5 trên sàn London leo lên mốc 115,16 USD/thùng.

Trong một bài viết mới đây trên tờ Thời báo Hoàn cầu, Phó giáo sư Nhạc Tây Khoan, thuộc Học viện chính trị thanh niên Trung Quốc, cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi mặc dù vẫn kéo dài và nghiêm trọng, nhưng thời gian tới, khu vực này bắt buộc phải khôi phục tình hình. Tuy nhiên, do thiếu hụt một số yếu tố quan trọng, nên đây sẽ là một việc vô cùng khó khăn khi thực hiện.

Thiếu hụt lớn đầu tiên là về lý luận tái thiết đất nước. Theo Phó giáo sư Nhạc, quyền lực thuộc về nhân dân là cơ sở pháp lý để xây dựng đất nước trong thời kỳ cận hiện đại, đồng thời nó cũng đảm bảo tính hợp pháp cho bất cứ chính quyền nào trên thế giới.

Tất cả các cuộc cách mạng và phong trào lớn trên thế giới từ trước tới nay, như Phong trào dân chủ Anh, Cách mạng ở Pháp, Cách mạng Mỹ, Cách mạng vô sản ở Liên Xô và Trung Quốc, đều lấy nguyên lý cơ bản này làm cơ sở.

Trong khi đó, các quốc gia tại điểm nóng ở Trung Đông, Bắc Phi gồm cả những nước xảy ra bạo loạn và không xảy ra bạo loạn, về cơ bản vẫn là những thuộc địa tuyên bố độc lập sau Thế chiến II với ba loại mô hình chính quyền chủ yếu: mô phỏng dân chủ phương tây, chế độ quân chủ và bảo lưu thói quen của các bộ lạc nguyên thủy.

Những người biểu tình ở các quốc gia này dường như chỉ biết cầm vũ khí phản đối, thúc đẩy phong trào dân chủ và hạ bệ chính quyền. Trên thực tế, họ hoàn toàn không có bất cứ một cương lĩnh hay lý luận xây dựng chính quyền dân chủ nào.

Thiếu hụt thứ hai, theo Phó giáo sư Nhạc Tây Khoan, là chế độ chính đảng, đại nghị và bầu cử. Chế độ chính trị tam quyền phân lập là mô hình chủ yếu của các quốc gia hiện đại ngày nay, trong khi đó tại một số nước như Ai Cập, Tunisia, Yemen... mặc dù cũng có chính đảng và quốc hội, nhưng các cơ quan này chỉ có tính hình thức.

Ông Ben Ali nắm quyền điều hành Tunisia 24 năm, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak giữ vai trò này suốt 30 năm, và Tổng thống Yemen Ali Akbar Saleh cũng nắm quyền trong 33 năm. Tất cả cho thấy, chế độ dân chủ ở các quốc gia này "chỉ có tiếng mà không có miếng", Thời báo Hoàn cầu nêu ý kiến của Phó giáo sư Nhạc Tây Khoan.

Thêm vào đó, một số nước khác cấm chính đảng hoạt động, không xây dựng hiến pháp, hội nghị hiệp thương chỉ bao gồm vương thân, quý tộc và đại tư bản... nên chế độ chính trị hoàn toàn không có sự tham gia của người dân.

Vấn đề thứ ba mà khu vực này đang phải đối mặt là tình trạng thiếu nhân tài. Điều này có mối quan hệ mật thiết với những vấn đề đã đêu ở trên. Chính đảng ở một số nước Trung Đông, Bắc Phi chỉ mang tính hình thức, nên không thể phát huy vai trò tổ chức lực lượng trong xã hội. Hoạt động của tầng lớp trí thức và nhân tài vì thế mà thiếu định hướng.

Họ không những khó tập hợp thành lực lượng, mà còn bị đẩy ra khỏi guồng máy chính trị. Từ đó cho thấy, các quốc gia này mặc dù có cơ hội tái thiết đất nước, nhưng do thiếu đội ngũ nhân tài trong xã hội, nên chặng đường ấy sẽ còn nhiều gian nan, quanh co và trắc trở.

Thiếu sót thứ tư là sự ủng hộ và gắn bó của người dân đối với chính quyền. Chế độ bộ lạc thống trị là một trong những hình thức chủ yếu tại nhiều quốc gia khu vực này, trong khi quan hệ giữa bộ lạc và chính phủ trung ương cơ bản chỉ mang tính hợp tác, không phối thuộc. Do vậy, khi xã hội xảy ra xung đột, người dân đương nhiên sẽ ủng hộ thủ lĩnh bộ lạc của mình, dẫn tới bạo loạn và nội chiến.

Vấn đề cuối cùng là việc thiếu sự quản lý của chính phủ. Chính phủ một số nước Trung Đông, Bắc Phi thường bị khống chế và thao túng bởi những người trong vương thất, quân đội và thủ lĩnh bộ lạc...

Họ không chỉ nắm quyền về chính trị, tài nguyên kinh tế, kiểm soát nguồn dầu mỏ, mà còn chiếm giữ gần như toàn bộ lợi ích cũng như tài sản của quốc gia, dẫn tới chênh lệch giàu nghèo trong xã hội vô cùng lớn, một loạt vấn đề khác như tham nhũng, đói nghèo, thất nghiệp... ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó giải quyết.

Phó giáo sư Nhạc kết luận, chặng đường xây dựng lại đất nước của các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi sẽ rất phức tạp và kéo dài. Do đó, bên cạnh việc người dân những nước này tự giác, tích cực tham gia hoạt động chính trị hơn, họ cũng cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

(Theo Vneconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Áp lực lạm phát thấy rõ
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Trung - Mỹ: Sự tái bảo đảm về mặt chiến lược
  • Giá dầu tăng là do lỗi của FED?
  • Kinh tế 24h qua: Nhiều dự báo quan trọng
  • Thế giới tuần 28/3-3/4: Lạm phát và sốt vàng
  • Kinh tế thế giới trong tuần: Lạm phát và thảm họa
  • Phân tích – Dự báo: Một số xu thế của kinh tế thế giới