Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần 4-10/4: Ánh sáng cuối đường hầm

 Bài toán nợ công của Bồ Đào Nha tạm thời đã được giải, Chính phủ Mỹ thoát khỏi nguy cơ tê liệt trong gang tấc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít nỗi lo lắng đang hiện hữu, chiến sự tại Lybia, động đất, phóng xạ tại Nhật Bản... và thị trường hàng hóa thế giới dự kiến sẽ tiếp tục biến động trong tuần này.

Thỏa thuận vào phút chót

Hôm 8/4, Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng thông qua dự thảo ngân sách 2011 với việc cắt giảm 38,5 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, đây là vụ cắt giảm chi tiêu ngân sách hàng năm lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Việc thông qua bản dự thảo chỉ cách thời hạn chót có 1 giờ nhưng đã giúp phá vỡ thế bế tắc, cứu vãn Chính phủ Mỹ khỏi nguy cơ bị tê liệt.

Nếu Chính phủ Mỹ bị tê liệt, khoảng 800.000 viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc; việc xử lý thị thực, hộ chiếu và đơn gửi lên các cơ quan chính phủ bị chậm lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu khách du lịch.

Đây sẽ là đợt ngừng hoạt động lần thứ 16 của Chính phủ Mỹ kể từ thời cựu Tổng thống Jimmy Carter. Từ tài khóa 1977 đến 1980, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 6 lần, mỗi lần kéo dài từ 8 đến 17 ngày. Từ tài khóa 1981 đến 1995, Mỹ đã 9 lần đóng cửa chính phủ, mỗi lần kéo dài không quá 3 ngày. Lần chính phủ tạm ngừng hoạt động dài nhất là dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton với 21 ngày.

Kế hoạch được thông qua cũng được coi là thắng lợi của đảng Cộng hòa. Sau một hồi giằng co gay gắt giữa việc giảm 33 tỷ USD của đảng Dân chủ và 40 tỷ USD của đảng Cộng hòa, cuối cùng, hai bên thống nhất được ở con số 38,5 tỷ USD. Việc cắt giảm này sẽ gây khó khăn cho năm ngân sách 2012 và các kế hoạch dài hạn nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Theo Tổng thống Barack Obama, việc cắt giảm này sẽ là một khó khăn lớn, nhưng cần thiết. Ông nói: “Một số cắt giảm mà chúng ta đã đồng ý sẽ rất đau đớn. Nhiều chương trình liên quan đến cuộc sống của nhiều người sẽ bị cắt giảm. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ bị chậm lại. Tôi chắc sẽ không phải có những cắt giảm này nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh tốt hơn".

Lối thoát nợ công

Hôm 8/4, bộ trưởng bộ tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Hungary, đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 80 tỷ Euro (tương đương 115 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha kèm theo những điều kiện khá ngặt nghèo. Như vậy, Bồ Đào Nha là nước thứ ba trong Khu vực đồng Euro (Eurozone), sau Hy Lạp và Ireland, phải cầu viện trợ từ bên ngoài trong vòng 1 năm qua.

Theo đó, để nhận được khoản cứu trợ trên, Lisbon sẽ phải chấp nhận một số điều kiện hết sức khó khăn, thậm chí còn khắc nghiệt hơn đề xuất của Thủ tướng tạm quyền  Jose Socrates từng bị Quốc hội nước này bác bỏ gần đây, như cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp, cải cách thị trường lao động cũng như cân đối khả năng thanh toán trong khu vực tài chính.

Cũng trong ngày 8/4, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho biết, đã nhận được đơn xin cứu trợ từ Bồ Đào Nha. Hiện tổ chức này đang đàm phán với Lisbon, Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu để chuẩn bị triển khai gói cứu trợ cho Bồ Đào Nha, sớm nhất vào giữa tháng 5 tới.

Tuần trước, Chính phủ Bồ Đào Nha chính thức thừa nhận Lisbon đã không đáp ứng được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách cho năm 2010. Mức thâm hụt của nước này năm ngoái lên tới 8,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 7,3%. Điều này buộc Bồ Đào Nha phải đi bước xin cứu trợ tài chính từ bên ngoài.

Các quan chức tài chính ở châu Âu đều cho rằng nếu không được cứu trợ, hầu như chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ bị vỡ nợ. Lãi suất trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha đã tăng lên mức không bền vững, với lãi suất trái phiếu 10 năm lên tới 7,78% hôm 1/4, mức cao nhất kể từ khi nước này gia nhập Eurozone.

Trong một động thái khác liên quan tới nợ công châu Âu, hôm 7/4, Tây Ban Nha đã lên tiếng bác bỏ lời đồn đoán nước này sẽ trở thành mắt xích vỡ nợ công tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Elena Salgado khẳng định, Tây Ban Nha không chịu tác động từ việc Bồ Đào Nha xin cứu trợ, bởi kinh tế Tây Ban Nha lớn, đa dạng và sinh lợi hơn.

Vẫn nhiều nỗi lo

Hôm 9/4, Chính phủ Nhật Bản thừa nhận, các điều kiện kinh tế trong nước đang rất xấu và không thể nhanh chóng hồi phục. Theo báo cáo hàng tháng của Văn phòng Nội các Nhật Bản, việc phải gánh đồng thời ba thảm họa động đất, sóng thần và phóng xạ đã khiến lòng tin trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tháng 3/2011 giảm xuống 27,7 điểm, mạnh nhất kể từ tháng 1/2000.

Ở mức dưới 50 điểm, chỉ số này cho thấy sự bi quan của các quản lý khách sạn, chủ cửa hàng, tài xế taxi đối với tình hình kinh doanh trong nước. Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng hạ thấp đánh giá cơ bản hàng tháng, trong khi giới phân tích cho rằng, kinh tế nước này đang lâm vào cảnh nguy hiểm, khi sản xuất gặp trở ngại và xuất khẩu hạn chế.

Trong một động thái khác, hôm 6/4, Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) đã cảnh báo, giá lương thực toàn cầu tăng cao có thể làm chậm 5 năm tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước trong khu vực, so với thời hạn chót là năm 2015.

Nghiên cứu của UNESCAP cho biết, giá lương thực thế giới tăng cao đã ngăn cản gần 20 triệu người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thoát khỏi đói nghèo trong năm 2010. Khoảng 42 triệu người nữa ở khu vực này có thể rơi vào đói nghèo nếu giá lương thực và giá dầu tiếp tục leo thang trong thời gian dài.

Ngoài những vấn đề nổi bật trên, thế giới tuần qua tiếp tục cuộn sóng với chiến sự tại Lybia, biểu tình lôi kéo hàng nghìn người ở thủ đô Cairo của Ai Cập, bạo lực sau bầu cử ở Nigeria, căng thẳng tiếp diễn tại Yemen... Những vấn đề hiện hữu này đã và đang tác động nhiều chiều lên kinh tế thế giới.

(Vneconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Lương thực: “Củ cà rốt” kiêm “cây gậy” của Mỹ
  • Sóng gió vùng “rốn dầu” có dễ yên?
  • Kinh tế 24h qua: Áp lực lạm phát thấy rõ
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Trung - Mỹ: Sự tái bảo đảm về mặt chiến lược
  • Giá dầu tăng là do lỗi của FED?
  • Kinh tế 24h qua: Nhiều dự báo quan trọng
  • Thế giới tuần 28/3-3/4: Lạm phát và sốt vàng