Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thế giới tuần 11-17/4: Canh bạc lạm phát

"Thế giới đang vật lộn với vấn nạn lạm phát", "lạm phát đang đe dọa kinh tế thế giới", "lạm phát tại Trung Quốc tăng cao kỷ lục"... là những tin được nhắc tới nhiều nhất tuần qua và sức ảnh hưởng rõ rệt của nó được thể hiện trên hầu khắp các thị trường hàng hóa quốc tế, đặc biệt là vàng.

Quay cuồng lạm phát

Bất chấp những nỗ lực kiểm soát giá cả của Chính phủ Trung Quốc, lạm phát nước này vẫn đi lên với tốc độ nhanh nhất trong vòng 32 tháng vừa qua. Theo số liệu vừa công bố sáng 15/4 của Cục Thống kê Quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng đáng kể so với chỉ số giá tiêu dùng hồi tháng hai ở 4,9%.

Tiếp đó, hôm 17/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thông báo tăng thêm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Theo đó, từ ngày 21/4, các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ phải giữ 20,5% số tiền gửi tại ngân hàng làm tiền dự trữ. Đây là lần thứ tư, PBoC tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại kể từ đầu năm đến nay, và là lần tăng thứ mười kể từ đầu năm 2010.

Quyết định được đưa ra sau khi PBoC công bố, trong tháng 3 vừa qua tổng số tiền cho vay của các ngân hàng là 679 tỷ Nhân dân tệ (104 tỷ USD), tăng so với mức 536 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 2, mặc dù chính phủ đã thực hiện những biện pháp hạn chế cho vay để kiềm chế sự phát triển quá nóng của nền kinh tế. Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố kiềm chế lạm phát là ưu tiên chính sách số một trong năm nay.

"Chúng tôi sẽ cố gắng mọi cách để bình ổn giá, ưu tiên hàng đầu cho điều khiển nền kinh tế và cũng là nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng tôi trong năm nay", ông Ôn Gia Bảo nói tại một cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Shen Jianguang từ Mizuho Securities có trụ sở tại Hồng Kông, lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Trước đó, hôm 13/4, nghiệp đoàn Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc cũng đã lên tiếng hối thúc các doanh nghiệp không tăng giá bán hoặc giảm nguồn cung, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ trong nỗ lực bình ổn giá để đối phó với lạm phát leo thang. Lời kêu gọi này được đưa ra tại hội thảo liên đoàn các doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực như dược phẩm, dệt may, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Tuy nhiên, không chỉ có Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải vật lộn để giải quyết bài toán lạm phát. Hôm 15/4, Bộ Lao động Mỹ thông báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,5% so với tháng 2, lạm phát lõi tăng 0,2%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát tháng 3 đã tăng 2,7%, mức lớn nhất kể từ tháng 12/2009. Bộ Lao động Mỹ lý giải, lạm phát tăng cao chủ yếu do chi phí lương thực và năng lượng tăng mạnh.

Cụ thể, giá năng lượng tháng 3 tại Mỹ đã tăng 3,5% so với tháng 2. Giá thực phẩm tăng 0,8%, lớn nhất kể từ tháng 7/2008. Trong khi đó, mức tăng thu nhập của người lao động không thể bù đắp được mức tăng của các chi phí. Tiền lương bình quân theo giờ của người lao động Mỹ, sau khi điều chỉnh, đã giảm 0,6% trong tháng 3. Thực tế, mức lương theo giờ đã giảm 1% trong năm qua.

Tại châu Âu, theo công bố hôm 16/4, tỷ lệ lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 2,7% trong tháng 3 vừa qua, cao hơn dự báo trước đó, và vượt mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra. Nguyên nhân cũng là do giá xăng dầu và hàng hóa biến động mạnh trong suốt tháng báo cáo.

Tính riêng trong tháng 3, giá năng lượng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có thể sẽ tăng cao trên 2% so với mong đợi của ECB trong việc kìm hãm giá cả. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng đã tăng lên 3,1% trong tháng trước.

Tình hình lạm phát tăng cao đang làm gia tăng sức ép đối với ECB, và chính phủ các nước. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng, những giải pháp vội vàng của các thành viên các nước trong khu vực, có thể gây ra gánh nặng về nợ nần, mà cụ thể là trường hợp của Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, khi các chính sách thắt chặt tiền tệ đang làm người dân các nước này điêu đứng.

Một quốc gia khác cũng được thế giới nhắc tới nhiều về lạm phát trong tuần qua là Ấn Độ. Trong tháng 3 vừa qua, lạm phát của quốc gia này tiếp tục tăng tốc 8,98%, vượt xa dự báo của giới phân tích, gây áp lực cho ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tài chính. Chuyên gia kinh tế Samiran Chakraborty thuộc ngân hàng Standard Chartered cho biết, lạm phát hiện là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ.

Bằng chứng rõ ràng

Bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất về ảnh hưởng của lạm phát là sự biến động trên các thị trường hàng hóa thế giới, như vàng. Trong suốt tuần qua, mặc dù cũng có những lúc giá vàng hạ nhiệt, nhưng thực tế, đà tăng của giá vàng gần như không có gì cản nổi và lẽ dĩ nhiên, các đỉnh giá mới của kim loại quý này liên tục được lập và bị phá. Chốt tuần, giá vàng đứng ở mức cao nhất mọi thời đại, 1.486 USD/ounce, tăng hơn 10 USD so với cuối tuần trước.

"Giá vàng vẫn nhận được sự hỗ trợ từ tâm lý tích trữ chống lạm phát, trong bối cảnh những quan ngại về tình hình lạm phát giá cả tiếp tục nổi lên ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc", các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng ICICI khuyến cáo khách hàng. Còn theo nhà môi giới Frank Lesh thuộc hãng giao dịch FuturePath Trading, "lạm phát là mối quan tâm hàng đầu và là một trong những lý do khiến chúng tôi mua vàng".

Mức tăng mạnh của giá vàng cũng làm thay đổi các dự báo về đỉnh giá trong năm của mặt hàng kim loại quý này. Nhiều chuyên gia nhận định, vàng có thể tăng lên tói 1.750 USD/ounce trong năm nay, do nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn nhằm chống lại lạm phát của các nhà đầu tư. Trước đây, mốc 1.500 USD/ounce được dự báo sẽ được chạm tới vào cuối năm, nhưng thực tế hiện thời, ngưỡng cản kỹ thuật này không còn quá xa vời.

(VNeconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Công nghiệp sáng tạo: cơ hội cho các nước đang phát triển
  • Thập kỷ tới sẽ là “Thập kỷ Mỹ Latinh”?
  • Đã đến lúc IMF xóa nợ cho các nước nghèo
  • Kinh tế 24h qua: Rò rỉ thông tin mật
  • Kinh tế toàn cầu tăng nỗi lo?
  • Kinh tế 24h qua: Châu Âu “trên đe dưới búa”
  • Hơn một tỷ người thiếu nước sạch vào năm 2050
  • Kinh tế 24h qua: Lạc quan hay bi quan?