Tuần qua, mưa lớn gây lũ lụt nặng nề ở miền Trung Việt Nam. Trong khi đó, siêu bão Megi cũng đã tàn phá một số địa phương tại các nước mà nó đi qua…
![]() |
Đường phố ở Suao, quận Ilan, Đài Loan ngập trong nước do ảnh hưởng của bão Megi. Ảnh: AFP. |
Những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra ở miền Trung Việt Nam, ở một số vùng của Philippines, ở Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy thiên tai vẫn là mối đe dọa thường trực với đời sống con người.
Cũng liên quan đến thời tiết và khí hậu, như để minh chứng cho việc trái đất đang nóng lên- hệ quả của biến đổi khí hậu, ngày 18/10, Trung tâm Dữ liệu Khí hậu quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2010 cao hơn 0,65 độ C so với mức bình thường của những kỷ lục từng được ghi nhận trong 131 năm qua.
Nhiệt độ tăng đều trong những thập kỷ gần đây khiến các chuyên gia môi trường và khí tượng ngày càng lo ngại rằng những khí thải ô nhiễm do hoạt động của con người đang khiến khí hậu Trái Đất ấm lên "một cách nguy hiểm".
Hậu quả của thiên tai là những khó khăn mà các nước phải đối mặt: thiếu lương thực, tình trạng vệ sinh môi trường không an toàn cho sức khỏe con người và những điều này phải cần một thời gian dài để khắc phục.
Tại TP Niigata của Nhật Bản, Hội nghị cấp Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đầu tiên về an ninh lương thực bế mạc ngày 17/10 sau khi thông qua "Tuyên bố Niigata về đảm bảo an ninh lương thực của APEC" và "Kế hoạch hành động đảm bảo an ninh lương thực của APEC".
Tuyên bố Niigata nhấn mạnh, để đối phó với sự mất cân đối về cung cầu lương thực do dân số và thu nhập tăng, cần phải tăng cường năng lực cung cấp lương thực, đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và phục hồi, phát triển khu vực nông thôn.
Thế giới cần tránh những căng thẳng trong lĩnh vực tiền tệ
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick nhấn mạnh thế giới cần đảm bảo rằng những căng thẳng về tiền tệ hiện nay không dẫn đến chính sách bảo hộ tiền tệ có thể làm trệch hướng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ủy ban Phát triển chung của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nước tránh rơi vào "bẫy" bảo hộ mậu dịch trong bối cảnh căng thẳng đang tăng lên trong buôn bán và chính sách tiền tệ toàn cầu.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet cũng cho rằng thế giới cần giữ vững tinh thần hợp tác để tránh các nguy cơ bảo hộ mậu dịch và tiền tệ.
Theo WB, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đã làm giảm 2% thương mại toàn cầu trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, so với khoảng 0,5% trong thời kỳ Đại suy thoái hồi thập niên 1930. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King cảnh báo, các nước xuất siêu lớn và các nước nhập siêu lớn đang theo đuổi các chiến lược kinh tế đối lập nhau. Điều đó có thể sẽ dẫn tới thảm họa toàn cầu giống như hồi thập niên 1930. Khi đó, mọi nền kinh tế đều bị thiệt thòi
Trong một diến biến khác, kể từ ngày 20/10, quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,25% của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đối với các giao dịch cho vay và tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ có hiệu lực.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tăng lãi suất trong gần 3 năm qua trong nỗ lực kiềm chế lạm phát cũng như "hạ nhiệt" cơn sốt giá bất động sản.
Theo các chuyên gia, lần tăng lãi suất này cho thấy trọng tâm của Trung Quốc là định hướng tăng trưởng bền vững hơn chứ không phải tăng tốc nền kinh tế. Động thái nâng lãi suất chủ chốt bất ngờ của Trung Quốc làm rung chuyển Phố Wall, khiến chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm hơn 200 điểm trong phiên giao dịch cuối ngày 19/10.
(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com