Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài toán khó: tìm giải pháp chống nhập siêu từ Trung Quốc

Tìm cách giảm nhập siêu từ Trung Quốc
(Theo Văn Nam // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
 

Bộ Công Thương vừa đề nghị Trung Quốc có chính sách hỗ trợ việc nhập khẩu 16 mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Điều này được xem như một trong những biện pháp để Việt Nam thu hẹp nhập siêu từ Trung Quốc.  

 Bài toán khó: tìm giải pháp chống nhập siêu từ Trung Quốc
Ảnh minh họa: sưu tầm trên internet

 

 

Trao đổi sáng 17-5, ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, cho biết một số mặt hàng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc gồm cao su, cà phê, chè các loại, dây điện và cáp điện, hải sản, hàng dệt may, rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm may tre cói thảm, sản phẩm gỗ, sản phẩm sữa, dầu mỡ động thực vật, sản phẩm từ ngũ cốc và bánh kẹo …

Theo danh sách nhóm mặt hàng mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam mong muốn phía Trung Quốc có những chính sách khuyến khích, tuyên truyền và hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, giá trị nhập siêu 4 tháng đầu năm 2010 của Việt Nam ước khoảng 4,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm đến 75,4% tổng giá trị nhập siêu của cả nước.

Theo ông Nhân, muốn xuất khẩu được nhiều thì Việt Nam phải nhập khẩu đủ lượng nguyên phụ liệu sản xuất tương ứng. Và trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất thì Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc vì giá cả, chất lượng nguyên liệu của Trung Quốc tương đối hợp lý, không quá cao, chưa kể Trung Quốc cũng là thị trường gần, chi phí vận tải thấp.

Để giảm nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian tới, ông Nhân cho rằng có 2 hướng giải pháp cần thiết. Thứ nhất, phải tăng cường xuất khẩu sao cho tốc độ xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu để dần thu hẹp nhập siêu.

Thứ hai, cần phải đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu hỗ trợ. Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phê duyệt đề án khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp ở nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Ngoài ra, còn phải triển khai việc cấp phép giấy phép nhập khẩu tự động để khống chế số lượng, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu.

Gần đây, do thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên như than, dầu thô, nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu... là những nhóm hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nên ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương Đào Trần Nhân, riêng trong năm 2009, có một mặt hàng mới nổi lên là sắn lát và tinh bột sắn mà Việt Nam xuất khẩu được rất nhiều trong năm 2009. Với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt hàng sắn lát và tinh bột sắn đang hy vọng lọt vào nhóm hàng xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010.


Nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể thu hẹp
(Theo Lan Nhi // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
 

Các tiểu thương tập kết hàng ở cửa khẩu Lào Cai chuẩn bị vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Ảnh: Sơn Nghĩa.

Các dự báo, tính toán từ nhiều nguồn khác nhau đều nhận định rằng: tốc độ và tỷ lệ nhập siêu giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ ngày càng cao hơn. Vì sao như vậy?

Trung Quốc hiện là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Nhật Bản với tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2009 khoảng 4,91 tỉ đô la Mỹ. Con số đó tuy chỉ chiếm 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc nhưng lại chiếm đến 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2009, năm bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nên kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đạt mức 16,44 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, con số chênh lệch giữa kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu chỉ tính riêng ở thị trường Trung Quốc đã là 11,53 tỉ đô la (Việt Nam nhập siêu) nên tốc độ xuất khẩu dù có gia tăng mạnh hơn (tăng 8,23% so với năm 2008) cũng không bù đắp được sự chênh lệch này. Do vậy, tốc độ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tuy có giảm mạnh trong năm 2009 (chỉ tăng 3,74% so với năm trước) nhưng nhập siêu vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều.

Lý do đầu tiên để dự báo nhập siêu với Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang được điều chỉnh theo hướng hạn chế dần việc xuất khẩu nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu và khoáng sản thô. Song, đây lại là nhóm hàng chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 55-60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Ví dụ như xuất khẩu than đá sang Trung Quốc năm 2009 đạt xấp xỉ 940 triệu đô la, dầu thô 662 triệu đô la, cao su thiên nhiên 850 triệu, quặng và các khoáng sản khác khoảng 103 triệu đô la Mỹ. Trong số này chỉ có cao su là mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối và còn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu. Hai nhóm mặt hàng chủ lực là dầu thô và than đá sẽ giảm mạnh. Dầu thô xuất khẩu năm 2009 đã giảm khoảng 24% để phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và sẽ còn tiếp tục giảm. Còn than xuất khẩu sẽ dừng vào năm 2015 theo Chiến lược phát triển ngành than.

Tình hình này sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh vì với gần 1 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu than năm 2009, nhóm hàng này đã chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở nhóm hàng xuất khẩu có thể đẩy mạnh và hiện chiếm tỷ trọng trung bình từ 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc là nhóm nông, thủy sản thì sức cạnh tranh với chính hàng Trung Quốc và các quốc gia trong nhóm ASEAN 6 (Thái Lan, Malaysia...) lại yếu. Chủ yếu các mặt hàng xuất đi của Việt Nam là trái cây, cà phê, sắn lát, tinh bột sắn là hàng nguyên liệu hoặc sơ chế, số lượng tuy lớn nhưng giá trị thấp và khả năng tổ chức sản xuất để đảm bảo xuất khẩu theo các quy trình mà đối tác yêu cầu là rất yếu. Việc xuất khẩu nhóm hàng này mang tính manh mún, thời vụ và phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của đối tác khiến cho việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cũng khó có thể chủ động, dù tiềm năng của Việt Nam còn lớn.

Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chưa có cách thức tổ chức thị trường một cách bài bản để tập trung vào xuất khẩu một số sản phẩm có thế mạnh, thay vì cứ giới thiệu hàng hóa mang tính đại trà hoặc xuất khẩu một cách tự phát. Điều đó không mang lại hiệu quả xuất khẩu cao. Ở một khía cạnh khác, công tác xúc tiến thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn sơ sài.

Ở chiều ngược lại, từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn nắm thế thượng phong khi xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam, chưa kể đến sự tràn ngập của các mặt hàng tiêu dùng khác. Việc cắt giảm thuế quan đối với danh mục hàng hóa thông thường (hơn 7.000 sản phẩm) kể từ năm 2005 đến nay theo Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc, mà chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Trung Quốc, khiến cho cơ hội tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam tăng lên.

Trong khi đó, do Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn thiết lập cơ sở sản xuất tại chỗ nên tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc rất thấp so với tương quan của các nước khác trong khu vực. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp, linh kiện, thiết bị của Việt Nam chỉ đạt 8,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi con số này của Philippines là 88,78%, Malaysia là 70% và Thái Lan là 52,5%.

Ngoài ra do hàng Trung Quốc có giá thành thấp, chất lượng vừa phải, vì vậy việc lựa chọn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là không thể cưỡng lại được trong nhiều năm tới, do vốn đầu tư thấp và thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận cao hơn.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt khoảng 20%/năm và tốc độ nhập khẩu bình quân mỗi năm tăng thêm 10%. Tuy tốc độ gia tăng xuất khẩu lớn gấp đôi nhập khẩu nhưng không có nhiều hy vọng sẽ giúp Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc (từ những điểm phân tích ở trên). Hơn nữa kim ngạch nhập khẩu hiện cao gấp hơn ba lần kim ngạch xuất khẩu, vì vậy thu hẹp khoảng cách nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất khó.

Nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể giải quyết trong “một sớm một chiều”
(Theo Vneconomy)
 

picture
Ông Đào Trần Nhân.

“Việt Nam đang áp dụng theo mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Do vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu là điều tất yếu. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ gần nước ta về mặt địa lý mà còn đáp ứng rất tốt nhu cầu này”.

Theo ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), đó là nguyên nhân chính giải thích vì sao Việt Nam đang chịu nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Ông nói:

- Lấy ngành may mặc làm ví dụ, hàng năm nước ta xuất khẩu gần 10 tỷ USD, nhưng các phụ kiện như dây khóa, cúc… đều phải nhập khẩu. Nếu chúng ta không nhập từ Trung Quốc sẽ phải nhập từ nước khác. Nhưng về giá cũng như kiểu dáng, mẫu mã chưa chắc đã đáp ứng được các yêu cầu.

Trên thực tế, nhập siêu lớn từ thị trường Trung Quốc là vấn đề Bộ Công Thương cũng rất quan tâm. Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng một đề án giảm nhập siêu từ thị trường này. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Trong khi đó, nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian qua thì thấy chủ yếu vẫn là: than đá, cao su, dầu thô, nông, lâm, thuỷ hải sản và các mặt hàng công nghiệp… Do đa phần là xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp nên kim ngạch thu được qua xuất khẩu chưa đạt được như mong muốn.

Chính sách tỷ giá của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhập siêu của Việt Nam
(Theo SGTT Online)
Theo website ngân hàng Nhà nước, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc ngày càng lớn về giá trị, năm 2005 là 2,82 tỉ USD, năm 2009 lên tới 11,53 tỉ USD, và quý 1/2010 là 2,55 tỉ USD.

Tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc rất cao, năm 2001 là 18,7%, năm 2009 là 97,1% và dự đoán năm 2010 là 94,4%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là Trung Quốc đang sử dụng chính sách tỷ giá thấp nhân tạo để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm với giá rẻ hơn sang các nước.

Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm 75%
(Vinanet)
Theo Bộ Công Thương, nhập siêu 4 tháng đầu năm 2010 đã ở mức 4,65 tỷ USD, bằng 23,1% so với kim ngạch xuất khẩu (mục tiêu cả năm là dưới 20%). Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm khoảng 75% tổng nhập siêu cả nước.

Kể từ 2004 đến nay, Trung Quốc đã liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương, đạt 4,9 tỷ USD, tăng 8,23%, đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.


Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc?

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2009 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt quy mô trên 2.200 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 1.201 tỷ USD, nhập khẩu là 1.005 tỷ USD.

 


Kể từ 2004 đến nay, Trung Quốc đã liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương, đạt 4,9 tỷ USD, tăng 8,23%, đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nhưng trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.

Như vậy, dung lượng thị trường Trung Quốc còn rất lớn, cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam còn rất nhiều.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây do giá các yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như nhân công Trung Quốc ngày càng tăng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài và thậm chí ngay cả các nhà đầu tư của Trung Quốc cũng có xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam để sản xuất hàng, tái xuất vào thị trường Trung Quốc.

Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường này.

Thêm nữa, 2010 là năm khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Theo đó, từ 1/1, hàng loạt các sản phẩm bao gồm cả hàng nông sản và công nghiệp nhập khẩu từ ASEAN vào Trung Quốc sẽ có mức thuế chỉ là 0-5%. Nhưng đến 2015, Việt Nam mới phải cắt giảm các dòng thuế khi nhập khẩu từ quốc gia này.

Vậy theo ông chừng nào cán cân thương mại giữa hai nước mới có thể tạm cân bằng trở lại?


Rất khó có thể nói chính xác về điều này, nhưng tôi nghĩ phải chừng 15-20 năm nữa mới có thể đạt được.


Giải pháp nào chống nhập siêu từ Trung Quốc?
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
 

 

Một tham tán thương mại dự hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tổ chức năm 2009 cho rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là có thể hạn chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.

Gần 90% nhập siêu là từ Trung Quốc

Suốt từ đầu năm 2009 đến nay, bộ Công thương vẫn loay hoay với các giải pháp, chủ yếu nhằm vào hoạt động nhập khẩu hàng tiêu dùng như: cấp phép nhập khẩu tự động, nhờ ngân hàng Nhà nước can thiệp để hạn chế cho vay ngoại tệ nhập khẩu ôtô, điện thoại và một số mặt hàng tiêu dùng khác... Nhưng tỷ lệ nhập siêu vẫn cao (21,6% năm 2009) cho thấy, hiệu quả của các giải pháp này là hạn chế.

Đặc biệt, một trong những điều đập vào mắt khi nhìn vào thị trường và cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam chính là: Việt Nam hiện nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Một tham tán thương mại dự hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tổ chức năm 2009 cho rằng, chỉ cần giải quyết được vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc là có thể cơ bản hạn chế nhập siêu ở mức chấp nhận được.

Từ năm 2001, nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng nhanh nhưng đồng thời cũng bộc lộ sự mất cân bằng ngày càng tăng trong quan hệ thương mại Việt – Trung. Nếu như năm 2006, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ trên 10,4 tỉ USD thì hết năm 2009, theo nhiều nguồn thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Trung đã đạt trên 21,3 tỉ USD (chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhưng chiếm chưa tới 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc).

Cùng với sự gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, con số nhập siêu từ Trung Quốc cũng ngày càng tăng. Theo các con số thống kê từ cơ quan chức năng, nhập siêu từ Trung Quốc năm 2007 là trên 9,1 tỉ USD, tăng 109,7% so với năm 2006. Năm 2008, con số này đã lên đến 12,6 tỉ USD, tăng 21,7%. Năm 2009, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 11,5 tỉ USD, giảm 8,4% so với năm 2008 nhưng là do nhập khẩu nói chung đều giảm trong bối cảnh suy giảm kinh tế. Dù sao đó vẫn là con số rất lớn so với tổng kim ngạch nhập siêu cả nước năm 2009 là 12 tỉ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc trong tổng nhập siêu như vậy đã lên tới gần 90%. Trong khi năm 2008, tỷ lệ này là 61,6% và năm 2007, tỷ lệ này là 65,3%. Đây là một con số rất đáng báo động trong quan hệ thương mại Việt – Trung. Bởi, năm 2001 là năm Việt Nam lần đầu tiên nhập siêu từ Trung Quốc với tỷ lệ khi đó mới chỉ là 17,7% trong tổng nhập siêu, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc đã kéo dài suốt chín năm qua với tỷ lệ ngày càng tăng.

Nguyên nhân nào dẫn đến nhập siêu bất bình thường như vậy từ Trung Quốc? Trước hết về xuất khẩu, có thể nói, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc tung hoành xuất khẩu sang Việt Nam thì xuất khẩu của Việt Nam qua Trung Quốc là rất khó khăn. Nếu không kể những mặt hàng nguyên liệu như cao su, than, dầu thô… thì hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc thường là các mặt hàng mà Trung Quốc cũng dư thừa năng lực sản xuất nên khó cạnh tranh nổi. Còn những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như than, dầu thô… thì lại có xu hướng giảm do hạn chế về khả năng khai thác và chủ trương dần hạn chế xuất khẩu tài nguyên. Xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc năm 2009 đã giảm trên 23%.

“Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước. Hậu quả là không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song ai quên được bài học từ những nhà máy ximăng lò đứng”

(ý kiến một chuyên gia của cục Xúc tiến thương mại, bộ Công thương)

Về nhập khẩu, một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc cho cả sản xuất và tiêu dùng là những mặt hàng Việt Nam chưa sản xuất được hoặc có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu như sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, phân bón, linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy… Hàng Trung Quốc lại rẻ và gần Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu từ đây.

Cần một loạt giải pháp đồng bộ

Trong việc kiềm chế nhập siêu nói chung và nhập siêu từ Trung Quốc nói riêng, một vấn đề lớn dường như chưa được bộ Công thương nhìn nhận đầy đủ chính là việc nhập khẩu máy móc, thiết bị. Theo một số chuyên gia của hiệp hội Cơ khí, các mặt hàng cơ khí, máy móc…chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng lượng hàng hoá nhập khẩu. Như năm 2008, giá trị nhập khẩu các mặt hàng cơ khí (không kể nguyên liệu sắt, thép) đã lên tới gần 19 tỉ USD. Mười tháng đầu năm 2009 đã nhập 13,5 tỉ USD các mặt hàng này…, trong số đó phần lớn là máy móc, thiết bị, hàng cơ khí từ Trung Quốc. Một chuyên gia của cục Xúc tiến thương mại, bộ Công thương phân tích: “Nhập siêu triền miên nhưng lại phân bổ không đều cho các thị trường. Nhập siêu chỉ dồn vào mấy thị trường ở châu Á, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc, chiếm chủ yếu trong tổng số nhập siêu của cả nước. Hậu quả là không nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ nghệ mới mà chỉ là công nghệ sao chép, lạc hậu. Dù được lý giải là gần, hợp trình độ của ta, song ai quên được bài học từ những nhà máy xi măng lò đứng”.

Một trong các nguyên nhân là trong mấy năm qua, các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu ở hàng loạt dự án lớn như dự án khai thác, luyện đồng Sin Quyền (Lào Cai), nhà máy nhiệt điện Hải Phòng… và có thể khẳng định, hiện tại Trung Quốc là nước có số lượng nhà thầu và số dự án trúng thầu nhiều nhất tại Việt Nam. Theo ông Phạm Hùng, tổng giám đốc tổng công ty Lắp máy Việt Nam thì các nhà nhà thầu Trung Quốc mang theo hầu như tất cả những gì họ có (từ Trung Quốc) để phục vụ công trình, từ máy móc, công nghệ đến nguyên, vật liệu (chưa kể công nhân)… vì vậy, trong giá trị nhập siêu lớn từ Trung Quốc có phần đáng kể từ việc nhập khẩu cho các công trình, dự án mà phía Trung Quốc trúng thầu. Mặt khác việc thiếu các chính sách đầu tư thích đáng để sản xuất hàng cơ khí, máy móc, thiết bị thay thế hàng nhập khẩu là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhập siêu cao (chứ không phải do hàng tiêu dùng, chỉ chiếm tỷ lệ 9%).

Cho nên, có thể nói, giải bài toán nhập siêu hiện nay không thể không xem xét đến các giải pháp chống nhập siêu từ Trung Quốc. Tất nhiên, với những lợi thế hiện nay của nền kinh tế khổng lồ này, việc đưa kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa hai bên về trạng thái cân bằng là vô cùng khó khăn nhưng không phải không có giải pháp. Cần, không phải chỉ một mà một loạt giải pháp đồng bộ: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc; chuyển hướng thị trường nhập khẩu (đặc biệt là máy móc, công nghệ) sang các thị trường khác, nhất là các thị trường có công nghệ cao như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được và có chính sách tích cực đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập từ Trung Quốc, chống nhập lậu, buôn lậu tại các vùng biên, cửa khẩu giáp với Trung Quốc…

( Tinkinhte.com tổng hợp )

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Xuất khẩu sang EU dự báo tăng chậm
  • Nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể thu hẹp
  • Xuất khẩu trái cây Việt Nam : Ba rào cản
  • Thị trường phân bón 2010: Sẽ không có đột biến
  • Kiềm chế nhập siêu: Bài toán khó giải
  • Giao dịch hàng hóa qua sàn
  • Đừng lạc quan mù quáng vào thị trường hàng hiệu tại Trung Quốc
  • Gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu: Hướng tới cân bằng cán cân thương mại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo