Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong khi phân bón đang ứ thừa, Bộ Công Thương lại yêu cầu muốn tái xuất phải có quota do bộ này cấp là cản doanh nghiệp. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định làm đúng quy định.
Đặt quota là đánh đố doanh nghiệp
“Phải có quota rõ ràng là một giấy phép con”- Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Cổ phần Vinacam (TP Hồ Chí Minh) khẳng định. Hiện nay, thị trường phân bón đã được điều tiết hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu tùy theo nhu cầu của nông dân. Nhà nước chỉ điều tiết bằng chính sách thuế.
Theo ông Hải, trước đây, Chính phủ hạn chế xuất khẩu bằng cách đánh thuế nhưng hiện giờ thuế xuất khẩu đã được đưa về không phần trăm, đồng nghĩa, doanh nghiệp được xuất khẩu tự do. Vậy nhưng, khi doanh nghiệp xuất khẩu thì Hải quan hỏi: Quota đâu? Đến lúc này doanh nghiệp mới té ngửa chạy đi xin quota từ Bộ Công Thương.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đây là quy định hết sức vô lý. Bộ Công Thương không còn quản lý nhập khẩu phân bón.
Thực tế, hiện các bộ, ngành không thể biết chính xác lượng phân bón trong nước còn bao nhiêu, thừa, thiếu ra sao? mà phải hỏi hiệp hội và doanh nghiệp. Vậy, tại sao lại bắt doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu. Mà xin giấy phép con là đủ thứ phiền hà.
Năm 2008, lượng phân bón ứ thừa nhiều, giá biến động liên tục, nếu kịp thời tái xuất được thì doanh nghiệp đỡ lỗ, đỡ khó khăn. Nhưng muốn xuất khẩu thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xem xét, chờ Bộ này có văn bản trả lời đồng ý hay không.
Thời gian để được cấp giấy phép phải mất 15- 20 ngày, nhận được quota thì hết cơ hội kinh doanh.
Theo ông Vũ Duy Hải, nhiều yêu cầu của Vụ XNK không hợp lý như yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ xuất khẩu đi thị trường nào. Thậm chí, Vụ còn yêu cầu doanh nghiệp chứng minh hàng còn bao nhiêu, có hợp đồng ngoại xuất khẩu trước, thì mới cấp quota. Quy định này không khác gì đánh đố doanh nghiệp.
Ông Thúy kiến nghị, không thể kéo dài tình trạng này, cần bãi bỏ ngay quota xuất khẩu. Phân bón là thị trường rất nhạy cảm, giá thay đổi từng ngày. Nếu không nhanh nhạy, kịp thời thì doanh nghiệp rất khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh hội nhập và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương: Phải có sự quản lý của Nhà nước
Trao đổi với Tiền Phong, bà Lương Anh Quỳnh, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, Bộ đang làm theo đúng quy định. Việc điều hành thị trường phân bón hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và thông tư hướng dẫn số 04/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại trước đây.
Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu phải gửi văn bản về Bộ Công Thương để được xem xét giải quyết.
"Chúng ta hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng vẫn phải có sự quản lý của nhà nước" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.
"Đã thực hiện việc nhập khẩu theo cơ chế thị trường thì không lý gì lại quản lý xuất khẩu. Còn nếu lo thiếu phân bón thì phải là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT chứ đâu phải Bộ Công Thương"- Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN.
(Theo Hà Nhân // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com