Dân Trung Quốc đổ xô đi sắm xe hơi nhờ chính sách trợ giá và giảm thuế của chính phủ. Ảnh AP |
Trung Quốc, vốn đối mặt với với sự sụt giảm xuất khẩu tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua, đang thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.
Kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ (585 tỉ đô la Mỹ) của Trung Quốc, cùng với việc cho vay kỷ lục, cắt giảm thuế và trợ cấp – đã làm tăng 60% doanh số bán tài sản trong bảy tháng đầu năm so với năm ngoái, khiến doanh số xe hơi bán ra tăng 70% trong tháng Bảy và đang làm tăng nhu cầu đối với tivi và máy vi tính.
Theo ngân hàng Credit Suisse (Thuỵ Sĩ), điều này có thể làm tăng 30% số lượng nhập khẩu của Trung Quốc lên 313 tỉ đô la Mỹ trong quý thứ tư so với năm ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu.
Nhu cầu lớn hơn của Trung Quốc đang thúc đẩy doanh số của những nhà xuất khẩu, bao gồm nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng AU Optronics Corp. (Đài Loan) và Kia Motors Corp (Hàn Quốc). Điều này có thể đẩy đồng won Hàn Quốc và đô la Đài Loan lên mức cao nhất trong năm.
“Sự bùng nổ trong nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đẩy các nền kinh tế trong khu vực và giúp phục hồi nền kinh tế thế giới. Các ngân hàng trung ương châu Á có thể để cho đồng tiền của họ mạnh hơn, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Đài Loan, nơi mà Trung Quốc là động lực thương mại quan trọng”, theo ông Olivier Desbarres, nhà chiến lược về tiền tệ tại Credit Suisse (Singapore). Cũng theo dự đoán, đồng won có thể tăng 5,4% lên 1.180 won ăn một đô la Mỹ trong ba tháng tới, mức cao nhất kể từ tháng 9 – 2008, trong khi đó đồng đô la Đài Loan có thể tăng 6,2% trong sáu tháng lên 31 đô la Đài Loan Mới/đô la Mỹ, mức cao nhất kể từ tháng 8 -2008.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu từ Hàn Quốc của nước này tăng 26,6%, lên 24,5 tỉ đô la Mỹ trong quý thứ hai so với ba tháng đầu năm, còn số lượng hàng nhập khẩu từ Đài Loan tăng gần 41% lên 20,3 tỉ đô la Mỹ. Trong số các đối tác kinh doanh quan trọng khác của Trung Quốc, nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 30,2% lên 31,5 tỉ đô la Mỹ, từ Liên minh châu Âu tăng 23,5%, lên 31,3 tỉ đô la Mỹ và từ Mỹ tăng 11,5%, lên 18,5 tỉ đô la Mỹ.
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc mạnh hơn có thể giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào người tiêu dùng Mỹ và châu Âu và kiểm soát thặng dư thương mại của Trung Quốc, hạn chế sự bất cân bằng toàn cầu trong tiêu dùng và tiết kiệm, điều có thể đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính. Thặng dư thương mại nước này giảm 16,6 tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm xuống 108 tỉ đô la Mỹ, mức giảm thường niên đầu tiên kể từ năm 2003.
Mặc dù số hàng hoá mua vào có thể giảm xuống sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo những sự kiềm chế đối với các ngành công nghiệp, kể cả thép và xi măng vào ngày 26-08 vừa rồi, nhu cầu trong nước vẫn khiến cho tăng trưởng nhập khẩu tăng lên lên mức cao hơn, theo Desbarres.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm 35% nền kinh tế Trung Quốc, một tỷ lệ hầu như không thay đổi kể từ khi được chính phủ nước này ưu tiên trong kế hoạch 5 năm 2006 – 2010. Sự kích thích tiêu dùng trong nước đã dẫn tới sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu xuống 627 tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm 2009 từ con số 803 tỉ đô la Mỹ của năm 2008. Trong tháng 7, số lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài đã giảm 23% xuống còn 105,42 tỉ đô la Mỹ. Đây là sự sụt giảm trong chín tháng liên tiếp. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết sự sụt giảm này có thể tiếp tục trong thời gian lâu hơn.
Xuất khẩu đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng khoảng 15 lần, lên 3.860 tỉ đô la Mỹ kể từ khi nước này mở cửa ngoại thương và đầu tư nước ngoài vào năm 1978. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Đức và nhà nhập khẩu lớn thứ ba sau Mỹ và Đức.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong năm 2007, thu nhập quốc dân trên đầu người của họ vẫn thấp hơn 10% so với các nước giàu. Theo ông Kuijs, cố vấn kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Thế giới (Bắc Kinh), nước này có thể duy trì sự tăng lên của nhập khẩu nếu cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá, khiến cho hàng nhập khẩu rẻ hơn và tiếp tục chính sách kích thích tiêu dùng.
(Theo Thu Hằng // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Bloomberg)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com