Triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước (DN) đem hàng phục vụ tận tay người tiêu dùng Việt bằng giải pháp nào là bài toán cần phải có lời giải của mỗi DN sản xuất hàng hóa.
![]() |
Sản xuất trứng trên dây chuyền công nghiệpcủa Công ty Ba Huân-Trần Thế. |
DN tìm người tiêu dùng
Để sản phẩm có giá thành hạ và được nhiều người mua, Công ty TNHH Phú An Sinh (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trị giá hơn 30 tỷ đồng tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Để có nguồn nguyên liệu, ngoài trại gà hơn 300000 con có sẵn, Phú An Sinh đã liên kết với nông dân nuôi hàng trăm nghìn con gà cho trứng và thịt. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh cho biết bước đầu sự hợp tác giữa DN với nông dân đã có hiệu qủa, phía DN luôn có nguồn thực phẩm ổn định để chế biến, người chăn nuôi cũng được lợi nhiều do chúng tôi lo về giống, dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt nhiều hộ nghèo còn được trợ vốn ban đầu để chăn nuôi.
Công ty TNHH SX& TM Nhân Lộc (quận 5, TP Hồ Chí Minh) sản xuất mỹ phẩm với các nhãn hiệu kem tắm trắng, sữa tắm nước hoa, kem dưỡng da. Ngoài cam kết với khách hàng chỉ bán hàng chất lượng với giá thấp hơn sản phẩm cùng loại 20%, Nhân Lộc còn lập “ Quỹ nhớ ơn người thầy” để người tiêu dùng mua một sản phẩm sẽ được giảm giá 2000-4000 đồng/chai, số tiền này dành trao cho những thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Nhân Lộc đã thiết lập được hệ thống phân phối trên 43 tỉnh thành. Ông Lê Hữu Lộc, giám đốc Công ty Nhân Lộc cho biết, thị trường mỹ phẩm Việt Nam rất tiềm năng, người tiêu dùng sẽ không quay lưng với nhà sản xuất, nếu nhà sản xuất hậu mãi tốt, quan tâm đến lợi ích của họ.
Đại diện Công ty Vinamilk cho biết mục tiêu hiện nay của công ty là đẩy mạnh hệ thống bán hàng tại thị trường nội địa. Ngoài sữa, Vinamilk đang đầu tư để phát triển hệ thống phân phối các loại nước giải khát, sữa đậu nành giàu đạm. Ông Huỳnh Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết hiện công ty đang tích cực mở rộng thị trường nội địa, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa. Theo đó, 60 DN thành viên của Satra đang thực hiện liên doanh, liên kết với các DN địa phương trong khâu phân phối hàng, tìm nguyên liệu, sản xuất tại chỗ và cách tiếp cận với người tiêu dùng ngắn nhất.
Kích cầu hiệu quả, cách nào?
![]() |
Dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Hiệp trở thành điểm đếncủa khách du lịch Ninh Thuận. |
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được phát động từ ngày 31-7-2009, tính đến nay đã thực hiện được 9 tháng và hiệu qủa của cuộc vận động này rất lớn. Cuộc vận động này giúp hàng Việt Nam ngày càng mở rộng thị phần nội địa và gia tăng mức tiêu thụ, góc phần làm thay đổi dần tư duy “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng.
Phát triển thị trường trong nước được Chính phủ xác định là giải pháp chiến lược để phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Việt Nam với hơn 86 triệu dân, đây là tiềm năng lớn và tiềm tàng về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa. Chủ trương cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã làm cho cán cân cung-cầu hàng hóa trong nước phát triển thấy rõ. Cụ thể, tốc độ tăng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa- dịch vụ tiêu dùng của năm 2009 so với 2008 là 12%, gấp hơn hai lần so với tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, nếu mức tiêu dùng của một người dân trong một năm trong năm 2008 là 11,68 triệu đồng thì năm 2009 đã đạt 12,5 triệu đồng. Tuy nhiên hành trình DN Việt đưa hàng phục vụ tận tay người tiêu dùng Việt còn lắm gian nan, đặc biệt là những mặt hàng có tính cạnh tranh cao, giá trị lớn, ở những địa bàn xa xôi hẻo lánh.
Nhằm đưa hàng Việt Nam đến nhiều hơn với người tiêu dùng Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành chương trình hành động của thành phố về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính quyền thành phố xác định đây là chương trình dài hạn và được triển khai liên tục trong nhiều năm. Trọng tâm hướng đến các giải pháp hỗ trợ DN trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh với nhiều hoạt động như khảo sát thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến xúc tiến thương mại ở thị trường nông thôn. Chương trình còn yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng ngoại nhập lậu, hỗ trợ, huấn luyện DN đào tạo và xây dựng thương hiệu, khuyến khích các DN trong nước sử dụng sản phẩm của nhau trong tiêu dùng, sản xuất và phân phối ra thị trường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2010 trở đi, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức bình ổn suốt cả năm (không tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán như đã làm) đối với các mặt hàng thiết yếu. Thành phố đang triển khai đề án phát triển chăn nuôi gắn kết các đơn vị đầu tư, DN để cung cấp vốn, kỹ thuật và đầu ra bền vững. Muốn có chiến lược bình ổn giá lâu dài, Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố xem xét cho các dự án đầu tư xây dựng chuồng trại, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; dự án đầu tư nhà máy giết mổ gia súc, nhà máy chế biến thực phẩm được ngân sách cấp bù 50% lãi vay với thời hạn là 7 năm. Có như vậy hàng hóa mới có sức cạnh tranh để phục vụ rộng rãi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặc dù nhà nước khuyến khích kích cầu thị trường nội địa nhằm nâng cao hiệu quả cho ngành chế biến gỗ nên nhiều DN đã triển khai thực hiện. Nhưng trên thực tế DN gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương này vì có tới 90% DN hiện nay đều có sản phẩm làm theo mẫu mã để xuất khẩu nên giá cao, không phù hợp với thị hiếu của nông thôn.
Đại diện hệ thống siêu thị Vinatex cho rằng, khó khăn hiện nay là không thể yêu cầu nhà sản xuất đưa ra những mặt hàng riêng cho từng vùng nông thôn. Lâu nay, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước chỉ hướng ra thị trường nước ngoài, nếu tiêu thụ nội địa thì giá đắt. Để cạnh tranh được với hàng hóa của một số nước châu Á vốn có ưu thế về giá, DN trong nước buộc phải đưa ra giá cả phù hợp với mức tiêu dùng của người dân nông thôn, nếu hạ giá bán thì khó có lãi. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C nói, hiện siêu thị không triển khai chiến dịch đưa hàng về thông thôn mà chỉ hỗ trợ nông dân lên BigC ở thành phố bằng xe buýt để mua hàng với giá rẻ.
Để hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ - Châu Nhựt Trung - kiến nghị, nếu được UBND TP Hồ Chí Minh cho vay vốn ưu đãi dài hạn từ 9-10 năm, DN cam kết sẽ bình ổn giá không chỉ một năm mà cả 15 năm. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống siêu thị này đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, nhà máy chế biến thực phẩm, nhưng để dự án này nhanh chóng hoạt động, siêu thị rất cần sự hỗ trợ vốn từ các cơ quan chức năng.
Để DN Việt làm tốt khâu đưa hàng phục vụ tận tay người tiêu dùng Việt, ngoài sự nổ lực của cộng đồng DN, nhiều chủ DN cho rằng một hành lang pháp lý của chính sách thông thoáng, cụ thể và kịp thời là rất cần thiết trong khâu kích cầu nội địa. Đặc biệt Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các hoạt động của các hiệp hội sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề chuyên môn hóa theo từng chủng loại mặt hàng, sản phẩm được tiêu thụ thông qua hệ thống phân phối hàng hóa chuyên nghiệp và có sự chỉ huy của các cơ quan chức năng.
(Theo THẾ VĨNH và ĐỨC CUNG // Báo Nhân dân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com