Suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến Việt Nam phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có chiến lược, kế hoạch “dài hơi” để đối phó với thách thức này.
Việt Nam hiện còn nhập nhiều nông sản - Ảnh: Hà Thanh |
Theo ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, xu hướng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do gặp phải tác động cạnh tranh của các nước khối BRIC (Brazil, Nga, ấn Độ và Trung Quốc).
Làn sóng đầu tư trong tương lai là, di chuyển mạnh công nghệ cao về phía BRIC và di chuyển công nghệ thấp sang các nền kinh tế chậm phát triển. Để đẩy mạnh tốc độ phát triển của mình, các nước BRIC sẽ tăng cường chuyển dịch các dòng vốn đầu tư. Xu hướng chủ yếu sẽ là tăng cường khai thác tài nguyên ở nước ngoài và đầu tư công nghệ thấp ra nước ngoài.
Khó khăn của Việt Nam vẫn chưa có đủ nền tảng phát triển công nghệ cao, nên nếu không có chính sách phù hợp, có thể trở thành bãi chứa các công nghệ thải loại của các nước BRIC, khi họ tăng cường hoạt động đổi mới công nghệ tại nước họ.
Công nghệ cũng được coi là trở ngại lớn trong mô hình định hướng xuất khẩu của nhiều quốc gia châu á. Báo cáo gần đây của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, người dân các nước châu á không được hưởng lợi nhiều từ việc sụt giá hàng loạt của các mặt hàng trên thế giới. Giá các nguồn nguyên liệu sản xuất đã sụt giảm đến 50%, trong khi giá lương thực tại các nước châu á (trong đó có Việt Nam lại tăng vọt.
Ông Henri Josserand, chuyên viên của FAO đã nhận xét : “Phần lớn các nước trong cuộc nghiên cứu lần này (55 nước) đều có thu nhập thấp và có mức nhập siêu cao. Người dân các nước này phải chi tiêu phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm. Trong trường hợp khủng hoảng lương thực, các quốc gia này sẽ chịu tác động mạnh”. Ngay tại Việt Nam, chi tiêu cho thực phẩm cao làm giảm đi các khoản tiền tiết kiệm dùng cho tái đầu tư sản xuất. Mặc dù là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, nhưng Việt Nam hiện đang phải nhập rất nhiều thịt và các loại hàng nông sản khác.
Trong các nước phát triển định hướng xuất khẩu, Việt Nam được đánh giá rất cao, vì có vị trí địa lý thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nếu Thái Lan hoàn thành xong kênh đào Kra, thì Việt Nam có vị trí rất thuận lợi cho phát triển hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tấn Bình, Giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright cho rằng, trong mô hình phát triển các nước Đông Nam á, chỉ có Singapore phát triển ổn định và tương đối bền vững, khi họ tận dụng ưu thế về phát triển thương mại, hàng hải, lọc dầu…
Nhưng điểm mấu chốt ở đây là, Singapore đã áp dụng mức thuế thu nhập khá thấp với mức cao nhất chỉ là 15%. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đã thành lập trụ sở chính ở Singapore để thực hiện các biện pháp “chuyển giá”, “chuyển lợi nhuận” từ các nước về Singapore, nhằm tận dụng mức thuế thu nhập thấp. TS.
Nguyễn Tấn Bình cho rằng, dù có nhiều điều kiện thuận lợi về hàng hải và các điều kiện khác, nhà đầu tư nước ngoài vẫn không thể rời bỏ hẳn Singapore để đến Việt Nam, và kênh đào Kra vẫn không là “giải pháp” giúp Việt Nam vượt qua Singapore về phát triển hàng hải ở khu vực Đông Nam á.
Như vậy, vấn đề chính vẫn là năng lực nội tại của nền kinh tế. Ông Mark Kent, Đại sứ Anh tại Việt Nam đã dự báo Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh từ các dịch cúm gà, cúm lợn H1N1 do xuất nhập khẩu nhiều lương thực, thực phẩm bên cạnh sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư phát triển do khủng hoảng toàn cầu. “Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc phát triển thị trường nội địa hơn là phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường xuất khẩu”, ông Kent nói.
(Theo Minh Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com