Hàng nhập lậu vào thị trường Việt Nam qua các đường biên giới được dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian từ nay tới cuối năm.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 TW, từ nay đến cuối năm, thị trường trong nước đứng trước thách thức rất lớn của những cuộc “đổ bộ” hàng nhập lậu qua các đường biên giới, với các thủ đoạn buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, khó lường.
Đặc biệt, Trung Quốc mới điều chỉnh chính sách mậu dịch biên giới, tăng cường bảo hộ thị trường trong nước, áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính để phát triển và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp mậu dịch biên giới. Trong đó, Trung Quốc đã nâng mức miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân nước ngoài vùng biên giới từ 3.000 nhân dân tệ lên mức 8.000 nhân dân tệ/người/ngày; thành lập văn phòng đại diện tại biên giới để nhanh chóng đưa hàng hoá sang Việt Nam, xây dựng đại lý bán hàng trả chậm cho đối tác...
Với những động thái như vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp. Khả năng buôn lậu với quy mô, số lượng lớn sẽ tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang... và các tỉnh giáp biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh...
Hàng nhập lậu trên tuyến biên giới sẽ tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm, có lợi nhuận lớn như thuốc lá, rượu, đồ điện tử (tủ lạnh, tivi, máy giặt, điều hoà không khí), đồ gia dụng, vải, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, mỹ phẩm, dược phẩm, đường, sắt thép, gỗ, khoáng sản, động vật quý hiếm... Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127, thời gian tới, nhiều mặt hàng lậu mới có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc và Thái Lan có thể sẽ xuất hiện trên thị trường Việt Nam.
Cơ quan Công an TP.HCM đã phát hiện và điều tra một số vụ nhập lậu thiết bị gây nhiễu thông tin có xuất xứ từ Trung Quốc. Lực lượng chống buôn lậu cũng cho biết, mặt hàng đường cát Thái Lan nhập lậu có chiều hướng tăng trở lại như những năm trước. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biển diễn biến phức tạp do thị trường châu Âu, Mỹ đang giảm sức tiêu thụ và hàng “chảy” vào Việt Nam có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt là các mặt hàng điện tử, điện lạnh.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 47 ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2009, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 78.307 vụ vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, Hải quan Lạng Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác bắt giữ 140 vụ buôn lậu, trị giá hàng khoảng 4 tỷ đồng. Còn lực lượng Hải quan Móng Cái (Quảng Ninh) đã phát hiện và xử lý 74 vụ vi phạm thủ tục hải quan và buôn lậu có giá trị lớn. Đó chỉ là những con số rất nhỏ so với lượng hàng lậu từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam.
Trong khi đó, cuối năm là cơ hội cho buôn lậu hàng nước ngoài vào thị trường nội địa, bởi nhu cầu mua sắm, chi dùng của người dân tăng cao. Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng ban chỉ đạo 127 cho rằng, nếu ngay từ bây giờ các bộ, ban, ngành không có những biện pháp tích cực để phòng ngừa, ngăn chặn “dòng chảy” hàng ngoại nhập lậu, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ hàng nhập lậu.
Đây cũng sẽ là thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất trong nước cũng như công tác phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng từ nay đến cuối năm, đặc biệt là các thời điểm hàng hoá được tiêu thụ mạnh như dịp Trung Thu, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com