Cách đây 37 năm, 1972, một mẩu quảng cáo khá độc đáo xuất hiện nguyên trang trên các nhật báo thời đó “Mua một chiếc xe La Dalat, bạn đã giúp cho bốn công nhân Việt Nam có việc làm...”. Vào thời điểm mà chiếc Toyota 800, Honda 360 chỉ mới ngấp nghé bước vào thị trường Việt Nam thì nhãn hiệu xe hơi nội hoá mang cái tên “La Dalat” đã có chỗ đứng khá vững trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Người ta vẫn không quên dáng dấp chiếc xe vuông vức, góc cạnh (có lẽ do công nghệ dập uốn còn sơ khai) chạy máy Citroen gắn ở bánh trước. Không ai thắc mắc mức độ “thuần Việt” của chiếc La Dalat và người dân hoàn toàn tự tin về một nền tảng khởi đầu của công nghiệp chế tạo xe hơi Việt Nam. Từ 25% nội địa hoá năm 1970, xe La Dalat đã nâng dần tỷ lệ nội địa hoá đến 40% năm 1975.
Những câu hỏi về “hàm lượng Việt”
Bây giờ thì đã khác. Trong một diễn đàn đi tìm định nghĩa thế nào là hàng Việt, hàng loạt câu hỏi tưởng là tưng tửng nhưng lại rất nhiều ngụ ý, và gợi ý:
+ Bia Tiger của nhà máy bia Việt Nam ở Hóc Môn, bột ngọt Vedan sản xuất tại Đồng Nai có phải là hàng Việt Nam không?
+ Máy tính thương hiệu Việt Elead, CMS có phải là hàng Việt Nam không?
+ Gạo Nàng Hương từ Long An, kẹo dừa từ Bến Tre có phải là hàng thuần Việt không?
+ Nước mắm nhãn hiệu “Phú Quốc” do Thái Lan sản xuất có phải là hàng Việt Nam không?
+ Giày Nike từ nhà máy Samho ở Củ Chi có phải là hàng Việt Nam không?
+ Máy nghe nhạc iPod ghi rành rành “assembly in China” nhưng có ai dám bảo đó là hàng Trung Quốc.
Bia Tiger, bột ngọt Vedan là thương hiệu ngoại nhưng sản xuất tại Việt Nam phần lớn công đoạn, đóng thuế cho Việt Nam, sử dụng nhiều nhân lực, vật lực Việt Nam. Máy tính thương hiệu Việt lắp ráp đơn giản tại Việt Nam, nguyên vật liệu nhập khẩu hoàn toàn, hàm lượng Việt Nam rất thấp. Gạo Nàng Hương nói cho cùng không phải thuần Việt vì vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, bao bì… nhập khẩu. Thương hiệu Việt nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan chẳng có chút hàm lượng Việt nào. Giày Nike từ chủ đầu tư đến vật liệu, công nghệ từ nước ngoài nhưng đem lại việc làm cho 85.000 công nhân Việt Nam.
Đã đến lúc chúng ta không thể dễ dãi khi gọi tên một sản phẩm là “hàng Việt Nam” mà bắt buộc phải tìm hiểu “hàm lượng Việt Nam” trong đó.
Khái niệm “thuần Việt”
Chữ “thuần Việt” ban đầu chỉ là một thuật ngữ trong ngành ngôn ngữ học, đã nhanh chóng trở thành một tính từ đầy cảm xúc trong xã hội. Khái niệm “thuần Việt” là một khái niệm cực đoan. Thực tế đã chứng minh rằng không thể có một nền văn hoá thuần Việt cũng như không thể có một sản phẩm thuần Việt. Trống đồng Đông Sơn có thể tìm thấy trên rất nhiều tỉnh ở Trung Quốc, một số tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Trải qua nhiều ngàn năm phát triển, sự giao thoa văn hoá khiến cho không còn quốc gia hay dân tộc nào giữ được sự thuần khiết trong bản sắc văn hoá của mình. Sự chuyên môn hoá và phân công lao động toàn cầu cũng khiến cho sản phẩm công nghiệp không thể nào thuần Việt được. Chúng ta không cần thiết phải dán nhãn mác thuần Việt vào sản phẩm nhưng chúng ta phải tìm cách nâng cao hàm lượng Việt Nam trong sản phẩm.
Cổ vũ tiêu dùng hàng Việt để phát triển kinh tế
Lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc và Nhật Bản ghi nhận sự đóng góp của người tiêu dùng, thể hiện lòng yêu nước bằng cách chỉ chọn mua hàng nội hoá. Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo còn đường này bởi người Việt nào cũng một tình thương yêu đất nước mình. Tuy nhiên, từ quản lý nhà nước đến các hiệp hội cần nhanh chóng có cách để nêu được “chỉ số hàm lượng Việt” trong mỗi sản phẩm để người Việt thực thi lòng yêu nước của mình.
Trong những thí dụ nêu trên, “chỉ số hàm lượng Việt” của những sản phẩm sau đây khá cao: gạo, nông sản, dầu thô. Kế đến là nhóm sản phẩm có nhà máy quy mô, nhiều nhân lực vật lực Việt như thực phẩm chế biến… Kế tiếp là nhóm gia công như xe Honda, giày Nike. Nghèo hàm lượng Việt nhất là nước mắm Phú Quốc do Thái Lan làm, máy tính thương hiệu Việt nhập khẩu 100% và các hàng điện máy “mua về dán nhãn”.
Người tiêu dùng yêu nước khi cầm một sản phẩm trong siêu thị, sẽ xem chỉ số “hàm lượng Việt” để mà cân nhắc trước khi quyết định.
( Theo Lê Văn Chính // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com