Các vụ kiện chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng gia tăng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải sớm có các biện pháp để chủ động đối phó mới mong thắng kiện.
Tại Hội thảo “Các quy định của EU và Mỹ về chống bán phá giá và thực tiễn” vừa được tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích từ thực tế chống bán phá giá. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nước ta chấp nhận bị đối xử phi thị trường 12 năm. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu.
EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, song trong những năm qua, ở hai thị trường này đã nổi lên vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Đồng tình với quan điển trên, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Giám đốc Dự án EU - Việt Nam (MUTRAPIII) cho biết, sự bất công bằng liên quan đến chống bán phá giá xảy ra trong hai trường hợp.
Thứ nhất, cho dù Pháp lệnh Chống bán phá giá của Việt Nam đã ra đời từ năm 2004, có những điều khoản hướng dẫn đi kèm, nhưng đến nay, vẫn chưa có vụ kiện bán phá giá nào đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, DN Việt Nam cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi của chính mình ngay trên sân nhà.
Thứ hai, khi xuất khẩu hàng, DN Việt Nam phải đối mặt với các biện pháp chống bán phá giá của nước ngoài, trong đó không ít trường hợp nước nhập khẩu lạm dụng chống bán phá giá làm rào cản một cách tùy tiện chứ không đơn thuần là bảo vệ quyền lợi công bằng. Tính đến đầu năm 2009, ít nhất đã có 39 vụ kiện chống bán phá giá áp vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, gần đây nhất là các vụ kiện về cá tra, cá ba sa ở thị trường Mỹ; giày da, bật lửa ở EU...
Theo một nghiên cứu về các vụ kiện chống bán phá giá mới được công bố, khi các vụ kiện chống bán phá giá xảy ra, có tới 63,76% DN Việt Nam bị thua kiện. Nguyên nhân là do DN Việt Nam còn thiếu sự am hiểu luật pháp quốc tế cũng như thiếu luật sư... Vì vậy, ông James Lockett, Chuyên gia pháp lý Dự án STAR-Việt Nam cho rằng, khi tham gia khiếu kiện chống bán phá giá tại Mỹø, DN Việt Nam nên thuê các luật sư giàu kinh nghiệm ở đây, vì họ hiểu rõ luật pháp Mỹ.
“Tuy nhiên, chi phí thuê luật sư Mỹ rất cao, nên trong thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược tập huấn cho luật sư trong nước về luật pháp Mỹ. Không có một luật sư nào có thể am hiểu luật của 100 nước trên thế giới, Vì vậy, cần có các chuyên gia am hiểu luật pháp của từng nước”, ông James Lockett nhấn mạnh.
GS.TS Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp Trường Đại học kinh tế TP.HCM, nhận xét: “Văn hóa Việt Nam ngại đi kiện, nên khi bị kiện chống bán phá giá, nhiều DN đành chấp nhận bỏ thị trường đó. Song họ không biết rằng, một khi bỏ thị trường đó thì sẽ rất khó kiếm được thị trường khác hấp dẫn hơn thay thế”.
Từ nghiên cứu thực tế, bà Thu đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho việc chống bán phá giá như Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong điều tiết xuất khẩu, nhưng khi bị kiện chống bán phá giá, Nhà nước không có quyền can thiệp trực tiếp vào các vụ kiện; Khi bị kiện, DN bị kiện cần tích cực tham gia vào “hầu kiện”, DN cần minh bạch hóa hồ sơ, thu thập đầy đủ các chứng từ về hạch toán tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò của mình trong các vụ kiện chống bán phá giá. Ngoài ra, Việt Nam cần kích thích phát triển các công ty luật và nâng cao trình độ của các luật sư, các nhà quản trị về chống bán phá giá.
Hơn nữa, các DN cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn chống bán phá giá của các nước cũng như các giải pháp giải quyết tranh chấp của WTO để tránh những vấn đề phát sinh khi tiếp cận thị trường nước ngoài và tăng khả năng thành công trong các vụ kiện chống bán phá giá.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com