Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đã hoàn tất, dự kiến sẽ được chính thức ký kết vào trung tuần tháng 12 này. Cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào Nhật đang mở ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Lộ trình giảm thuế
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) chủ yếu ràng buộc nghĩa vụ liên quan đến cắt giảm thuế giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, Việt Nam được quyền hưởng các ưu đãi cắt giảm thuế của Nhật Bản, đồng thời có nghĩa vụ dành cho Nhật Bản các ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định. Điểm cốt lõi của Chương 2 của hiệp định này là lộ trình giảm thuế của 2 nước. Nguyên tắc cơ bản khi đàm phán của Việt Nam là yêu cầu Nhật Bản giảm thuế xuất khẩu đối với những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như thuỷ sản, nông sản, bảo hộ những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng sản xuất trong nước. Về mức cam kết chung, Việt Nam đồng ý tự do hóa đối với 87,66% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Thực tế mức cam kết mà Việt Nam đưa ra cho Nhật Bản khá thấp so với các nước ASEAN đã ký Hiệp định song phương với Nhật Bản (như Philippines và Thái Lan cam kết tự do hóa tới 99% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm). Cần nói thêm rằng, năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản dự kiến đạt trên 15 tỷ đô-la Mỹ (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là năm 2010).
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản còn thống nhất một điều khoản khẳng định, cam kết trong VJEPA sẽ không ảnh hưởng tới quyền của mỗi bên trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (một hiệp định có nhiều lợi ích đối với Việt Nam).
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có lợi thế
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngoài ý nghĩa về chính trị, VJEPA sẽ có những tác động mạnh mẽ đến kinh tế hai nước theo chiều hướng tích cực. Điểm quan trọng nhất trong cơ cấu kinh tế hai nước là tính bổ trợ mạnh mẽ. Nhật Bản hiện là nước nhập siêu lớn về các mặt hàng nông sản, tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến… trong khi Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này.
Ngược lại, Việt Nam nhập từ Nhật Bản máy móc thiết bị, công nghệ. Đặc biệt trong quan hệ song phương, Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ xuất khẩu thủy sản do Nhật Bản cam kết giảm thuế với các mặt hàng này tương đương khoảng 83,8% giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam (mức cao nhất trong số các nước ASEAN có EPA song phương với Nhật Bản). Những sản phẩm Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất như thuỷ sản (tôm, cua, cá….) rau quả nhiệt đới, mật ong, cà phê và các sản phẩm gỗ sẽ có mức thuế ưu đãi thấp hơn nhiều so với mức hiện hành. Các mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có ưu thế như dệt may, giầy dép, hàng thủ công mỹ nghệ cũng sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Theo cam kết, Nhật Bản sẽ loại bỏ 94,53% giá trị thương mại sản phẩm công nghiệp trong 10 năm. Do đó Hiệp định thương mại Việt Nhật sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường chính như EU, Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng bởi khó khăn về kinh tế.
* Hiệp định VJEPA là một thoả thuận song phương khá toàn diện, bao gồm các nội dung cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các hợp tác kinh tế khác giữa hai nước. * Đối với vấn đề tự vệ trong trường hợp khẩn cấp, Việt Nam và Nhật Bản thống nhất một cơ chế dựa trên quy tắc chung của WTO/GATT. Ngoài ra Việt Nam và Nhật Bản cũng đồng ý cho phép mỗi bên áp dụng các biện pháp tự vệ khẩn cấp "song phương" trong trường hợp việc thực hiện các cam kết theo Hiệp định này, đặc biệt là việc cắt giảm thuế quan, gây tổn hại tới các ngành sản xuất trong nước hoặc trong trường hợp Việt Nam muốn thực hiện một số chương trình điều chỉnh cơ cấu. |
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com