Kế hoạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN trong năm nay được Bộ Công thương đưa ra từ đầu là khoảng 8,88 tỷ USD. Thực tế hoạt động trong tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu vào khu vực này đang khá thuận lợi. Tháng 1/2010, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 850,6 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 12 năm 2009 và tăng tới 60,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng dầu thô và gạo có mức tăng mạnh nhất. Xuất khẩu dầu thô vào ASEAN đạt 194,8 triệu USD, tăng tới 83,22% so với tháng 12/2009; xuất khẩu gạo đạt 149,25 triệu USD, tăng 45,33% so với tháng 12/2009 và tăng gần gấp 4 lần so với tháng 1/2009.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều mặt hàng vào khu vực này không đạt kết quả như mong muốn, một phần do nhiều doanh nghiệp chưa biết tận dụng những ưu đãi thuế quan CEPT/AFTA. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong tổng số 8,26 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này năm 2009, tỷ lệ sử dụng C/O form D để tận dụng ưu đãi thuế quan CEPT/AFTA chỉ chiếm dưới 20%.
Ông Lê Triệu Dũng, Trưởng phòng ASEAN (Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương) cho biết, tỷ lệ này đã tăng lên trong những năm qua. Tuy nhiên, có nhiều lý do dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp chưa sử dụng C/O form D. “Lý do dễ thấy nhất là với nhiều mặt hàng, thuế MFN không chênh quá lớn so với thuế trong CEPT/AFTA, nên doanh nghiệp không cần phải sử dụng C/O form D trong hoạt động xuất khẩu. Thứ nữa là do hàng hoá của doanh nghiệp xuất khẩu không đạt tiêu chí (hàm lượng ASEAN chiếm trên 40%) để được cấp C/O form D. Cuối cùng là tình trạng hạn chế thông tin, nên doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan”, ông Dũng phân tích.
Trên thực tế, ASEAN là một thị trường quan trọng của xuất khẩu và tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 là 15,2%. Do đó, Bộ Công thương luôn khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin liên quan tới việc sử dụng C/O form D để tận dụng ưu đãi thuế quan và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã nói tới điều này và coi đây là một trong những biện pháp cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu, bởi trong vài năm gần đây, tỷ lệ nhập siêu từ thị trường ASEAN luôn cao.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN đối với các doanh nghiệp là không dễ. Và dù có tăng cường sử dụng C/O form D trong xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng không thể tăng đột biến lượng hàng hoá vào thị trường này. Các chuyên gia thương mại lý giải rằng, lý do cơ bản khiến các doanh nghiệp khó có thể tăng mạnh hàng xuất khẩu vào thị trường ASEAN do cơ cấu hàng hoá của Việt Nam khá tương đồng với các nước trong khối. Do vậy, để tăng khả năng tận dụng thị trường này, các doanh nghiệp cần phải tìm thêm hướng đi khác.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), việc dựa vào thế của khối ASEAN để tiến vào các khu vực kinh tế khác là hết sức quan trọng. “Doanh nghiệp khó có thể nghĩ rằng, thị trường ASEAN sẽ giúp họ tăng đột biến xuất khẩu, vì thực chất, tỷ lệ buôn bán hàng hoá của các thành viên ASEAN trong nội khối cũng không phải là lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn từ chiến lược các nước khác với ASEAN, có thể thấy, doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội. Chẳng hạn, đối tác Nhật Bản nhìn cả thị trường ASEAN để có chiến lược sản xuất và xuất khẩu hàng hoá”, ông Khánh phân tích. Chuyên gia trong lĩnh vực đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế này cho rằng, với ví dụ về Nhật Bản nói trên, để đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần xác định mình sẽ chuẩn bị như thế nào để trở thành một điểm nhấn quan trọng trong dây chuyền sản xuất, tiêu thụ hàng hoá của đối tác.
Đây là cách làm đòi hỏi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn. Khi đó, thị trường ASEAN sẽ trở thành một điểm tựa quan trọng để các doanh nghiệp có thể vươn xa hơn.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com