Campuchia là thị trường mở cho nhiều nhà cung cấp thiết bị xay xát lúa gạo từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Tuy vẫn là nước thiếu điện, nhưng là nơi có sản lượng lúa hàng hoá thặng dư cả triệu tấn/năm khiến Campuchia luôn là thị trường giàu tiềm năng khi nói về lúa gạo và xay xát.
![]() |
Một nhà máy xay xát ở Campuchia. Ảnh: B.P.L |
Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên kinh tế công ty TNHH cơ khí công – nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, tiên đoán, không bao lâu nữa thị trường Campuchia sẽ phát triển nếu họ có điện, có vốn, doanh nhân cảm nhận rằng họ đang bị cạnh tranh và nếu không thay đổi họ sẽ khó tồn tại được.
Ưu thế người đi trước
Trước năm 1975, những doanh nghiệp ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã nhắm tới thị trường này. Việc mua bán giữa thương nhân Sài Gòn – Chợ Lớn với Nam Vang (Phnom Penh) là quan hệ bình thường. Ông Bùi Phong Lưu, giám đốc công ty TNHH cơ khí công – nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, một trong số hiếm hoi doanh nghiệp sản xuất thiết bị xay xát lúa gạo của Việt Nam tạo được lòng tin ở Campuchia, cho biết vào thời gian này gia đình ông... tuy không cung cấp những loại máy đồ sộ như bây giờ mà chỉ cung cấp béc máy ép dầu dừa, béc đốt lò gạch, lò chưng cất rượu, ghế cho rạp hát... nói chung là đồ cơ khí nhưng đã nghĩ tới một thị trường khác mênh mông hơn. Năm 1989, cơ sở sản xuất gia đình ông Lưu trở thành hợp tác xã chuyên gia công cơ khí theo đơn đặt hàng. Lúc đó, hợp tác xã do cha của ông (ông Bùi Văn Ngọ điều hành), đẩy mạnh chế tạo máy xay xát gạo, cối lức, gằng, cối xát trắng. Hàng hoá tự chảy theo “kênh đào” do thương nhân từ Nam Vang và Sài Gòn – Chợ Lớn khơi thông. “Những thiết bị do chúng tôi cung cấp trước đây, nhiều nhà máy vẫn còn xài”, ông Hà khẳng định.
Năm 1995, công ty Bùi Văn Ngọ đặt đại lý tại Campuchia, nhưng công việc đầu tiên là huấn luyện tài cải (người lắp máy)... Ông Lưu nói: “Lúc đó, nhiều người ở Campuchia đặt hàng của mình ở Indonesia, Thái Lan – trong số 20 quốc gia có nhà phân phối, cuối cùng họ tìm đến Việt Nam. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc lập một đại lý. Nhưng việc đầu tiên là làm cho họ hiểu cách chọn thiết bị vừa quy mô và phù hợp xu hướng. Từ đó đến nay, tuy chưa có so sánh chuyên sâu, nhưng phụ tùng, thiết bị vẫn bán đều đều, thị trường phát triển ổn định”.
Doanh nhân Trung Quốc, Thái Lan cũng đưa hàng vào thị trường này. Nhưng một số chủ nhà máy vẫn xem việc nhập thiết bị từ Việt Nam là cách rút ngắn khoảng cách. Theo ông Lưu, do hạn chế về vốn liếng, thị trường, thiết bị, nhân lực, tập quán canh tác, cách quản lý nông hộ, chính sách... nên công nghệ của nhiều nhà máy ở Campuchia trễ hơn Việt Nam từ 10 – 15 năm. Chính sự am hiểu nhu cầu của người muốn làm nhà máy: chất lượng hàng của Việt Nam tốt hơn, ngang tầm hàng cùng loại từ các nước khác trên đất Campuchia, giá rẻ hơn, mua bán dễ hơn và lời tư vấn sát sườn khiến người Campuchia mua hàng của công ty Bùi Văn Ngọ.
Giữ thị trường từ việc hiểu, chia sẻ với khách hàng
Ông Hà nói: “Nhiều chủ nhà máy là người Hoa ở Battambang rất thích những loại máy có công suất 40 tấn/giờ như ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng phải khuyên họ hãy chờ đợi vì điện thế của Campuchia không đủ để vận hành. Họ làm nhà máy chà y như người Hoa ở Việt Nam, cách vận hành chành vựa cũng y hệt”. Theo ông Hà, sự tồn tại đủ loại thiết bị có thế hệ khác nhau, ví dụ họ xài côn, dây trân thì Việt Nam cũng sẵn sàng cung cấp và nếu họ muốn nhà máy lớn hơn, nhưng điện thế chưa tới 500KW thì có lời khuyên đừng làm. Có lẽ đó là lý do mà họ không rời bỏ nhà cung cấp Việt Nam.
Sự tăng tốc trong hệ thống các nhà máy chế biến gạo của Việt Nam cũng giống như Thái Lan giai đoạn 2000. Nhiều nhà máy đã trang bị thiết bị xay xát có công suất 40 tấn/giờ trở lên. Hiện nay các thiết bị xay xát của Campuchia phổ biến 2 tấn/giờ. Tuy vậy, ông Lưu dự báo: “Campuchia sẽ mạnh lên, nhu cầu chế biến từ 6 – 8 triệu tấn lúa/năm đến sản lượng lúa gấp 3 lần/năm (18 – 20 triệu tấn lúa) cũng là điều bình thường vì Việt Nam tìm cách để phát triển, Campuchia cũng vậy”.
Trong ba năm nay, Campuchia trở mình, mạnh lên, luật pháp đã thay đổi, bản thân họ đầu tư, cho phép đầu tư. Họ có những nhà đầu tư từ nước khác. Khi làm ăn, họ mạnh dạn chứ không chờ đợi. Các tổ chức quốc tế cũng tìm cách giúp Campuchia. “Vấn đề là vận dụng chính sách gì của xứ mình, nước bạn để cùng phát triển”, ông Lưu nói.
(Theo Hoàng Lan // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com