Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp trong nước "nhường sân" cho... đường lậu

Giá đường kỳ hạn giao tháng 5.2010 tại sàn giao dịch London phiên cuối tuần qua (19.3) tiếp tục giảm thêm 0,8% so với trước đó một tuần, còn 558,1 USD/tấn. Điều đáng nói hiện nay là, trong lúc giá đường thế giới giảm mạnh thì đường bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở kênh cửa hàng, siêu thị vẫn đứng ở mức cao. Khảo sát thị trường cho thấy, chỉ có đường nhập lậu là giảm giá, và dường như các nhà sản xuất, kinh doanh, bán lẻ đường trong nước đang “nhường” thị trường cho…đường lậu.

Doanh nghiệp kinh doanh đường trong nước nhất quyết không giảm giá vì sợ không có lời. Ảnh minh hoạ: Hồng Thái

Doanh nghiệp không giảm giá

Sáng 21.3, thời điểm mà giá đường nhập khẩu về đến Việt Nam, tính tất cả chi phí chỉ còn khoảng 14.000 -15.000 đồng/kg, SGTT đã đặt câu hỏi với nhiều đối tượng đang kinh doanh mặt hàng này tại sao giá đường bán lẻ trong nước không giảm theo giá thế giới? Tất nhiên, bên nào cũng có lý khi đưa ra những phân tích lý giải cho điều này. Với vai trò là đơn vị sản xuất, cung ứng đường, ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc công ty mía đường Cần Thơ cho rằng, do doanh nghiệp đã mua giá mía nguyên liệu đầu vào quá cao từ đầu vụ, nên nếu bây giờ giảm giá đường bán ra tại kho theo đúng với giá thế giới sẽ bị lỗ. Ông Nguyễn Thành Long còn cho rằng: “Nếu có giảm giá xuống ngang bằng với thế giới cũng chẳng ai quan tâm, vì các đơn vị kinh doanh thương mại, bán lẻ cũng đang “ôm” cả kho đường, lúc này bán ra không được”.

Cụ thể, tại các siêu thị, đường vẫn được bán với giá từ 17.400 - 19.400 đồng/kg (đây là mức giá đã điều chỉnh sau tết, trong đó đã tính cả mức khuyến mãi giảm giá khoảng 500 - 800 đồng/kg đường). Theo đại diện siêu thị, giữa thời điểm giá đường tăng “nóng” hồi cuối tháng 12.2009, có những dự báo năm 2010 giá đường sẽ tiếp tục đứng mức cao nên các đơn vị cũng tập trung gom vào, do đó giá đường mua từ nhà máy đã là 16.000 đồng, cộng thêm 5% thuế VAT, 9% chi phí kinh doanh (bao gồm lưu kho, vận chuyển, nhân viên, máy lạnh…), thì giá bán lẻ chưa tính đến lãi ít nhất cũng khoảng 18.000 đồng. Hiện nay, các hệ thống siêu thị đều có lượng đường dự trữ bán cả tháng nữa mới hết.

Một thông tin khác từ doanh nghiệp sản xuất đường cho biết, trữ lượng đường còn tồn trong kho các nhà máy khá ít, họ đã bán khoảng 80% vào thời điểm giá cao, còn số lượng khá ít đang lưu kho không bị áp lực buộc phải giảm giá để tiêu thụ nên họ cứ để đó, chờ được giá thì bán. Những lý giải trên đã đưa đến tình trạng là cho dù giá thế giới giảm mạnh nhưng trong nước, từ nhà cung cấp đến nhà bán lẻ siêu thị, không bên nào chịu giảm giá bán. Lộ trình giảm giá đường bán lẻ trong nước chỉ còn trông cậy vào khoản quota nhập khẩu 50.000 tấn đường cấp hồi cuối 2009, dự kiến đến cuối tháng 3 này nhiều đơn vị sẽ nhập về. Thế nhưng, theo tiết lộ của một giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu đường ở TP.HCM, người tiêu dùng cũng đừng đặt nhiều hy vọng sẽ được mua giá rẻ, vì bản thân những lô đường nhập khẩu nói trên giá cũng rất cao do ký hợp đồng lúc giá còn cao cách đây hai, ba tháng. Cũng theo đại diện của doanh nghiệp này, cuối tháng ba tới đây công ty nhập về 6.000 tấn đường, giá thời điểm ký hợp đồng là trên 700 USD/tấn, tính tất cả chi phí ra giá thành khoảng 15.000 đồng/kg, nên phải bán trên 16.000 đồng mới có lời.

Đường nhập lậu bắt đầu "tấn công"

Nhiều doanh nghiệp nhận định, xu hướng giá đường thế giới thời gian tới chắc chắn sẽ còn biến động, cho dù không giảm sâu thêm thì cũng khó trở lại mức trên 800 USD/tấn như hồi cuối tháng 12.2009. Giá đường trong xu thế chung toàn cầu đang giảm là vậy, nhưng không biết đến bao giờ nhà kinh doanh đường trong nước mới chịu giảm giá.

Tại TP.HCM hiện nay, giá đường bán lẻ ở các tiệm tạp hóa, sạp chợ đã bắt đầu giảm. Ở chợ Rạch Ông Q.8, giá đường cát trắng đóng bao nylon không thương hiệu bán 16.500 đồng/kg, mua số lượng nhiều còn 16.200 đồng/kg. Ở cửa hàng bách hóa thực phẩm khu Bàu Cát, quận Tân Bình, đường cát bán ký là 16.500 đồng/gói, bán lẻ cân theo từng trăm gram là 17.000 đồng/kg. Theo người bán, hầu hết những loại đường không thương hiệu này là đường Thái Lan nên có giá rẻ.

Một số đầu mối kinh doanh ở chợ sỉ cho biết, những ngày qua, đường nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia tiếp tục đổ về qua các cửa khẩu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An với tần suất vài ba trăm tấn mỗi ngày, giá giảm thêm cả ngàn đồng/kg, còn 15.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn.

Như vậy, việc các nhà kinh doanh đường “thi gan” níu kéo giá đường ở mức cao là có thật, và dường như họ đang nhường thị trường cho đường nhập lậu tràn vào. Đường lậu chiếm lĩnh thị trường, vụ mía đường tiếp theo các nhà máy lại có lý do không mua mía của nông dân, phần khổ lại thuộc về người trồng mía...

(Theo Bích Thủy - Hoàng Bảy // SGTT Online)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Kho vận - Cầu nối cho hội nhập
  • Lúng túng tìm 'võ' chống nhập siêu
  • Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ: Sẽ không có kẻ thắng
  • Những nấc thang mới
  • TPP- đường dẫn để Mỹ thâm nhập thương mại châu Á
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Trăn trở trữ gạo
  • Đấu trí trên thị trường gạo thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com