Mặt khác, ông Hiệp cho rằng, việc tăng tỷ giá có lợi cho xuất khẩu, nhưng trong thực tế lại không hẳn như vậy, vì các ngân hàng không thể mua bán ngoại tệ sòng phẳng theo giá niêm yết, mà phải tự thỏa thuận với nhau, sau đó thông qua ngân hàng để làm thủ tục pháp lý thuần túy. “Như vậy, việc tăng tỷ giá không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu, mà có thể đẩy nhập khẩu tăng lên, vì doanh nghiệp phải mua ngoại tệ với giá cao hơn”, ông Hiệp cho biết thêm.
Theo ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty cổ phần May Bình Hòa, do sử dụng rất nhiều điện, nên khi điện tăng giá, doanh nghiệp ngành may sẽ gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, ngành may đang thiếu lao động trầm trọng và Công ty Bình Hòa (chủ yếu may gia công) cũng không là ngoại lệ, nên không thể sản xuất đủ đơn hàng. “Cao lắm thì doanh nghiệp cũng chỉ đạt được 60-70% kế hoạch xuất khẩu quý I/2010”, ông Ngọ nói.
“Đây đang là thời điểm chúng tôi đi giao hàng, chưa biết lợi nhuận giảm bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn chúng tôi không thể đạt kế hoạch xuất khẩu trong quý I/2010”, ông Hiệp nói và cho biết, doanh nghiệp sản xuất không có đủ vốn, diện tích nhà xưởng để mua nhiều nguyên liệu về dự trữ sản xuất lâu dài, nên sẽ bị ảnh hưởng nặng khi giá đầu vào biến động.
Mặc dù vậy, ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hợp tác và Xuất nhập khẩu SAVIMEX cho rằng, kế hoạch xuất khẩu quý I của Công ty cũng bằng quý I/2009. “Hiện đang là mùa thấp điểm (tháng 3) mà Công ty xuất khẩu khoảng 1 triệu USD/tháng, nên khả năng hoàn thành chỉ tiêu 2,5 triệu USD trong quý I/2010 là hoàn toàn có thể”, ông Trí khẳng định và cho biết, Công ty đang rà soát lại tình hình giá cả để có thể ký các hợp đồng dài hạn. Do năm nay, giá cả biến động mạnh, nên Công ty phải dựa vào đơn hàng có sẵn ở thời điểm hiện tại để ký hợp đồng dài hạn.
Mặc dù không đưa ra những nhận xét, đánh giá cụ thể về việc có hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu trong quý I/2010 hay không, nhưng Sở Công thương TP.HCM nhận định, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, trong khi giá cả đầu vào phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp đang tăng, nên thời gian tới, nhiều khó khăn vẫn đang chờ doanh nghiệp.
Đa số các doanh nghiệp cho rằng, để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, Nhà nước cần ổn định tỷ giá. Như vậy, doanh nghiệp có thể tính toán được chi phí sản xuất cũng như lên những kế hoạch xuất khẩu trong dài hạn. “Doanh nghiệp xuất khẩu không tăng giá bán ngay được, vì đối với các nhà nhập khẩu, việc đàm phán để tăng giá mặt hàng xuất khẩu là không dễ. Trong khi đó, việc tăng giá đầu vào trong nước lại khá nhanh”, ông Hiệp nhấn mạnh.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com