![]() |
Người tiêu dùng vẫn muốn dùng sữa ngoại dù giá cao. Ảnh: Song Thu. |
Ban Nông nghiệp quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (FAS/USDA) dự báo sản lượng sữa tươi trong năm 2010 tại hầu hết các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Brazil, New Zealand sẽ tăng nhẹ, kéo tổng sản lượng thế giới tăng lên mức 436,53 triệu tấn, cao hơn 6,4 triệu tấn so với năm 2009.
Mức tăng này chủ yếu xuất phát từ sự hồi phục của đàn bò sữa tại một số khu vực quan trọng như Nam Mỹ, EU, châu Úc và Nam Á sau cuộc khủng hoảng gây giảm sút nghiêm trọng số lượng bò sữa trong năm 2009. Tính chung, đàn bò sữa thế giới trong năm 2010 được dự báo sẽ vào khoảng 125,46 triệu con, tăng gần 1 triệu con so với cuối năm 2009. Trong số các nước sản xuất chính, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước được dự báo có mức tăng sản lượng sữa đáng kể nhất với mức tăng lần lượt là 2,84 và 1,8 triệu tấn so với năm 2009. Tốc độ tăng GDP trung bình của các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ ở mức 1,7% trong khi tăng trưởng GDP tại các nền kinh tế đang phát triển được IMF dự báo sẽ ở mức trung bình 4-5%. Như vậy, sự hồi phục kinh tế mạnh hơn trong năm 2010 có thể sẽ giúp cải thiện các giao dịch trên thị trường sữa thế giới. FAS dự báo tổng thương mại thị trường sữa thế giới năm 2010 sẽ đạt khoảng 7,2 triệu tấn, tăng 146.000 tấn so với năm 2009. Về nhập khẩu, sau vụ bê bối melamine khiến người dân tẩy chay sản phẩm sữa nội địa, Trung Quốc đã nổi lên như là một thị trường chính của sữa bột khi nâng tổng lượng nhập khẩu sữa bột từ 46.000 tấn năm 2008 lên gấp ba lần trong năm 2009. Năm 2010, mặc dù nhập khẩu sữa bột nguyên kem dự báo sẽ giảm khoảng 15.000 tấn nhưng Trung Quốc vẫn được xem là nước nhập khẩu lớn trên thị trường toàn cầu (chiếm khoảng 29% tổng thị phần).
Trong xu hướng hồi phục nói chung của kinh tế toàn cầu, giao dịch trên thị trường sữa thế giới được các tổ chức kinh tế dự báo sẽ sôi động trở lại. Giá sữa ngay từ những tháng cuối năm 2009 đã có những cú bứt phá rất mạnh và xu hướng đó được USDA dự báo sẽ tiếp tục chủ đạo trong năm 2010.
Ngoài ra, những yếu tố tác động từ bên ngoài như giá đường tăng nóng và việc người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm ít béo tại nhiều nước phát triển cũng là những yếu tố kích giá sữa thế giới tiếp tục đi lên. Cụ thể, giá sữa tại thị trường Mỹ trong năm 2010 được dự báo sẽ tăng từ 25-35% so với năm 2009, trong đó tăng mạnh nhất là các mặt hàng sữa tươi (tăng 35-36%), sữa bột tách bơ (tăng 33,7%) và phomat (tăng 27,03%). Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô đàn bò sữa cũng như sản lượng sữa tươi của Việt Nam trong năm 2010 sẽ tăng từ 25-30% so với năm 2009. Trong đó Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng vẫn là hai khu vực phát triển chăn nuôi bò sữa trọng điểm. Với kế hoạch trên, ước tính sản lượng sữa trong nước sẽ đáp ứng được khoảng 24-27% tổng nhu cầu tiêu thụ. Về giá cả, báo cáo thường niên thị trường sữa 2009 và triển vọng 2010 của AgroMonitor nhận định trong bối cảnh xu hướng tăng cao của giá thế giới, giá sữa trong nước năm 2010 cũng sẽ tăng trong vòng từ 12-17% so với mức trung bình năm 2009. Lý do thứ nhất và cũng là quan trọng nhất là xu hướng tăng mạnh của giá sữa thế giới vào cuối năm 2009 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là xu hướng chủ đạo sau giai đoạn ngành sữa thế giới lâm vào khủng hoảng và điều chỉnh cơ cấu. Theo đó giá sữa trong nước cũng khó tránh khỏi một chu kỳ tăng giá mới. Thứ hai, giá thức ăn chăn nuôi có khả năng sẽ tăng mạnh khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng trở lại sau hai năm suy thoái kinh tế vừa qua. Thứ ba, thị trường đường trong nước cũng như thế giới đang lâm vào tình trạng mất cân đối cung cầu, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục trong hơn 20 năm qua. Thậm chí Việt Nam đã và đang phải lên kế hoạch nhập khẩu đường trong bối cảnh nguồn cung trong nước tương đối khan hiếm, giá mía nguyên liệu leo thang. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đẩy chi phí đầu vào của ngành sản xuất sữa tăng cao. Cuối cùng, nhiều khả năng trong năm 2010, tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam sẽ còn tiếp tục biến động, gây tác động tiêu cực đến giá sữa nhập khẩu.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com