![]() |
Chưa bao giờ đường được coi trọng như gạo, thực phẩm tươi sống, dầu ăn |
May mà giá đường chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong việc hình thành nên chỉ số CPI của VN. Trường hợp giá đường chiếm tỷ lệ quan trọng, thì chắc chỉ số CPI của ta năm 2009 đã phải tăng theo cấp số... nhân. Đơn cử, thời điểm tháng 1/2009, giá đường tinh luyện bán buôn dao động trong khoảng 7.500 - 7.700 VND/kg, thì tới tháng 8/2009, giá đường đã tăng gấp đôi, lên khoảng 13.000 - 14.000 VND/kg. Thời gian giáp Tết Canh Dần, giá đường bán giao thậm chí vọt lên gần 17.000 VND/kg. Còn tại thị trường bán lẻ, chỉ trong vòng 1 năm giá đường đã tăng gần gấp đôi (từ 12.000-13.000VND/kg lên 21.000-22.000 VND/kg).
Tương tự những ngành sản xuất khác như thép, gạo, cà phê, điều..., ngành mía đường cũng đã hình thành mô hình hiệp hội ngành nghề của riêng mình. Nhưng không vì có hiệp hội này mà giá đường trong nước nói riêng, các DN sản xuất, kinh doanh đường và người sử dụng trong nước nói chung được yên ổn. Hội nghị toàn thể của hiệp hội mía đường tổ chức gần đây đã phơi bày thực tế phũ phàng. Các DN ngành mía đường đua nhau hạ giá để tự cứu mình, mà không thể “nhìn” tới các DN khác. Cần nói rõ, là theo ước tính của Bộ Công Thương, sản lượng đường cả nước niên vụ 2009-2010 đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, thiếu khoảng 300 nghìn tấn so với nhu cầu tiêu dùng của cả nước. Và do vậy, các cơ quan chức năng đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 150.000 tấn đường. Hạn ngạch nhập khẩu này khó có thể trở thành yếu tố có tính chất quyết định ép giá đường sản xuất trong nước giảm, ngay cả khi giá đường thế giới giảm. Cũng có nghĩa là giá đường trong nước giảm do những yếu tố nội tại của ngành mía đường.
Yếu tố nội tại ấy, trước tiên nằm ở vấn đề nguyên liệu. Chênh lệch về giá nguyên liệu mía đường khu vực phía Bắc (trên dưới 700.000 VND/tấn) với phía Nam (có thời điểm lên tới trên 1,5 triệu VND/tấn) làm giá đường thành phẩm giữa hai khu vực này chênh lệch lớn. Đó là nguyên nhân khiến các DN phía Nam phải giảm giá đường, thậm chí giảm dưới giá thành sản xuất.
Thứ hai, từ lâu nay vẫn tồn tại nghi vấn, là đường trong nước đang bị “làm giá”. Có thể thị trường đường trong nước đang bị các nhà đầu cơ đẩy giá xuống thấp để tìm cách tích trữ, rồi lại tạo ra khan hiếm nhằm đẩy giá lên. Còn theo khảo sát của cơ quan chức năng, ở đây là Bộ NN-PTNT, thì giá thành sản xuất đường niên vụ 2008 - 2009 vào khoảng 7.500 VND/kg, trong năm 2009 cũng không quá giá 8.500 VND/kg. Nhưng thời điểm đầu năm 2009, các nhà máy đường đã đồng loạt tăng giá bán đường từ 8.500 VND/kg lên mức xấp xỉ 11.000 VND/kg. Còn thời điểm hiện tại, khi giá đường đã giảm sâu, thì giá đường bán lẻ vẫn giảm không đáng kể. Có nghĩa là, các DN thương mại kinh doanh đường đang được xem như “thủ phạm” khiến giá đường không được bình ổn.
Thực ra thì, đổ lỗi cho các DN kinh doanh thương mại là không công bằng. Từ nhiều năm nay, nếu không có các DN này, thì các DN sản xuất khó có “cửa” để tồn tại. Vì đây mới chính là kênh tiêu thụ và đảm bảo sản lượng sản xuất lớn nhất cho các nhà máy đường. Các DN làm thương mại cũng chính là những người phải “đánh bạc” nhiều nhất với giá đường. Khi giá giảm họ là người bị nhà sản xuất yêu cầu phải “ôm” thêm đường, khi giá tăng chưa chắc họ mua được đủ lượng cần. Đặc biệt khi giá thế giới giảm thì số lỗ vì giảm giá đa phần rơi vào họ. Như vậy, bên cạnh việc cần phải có lượng vốn khổng lồ để kinh doanh đường, thì nhà phân phối cần có thêm khoản dự trữ về tài chính để đảm bảo cho những rủi ro về giá đường. Giá đường bán lẻ tại thì trường trong nước chưa giảm là từ nguyên nhân này. Câu chuyện về giá đường trong nước, vì thế, có thể lý giải bằng nguyên nhân thiếu đối trọng cần thiết đối với hệ thống phân phối. Đối trọng ấy được gọi tên là Nhà nước, với các quy định, ưu đãi về vùng nguyên liệu, giá nguyên liệu, và trong nhiều trường hợp là cả quỹ dự trữ về tài chính để bình ổn giá đường.
* Chỉ tiêu phát triển của ngành đường trong năm 2010 là 1,5 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu thụ của VN mỗi năm tăng khoảng 4,5%, nên tổng nhu cầu tiêu thụ đường trong năm 2010 ước vào khoảng 1,51 triệu tấn. Qua đó, dự báo tình trạng cung không đủ cầu có thể tiếp diễn. Nếu tình hình sản xuất và thu mua mía của các nhà máy không được cải thiện, nguồn nguyên liệu mía không đáp ứng đủ cho các nhà máy thì vẫn có sự cạnh tranh khốc liệt ở đầu vào giữa các DN, cũng như khiến các nhà máy không ngừng đẩy giá thu mua mía lên cao. * Ông Nguyễn Thành Long - TGĐ Casuco đề xuất ba biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Đó là: Nhà nước cần quản lý chặt đường nhập lậu; Có khung thuế suất đường nhập khẩu hợp lý và kịp thời, nhất thiết phải cân đối sao cho bảo vệ đường sản xuất trong nước; Quan tâm đến nguồn tín dụng (lâu nay thường bị khống chế tự động auto stop rất máy móc) đối với tài khoản của DN, nông dân vay trồng mía cũng rất khó khăn. |
(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com