"Giá rẻ” và “hàng nhái, hàng giả” là hai nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp chân chính. Đó là loại hàng không nhãn mác, hàng thấp cấp của Trung Quốc (TQ) tràn ngập các chợ huyện, chợ xã, kể cả các cửa hàng ở các thị trấn vùng nông thôn miền Bắc.
Trong 3 ngày 26, 27 và 28-3, hơn 20 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức phiên chợ Hàng Việt về nông thôn cho người dân huyện Tiền Hải, Thái Bình. Dạo qua tất cả chợ xã ở đây, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây vẫn chuộng hàng TQ hơn.
Đi ra nông thôn miền Bắc, doanh nghiệp phía Nam lại hiểu thêm về thị hiếu tiêu dùng ở vùng này để chuẩn bị cho những phiên chợ tiếp theo. Trong Nam, các loại mâm inox khó bán thì mặt hàng này ở Tiền Hải, Thái Bình lại bán rất chạy. Nhiều người cầm bộ quần áo mặc ở nhà của Vinatex fashion lên, tần ngần hồi lâu rồi bỏ xuống. Họ tâm sự, bộ đồ này, ngoài chợ chỉ 40.000 - 50.000 đồng, biết hàng này tốt, mặc mát nhưng giá cao hơn hàng TQ (?!).
Các cô gái trẻ mặc áo gió hiệu Gucci, D&G (hàng nhái của TQ) rất vui vẻ nói với chúng tôi: “Ở đây ai cũng mặc hàng giả hiệu thế này, không mặc còn bị chê là… quê! Hàng hiệu Việt Nam thì chúng em có nghe nhưng chưa từng thấy, mà chắc đắt hơn hàng TQ rồi”. Cái sự rẻ của hàng TQ thì cả thế giới đều biết. Vậy phải lấy gì bù vào chỗ giá mình không thể rẻ bằng hoặc hơn hàng trôi nổi của họ? Câu hỏi đó đã khiến doanh nghiệp nội địa nhức đầu.
Nhiều người dân cho rằng, phiên chợ hàng Việt kiểu này còn ngắn ngày và chưa đủ các loại mặt hàng. Qua đợt chợ phiên hàng Việt về nông thôn lần này, ông Trần Thế Hương, Trưởng phòng Công thương huyện Tiền Hải đã nói với chúng tôi: “Hàng Việt muốn cạnh tranh với hàng TQ phải chịu khó đi về vùng sâu, vùng xa để giới thiệu cho bà con biết hàng Việt tốt hơn hàng TQ”. Thì ra, với bà con vùng nông thôn phía Bắc, hàng rẻ không thôi chưa đủ mà phải tuyên truyền để bà con hiểu lợi - hại trong việc sử dụng hàng Việt Nam.
Sau đó, các công ty phải tiếp tục mở đại lý, điểm bán để người dân có thể tìm mua. Chứ chợ phiên hàng Việt “năm thì mười họa” mới về bán vài ngày rồi sau đó lại nhường thị trường ấy cho hàng TQ thì thật khó cho hàng Việt trụ lại ở chợ quê.
(Theo XUÂN DUNG // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com