Đó là khẳng định của Cục quản lý cạnh tranh tại buổi hội thảo “Giá sữa và vấn đề kiểm soát” tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Để xác minh thông tin có hay không chuyện giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới, Cục Quản lý cạnh tranh đã khảo sát mặt hàng sữa bột nguyên hộp nhập khẩu tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Sau khi thu thập giá 100 loại sữa khác nhau thuộc 10 hãng sữa, do tên gọi không đồng nhất và có loại ở Việt Nam ít được bày bán ở các nước nên Cục chỉ chọn ra 20 loại sữa. Các loại sữa này thuộc 7 hãng sữa lớn là Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, Friso, XO, Dutch Lady nhập khẩu vào các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.
Kết quả cho thấy, giá sữa của Việt Nam vào hàng cao nhất. Sữa Ensure Gold, Pedia Sure (của Abbott) nhập khẩu từ Mỹ, giá ở Việt Nam cao hơn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia 20 - 30%. Sữa Enfa Grow, Enfakid, Enfa Mama... (của Mead Johnson) nhập khẩu từ Mỹ tại Việt Nam cũng cao hơn Thái Lan từ 20 - 70%. Sữa của Nestle nhập khẩu từ nhiều nước vào Việt Nam bán cao hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia từ 10 - 65%. Friso nhập khẩu từ Hà Lan, tại Việt Nam giá bán cao hơn so với Malaysia, Singapore từ 10 - 60%.
Đặc biệt là sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng Dumex tại Việt Nam cao hơn các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 130 - 220%. Với dòng sữa XO, nhóm nghiên cứu không thu thập được hết các chủng loại XO như bán ở Hàn Quốc nhưng giá của XO hương vani tại Việt Nam cũng cao hơn khoảng 26 - 30% giá bán ở Hàn Quốc.
Tiến sĩ Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh) phân tích:“Thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào Việt Nam không quá 10% và vẫn còn thấp hơn nhiều so với thuế nhập khẩu vào Thái Lan (thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Thái Lan dao động 9 - 40%, tùy thuộc vào mã hàng và xuất xứ). Tuy nhiên, giá hầu hết các mặt hàng sữa bột tại Việt Nam cao hơn ở Thái từ 20 - 60%, có trường hợp còn cao hơn 100%. Đây là điều rất bất hợp lý. Đối với các nước Indonesia, Malaysia, thuế nhập khẩu thấp hơn so với Việt Nam (dao động từ 0 - 5%). Nếu giá ở Việt Nam có đắt hơn cũng chỉ khoảng từ 0 - 10%. Tuy nhiên, trên thực tế giá ở Việt Namcao hơn từ 25 - 30%, có trường hợp cao hơn 200%”.
Một số hãng sữa lý giải giá sữa nhập khẩu tăng cao vì sự tăng lên của tỷ giá và chi phí quảng cáo đã chiếm tới 56% giá sữa. Thế nhưng, theo bà Nga, điều này là không hợp lý vì mức tăng tỷ giá hối đoái chỉ từ 6 - 8%, không thể biện hộ cho giá bán lẻ sữa nhập khẩu cao như hiện nay.
Tại hội thảo, ông Vương Trí Dũng (Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) nhận định:“Không phải mọi loại sữa nhập khẩu cao đều bán giá cao. Vấn đề ở đây là cần xem xét kỹ thực tiễn phần chênh lệch giữa giá nhập và giá bán lẻ. Không ngoại trừ vấn đề hạ thấp giá nhập khẩu khi tính thuế nhằm gian lận thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp. Giữa nhà nhập khẩu với công ty xuất khẩu có sự thỏa thuận gửi giá, hạ giá nhập khẩu”.
Ông Trần Đình Điển - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất:“Bộ Công thương cần chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh xem xét hành vi liên kết độc quyền của các doanh nghiệp phân phối độc quyền từ những hãng sữa bột ngoại nhập. Với Bộ Y tế, cần tăng cường kiểm tra chất lượng sữa và công khai các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Về phía mình, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện theo dõi tình hình biến động giá sữa, thực hiện các biện pháp kiểm tra giám sát, xử lý các trường hợp tăng giá quá mức theo quy định của pháp luật”
(Theo Lưu Vân // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com