Bộ Công thương đang dự định thực hiện hàng loạt biện pháp hành chính mạnh mẽ nhằm hạn chế nhập siêu vào cuối tháng 12. Song nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần tính toán cẩn trọng cách thức, liều lượng, thời điểm thực hiện để đảm bảo đạt hiệu quả và hạn chế tối đa “tác dụng phụ” cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội), lo ngại, biện pháp này, dù ngắn hạn vẫn làm méo mó hoạt động kinh tế và đảo lộn kế hoạch của doanh nghiệp (DN). “Dù thị trường khan hàng thực sự hoặc giả tạo và người tiêu dùng “nhịn” mua sắm đến hết tháng 12, rất có thể người bán vẫn áp đặt giá cao hơn bình thường sang đầu năm 2010”, ông Thành nói.
6 nhóm hàng lọt “tầm ngắm”
Đến hết tháng 11, nhập siêu đạt hơn 10,4 tỷ USD, gần chạm giới hạn Chính phủ giao cho ngành Công thương (năm 2009, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 11 tỷ USD). Do đó, Bộ Công thương ráo riết bàn bạc các giải pháp hạn chế nhập siêu cuối tháng 12.
Lãnh đạo Bộ tuyên bố sẽ hạn chế tối đa nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu như ô tô, điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu, thực phẩm, rau quả. Đồng thời, Bộ Công thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ hoặc dừng không cho vay ngoại tệ nhập khẩu đối với những mặt hàng xa xỉ trong tháng 12.
Đặc biệt, có thể kéo dài thời gian thông quan để doanh nghiệp thận trọng cân nhắc nhập khẩu những mặt hàng chưa thực sự cần thiết tại thời điểm hết sức “nhạy cảm” này… Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh cho biết, đây là các giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, chỉ đạo doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường xử lý hàng nhập lậu qua biên giới, đặc biệt là hàng xa xỉ phẩm…
Rào đón khả năng tăng giá
Đến ngày 10/12, mặc dù cơ quan quản lý chưa có văn bản chính thức về những biện pháp kiểm soát nhập siêu, song nhiều doanh nghiệp, đại lý nhập khẩu hoặc kinh doanh những nhóm hàng nằm trong “tầm ngắm” đã rào đón khả năng tăng giá. Đại diện Công ty L’Oreal Vietnam cho biết, đã nhập khẩu đủ lượng mỹ phẩm phục vụ dịp Giáng sinh, tết nguyên đán, song vẫn “giật mình” vì lo ngại chủ trương mới tác động mạnh đến thị trường khiến giá cả tăng cao.
Chủ cửa hàng Nokia ở số 9 Hàng Mắm (Hà Nội) Vũ Gia Huấn, phân tích, gần như 100% điện thoại di động tiêu thụ tại Việt Nam do nước ngoài sản xuất. Mặt hàng này ngày càng phổ biến, sức mua lớn, người tiêu dùng khó có điều kiện kiểm định chất lượng, giá cả. Vì thế, có thể giới kinh doanh sẽ lợi dụng chủ trương hạn chế nhập khẩu ngắn hạn để “thổi” giá.
“Thị trường ô tô giá đã tăng vọt giờ lại thêm lo ngại các nhà sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu vin cớ khan hàng để đẩy giá lên cao hơn”, ông Phan Xuân Đông, nguyên Giám đốc chi nhánh phía Bắc của Công ty CP ô tô Âu châu, nhận định và cho rằng, biện pháp hạn chế nhập ô tô trong vài tuần cuối năm mang nặng tính “chạy chỉ tiêu” hơn là kiềm chế nhập siêu.
Thủ thuật “dồn” hạn ngạch?
PGS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, nhận xét, nếu hạn chế nhập siêu bằng cách kéo dài thời gian thông quan (hàng đã về đến cảng rồi thì “chờ” đến tháng sau mới thông quan) chỉ là thủ thuật “dồn” hạn ngạch nhập siêu sang năm 2010.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, nhận định, biện pháp này nặng về hình thức và tạo con số nhập siêu giả tạo. “Những lô hàng nhập về Việt Nam trong tháng 12 đã được doanh nghiệp ký hợp đồng và thanh toán một phần tiền cho đối tác từ lâu rồi. Dù có thông quan chậm, kim ngạch nhập khẩu đó vẫn tính sang năm 2010 chứ có hạn chế được nhập siêu đâu. Vậy tác dụng đạt được đến đâu?”, bà Lan phân trần.
Bà Phạm Chi Lan cũng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu bài toán hạn chế nhập siêu bằng những giải pháp dài hạn như đầu tư cho sản xuất trong nước (đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo) đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, mở rộng hệ thống phân phối và hỗ trợ xuất khẩu chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính ngắn hạn mang tính “giật cục”.
(Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com