Panasonic và Toyota cũng như Nissan đã công bố các thiệt hại về tài sản do người biểu tình Trung Quốc gây ra. Hãng Canon đóng cửa một số dây chuyền sản xuất; hãng bán lẻ thời trang Uniqlo ngừng hoạt động ở một số nơi, và che biển quảng cáo ở một số nơi khác trên đất Trung Quốc, trong khi nhiều người nước này đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật.
Phong trào tẩy chay nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho Nhật Bản, nó phản ánh một nguy cơ mang tính chính trị đối với việc làm ăn ở nước ngoài, mà trong trường hợp này là ở Trung Quốc, nơi các diễn biến tương đối khó lường.
Nguy cơ này luôn gây khó cho các doanh nghiệp, nhưng bởi vì thị trường Trung Quốc quá lớn, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải chấp nhận "nguy cơ chính trị mang màu sắc Trung Quốc", và coi đó là một phần của môi trường kinh doanh, James Parker, chuyên gia tư vấn kinh tế tài chính, làm việc 8 năm tại Bắc Kinh, nhận xét.
Những người quan tâm đến Nhật Bản và Trung Quốc còn nhớ sự kiện giữa năm 2010, khi tuần duyên Nhật bắt tàu cá và thuyền trưởng người Trung Quốc với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nhật. Một làn sóng biểu tình khi đó dấy lên cùng những lời kêu gọi tẩy chay.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, các nhãn hiệu lớn ngày nay cũng được coi như một biểu tượng quốc gia, chẳng khác nào quốc kỳ hoặc các đại sứ quán. Nếu một nhãn hiệu nào đó thành công lớn ở nước ngoài, nó cũng sẽ trở thành cái bia đỡ đạn đầu tiên mỗi khi người tiêu dùng sở tại bực tức.
Các công ty Nhật nhiều khả năng sẽ đối mặt với một thời kỳ khó khăn trong những tháng tới ở Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh không hề đưa ra một biện pháp trả đũa kinh tế nào. Nhưng báo chí chính thống của Trung Quốc đã đề cập đến vấn đề này, coi đó là một trong những lá bài. Với mức tiêu thụ 20% hàng xuất khẩu của Nhật, thị trường Trung Quốc là cả một vấn đề lớn đối với các công ty của quốc đảo.
Tuy nhiên việc công khai trừng phạt sẽ rất khó, bởi theo các quy định của WTO điều đó là khó khả thi, vả lại nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Thế nhưng, ngoài hai cách là người tiêu dùng tẩy chay và các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc còn vũ khí thứ ba.
Tẩy chay phi chính thức là điều có thể diễn ra ở Trung Quốc, bởi tại đây các công ty quốc doanh có đầy quyền lực và phạm vi ảnh hưởng của lĩnh vực quốc doanh rất lớn, Parker nhận xét trên tờ The Diplomat. Có các tài liệu cho thấy những nước từng làm mất lòng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng như thế nào đến thương mại.
Hai học giả của Đại học Goettingen ở Đức mới xuất bản một tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng thương mại đối với các nước từng đón tiếp Dalai Lama, người mà Trung Quốc coi là thủ lĩnh phong trào ly khai trái phép của người Tây Tạng.
Hai học giả này chỉ ra rằng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước đó có thể giảm từ 8,1 đến 16,9% và sẽ còn gặp khó khăn trong vòng hai năm sau đó. Theo nghiên cứu này, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi kiểu "tẩy chay không tuyên bố" là máy móc hạng nặng và giao thông, đều thuộc phạm vi ảnh hưởng mạnh của các công ty quốc doanh.
Con dao hai lưỡi
Cho dù thế lực và ảnh hưởng của nền kinh tế số 2 thế giới lớn đến đâu, hình thức trừng phạt thương mại nào cũng là con dao hai lưỡi. Các công ty trên thế giới sẽ được nhắc nhớ về các nguy cơ khi làm ăn ở nước này, và nếu tiền bảo hiểm đầu tư tăng lên tức là chi phí tăng lên, sẽ làm chùn bước người định bỏ vốn.
Các công ty nước ngoài khi làm ăn ở Trung Quốc đều tạo ra việc làm và đóng thuế, cung cấp các sản phẩm mà người Trung Quốc muốn dùng. Quan trọng hơn, người Nhật cũng mua các sản phẩm mà Trung Quốc làm ra. Tẩy chay trả đũa lẫn nhau khiến cả đôi bên thiệt hại. Các công ty đang có ý định đầu tư vào hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc sẽ nghĩ đến các nước khác.
Vì thế, sau những lời ủng hộ ý muốn tẩy chay mà dân chúng đưa ra tuần trước, hôm qua giới chức Trung Quốc bắt đầu nhắc đến nguy cơ ảnh hưởng tới thương mại của cả đôi bên trên các báo lớn, như China Daily.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại của Nhật, và đó "là điều chúng ta không mong xảy ra", Shen Danyang, phát ngôn viên bộ này phát biểu tại họp báo hôm thứ tư.
Trung Quốc và Nhật đang đàm phán về khả năng thiết lập khu vực mậu dịch tự do FTA. "Tranh chấp sẽ có tác động nghiêm trọng, thậm chí là quyết định đến việc đàm phán FTA", ông Yao Haitian, nghiên cứu viên của Viện Nhật Bản tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói.
Huo Jianguo, chủ tịch Viện Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế của Bộ Thương mại Trung Quốc, cũng cho rằng tranh chấp biển đảo sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư và thương mại của Nhật ở Trung Quốc.
"Thương mại hai chiều sẽ giảm mạnh hơn nữa trong tháng 9 và 10, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại do các nhà đầu tư lo ngại về sự an toàn".
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc phải tìm các biện pháp vực nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, thì sự suy giảm trong thương mại và đầu tư chắc hẳn không phải là điều họ mong muốn. Giới quan sát cho rằng trước sức ép từ dân chúng muốn chính phủ mạnh hơn trong tranh chấp chủ quyền, giới chức Trung Quốc đang xoay sở giữa việc đáp ứng phần nào đòi hỏi của công chúng, với việc giảm thiểu thiệt hại do những hành động quá khích gây ra đối với ngoại giao và kinh tế.
Chuyên gia Yao của Viện Nhật Bản e rằng nếu môi trường làm ăn không còn hấp dẫn, các nhà đầu tư Nhật sẽ nhắm tới các nước khác.
"Họ sẽ đẩy dòng vốn Nhật di chuyển khỏi Trung Quốc để đến các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan và Việt Nam".
Theo Thanh Mai
VnExpress
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com