Hàng tỉ USD nhập khẩu hàng đắt tiền: Tiêu dùng quá đà
( Tác giả: CẦM VĂN KÌNH // Theo Báo Tuổi Trẻ )
Sau nhiều loại xe hơi sang trọng, nhiều loại tivi, máy tính, điện thoại di động đắt tiền tiếp tục chảy vào VN trong khi thu nhập của đại đa số dân cư còn rất thấp, kinh tế vẫn còn loay hoay với bao khó khăn.
Số ngoại tệ kiếm được từ xuất khẩu hàng may mặc, nông lâm thủy sản... đã được tiêu dùng quá ư thoải mái.
![]() |
Sau các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, máy điện thoại iPhone đang hút khách hàng kể cả học sinh phổ thông - Ảnh: T.T.DŨNG |
Trong ba tháng đầu năm VN đã chi hàng tỉ USD để nhập khẩu ôtô, xe máy, hàng điện tử (gồm cả điện thoại iPhone)... Chính những nhóm mặt hàng này đã góp phần đẩy con số nhập siêu (nhập nhiều hơn xuất) lên đến 3,5 tỉ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, trong khi kim ngạch xuất khẩu ba tháng đầu năm chỉ ở mức hơn 14 tỉ USD thì nhập khẩu đã tăng vọt lên hơn 17,5 tỉ USD. Trong đó có không ít mặt hàng nhập khẩu thuộc nhóm hàng tiêu dùng xa xỉ, nhóm hàng trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được.
Nhập khẩu đủ thứ
Điều đáng nói là ngoài các mặt hàng nhập về để sản xuất như máy móc thiết bị, xăng dầu, VN vẫn phải nhập rất nhiều vàng bạc đá quý (tăng tới trên 200 triệu USD so với cùng kỳ 2009). Các mặt hàng điện tử, máy tính (trong đó có điện thoại iPhone) trong quý 1-2010 ở mức hơn 1 tỉ USD, tăng đến 53,1% so với cùng kỳ năm ngoái...
Kim ngạch nhập khẩu ôtô (gồm cả linh kiện) cũng ở mức rất cao, ước hơn 582 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2009. Cũng trong quý 1, VN đã chi 207 triệu USD để nhập xe máy (gồm cả linh kiện), tăng 38%.
Không chỉ nhập siêu ở nhiều thị trường, VN còn nhập rất nhiều mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, nếu không nói là có thế mạnh của VN như: da bò, bột ngô, đậu tương..., thậm chí cả giấy loại với giá trị không nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính trong quý 1-2010 VN đã chi 623 triệu USD để nhập thức ăn chăn nuôi, tăng 136% so với cùng kỳ 2009.
![]() |
Nhóm mặt hàng ôtô, điện tử, xe máy... nhập khẩu tăng mạnh trong quý 1-2010 - Nguồn: Tổng cục Thống kê, Đồ họa: vĩ cường - Ảnh: T.T.D. |
Do “sính ngoại” và cơ chế
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương với các tập đoàn cuối tháng 3-2010, ông Nguyễn Gia Tường, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN, cho rằng VN nhập siêu một phần do thực trạng “sính ngoại” của cả người dân và doanh nghiệp. Theo ông Tường, ở lĩnh vực phân bón, VN đang tồn kho khoảng 300.000 tấn phân bón (trong đó có 160.000 tấn phân NPK) và các doanh nghiệp phân bón trong nước đang phải sản xuất dưới công suất thiết kế. Tuy nhiên các doanh nghiệp VN lại đang nhập phân NPK.
Ông Lương Tấn Đức, phó tổng giám đốc Tổng công ty Giấy, nêu cơ chế hiện nay cũng khiến các doanh nghiệp thích nhập khẩu hơn mua trong nước. Theo ông Đức, hiện VN vẫn phải nhập giấy loại về để sản xuất. Ông Đức cho rằng mua trong nước khổ hơn vì người bán ve chai không có hóa đơn đỏ. Thế là mỗi cục thuế tính một kiểu nên doanh nghiệp rất ngại...
Ông Ngô Văn Trụ, vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, cũng cho rằng nhiều sản phẩm công nghiệp của VN so với Trung Quốc không thua kém nhưng doanh nghiệp vẫn thích mua hàng Trung Quốc. “Thiết bị phụ trợ hay cả hệ thống điều khiển nhà máy điện, VN đều có thể tích hợp làm nhưng nhiều công trình hiện nay vẫn nhập”.
Theo ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN: “Cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn đơn điệu, chủ yếu gạo, thủy sản, dệt may, dầu thô... trong khi lại nhập các mặt hàng đắt tiền và cả hàng tiêu dùng với giá trị cao. Ta làm, xuất khẩu được 10 đồng thì nhập về đã mất 9 đồng, cộng với nhập máy móc từ nước ngoài nữa thì nhập siêu là khó tránh khỏi”. Vì vậy, theo ông Quang, VN cần đánh thuế cao các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền. Ông Quang cho rằng VN cần có cách làm căn cơ, bài bản hơn trong đầu tư để thúc đẩy sản xuất bởi một quốc gia không thể phát triển tốt nếu cứ mua về nhiều hơn cái mình có thể làm ra và bán đi.
( Tác giả: CẦM VĂN KÌNH // Theo Báo Tuổi Trẻ // Tinkinhte.com đặt lại tựa)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com