Cho tới thời điểm này, kinh tế Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Đây vẫn được khuyến nghị là hướng đi trong ngắn hạn khi việc thay đổi chiến lược kinh tế chưa cần phải đặt ra. "Vấn đề cần được giải quyết ngay là Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu hàng hoá cơ bản", ông Arkadie nói.
Lý do, theo ông Arkadie, về phía cầu, gia tăng sản lượng cho các sản phẩm xuất khẩu có thể sẽ phải trả giá bằng tình trạng rớt giá như đã xảy ra với cà phê, gạo mà Việt Nam đã gặp phải khi đã trở thành nhà cung cấp thứ hai, thứ ba thế giới.
Về phía cung, dự trữ tài nguyên thiên nhiên sẽ cạn kiệt, tỷ lệ gia tăng sản lượng nông nghiệp sẽ khó duy trì.
Với các sản phẩm công nghiệp chế tác đơn giản, tình trạng lao động khan hiếm cộng với sự gia tăng của tiền công sẽ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nhân công giá rẻ tại Việt Nam trước đây xem xét lại các kế hoạch đầu tư của họ.
"Nhìn vào tương quan xuất khẩu vào Trung Quốc của một số quốc gia ASEAN, thì Malaysia, Philippines và Thái Lan đạt được mức thặng dư thương mại nhờ tỷ trọng hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, thiết bị và máy móc thiết bị. Trong khi đó, Indonesia và Việt Nam thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc bởi xuất khẩu chủ yếu nông sản thô, dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác", ông Jonathan Pincus, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Chương trình Harvard Việt Nam bình luận và nhấn mạnh, ngay cả kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã gánh đỡ hoạt động ngoại thương của Việt Nam vào năm ngoái, nhưng tỷ trọng nhập khẩu cúc áo, vải vóc ... từ Trung Quốc cũng rất lớn, nên phải được tính tới khi phân tích về mô hình tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.
Rõ ràng, cơ hội để tạo giá trị gia tăng lớn hơn từ xuất khẩu sẽ chỉ có thể đạt được khi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thay đổi theo hướng đi vào các lĩnh vực chế tạo với giá trị cao hơn. Khi đó, tiền công tăng không phải là gánh nặng, mà còn là động lực để thu hút đầu tư mới. Vì, để xây dựng mô hình xuất khẩu mới theo hướng này, hai yếu tố cần thiết là nguồn nhân lực có đào tạo chuyên sâu và khả năng, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong sản xuất các mặt hàng công nghiệp mới.
Hàm ý mà các chuyên gia muốn nhấn mạnh ở đây là, các chính sách của Chính phủ cần theo hướng khuyến khích trong chuyển hướng các dòng vốn, đặc biệt là chiến lược phát triển công nghiệp, vào sản phẩm mới, có hàm lượng giá trị gia tăng cao và khả năng chuyển giao công nghệ mạnh mẽ. Các chính sách sử dụng nguồn tài nguyên cũng phải được điều chỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả và không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu thô. Trong kế hoạch chuyển hướng này, vai trò của FDI và khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng hơn do tính linh hoạt và khả năng sáng tạo cao. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, chất lượng của đổi mới và sáng tạo lại đang là vấn đề. Trong khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thực hiện cuối tháng 12/2009, tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành đổi mới sản phẩm trong năm khá cao, tới 78,6%, song doanh thu từ sản phẩm mới này lại thấp. Cùng với đó, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp rất thấp.
Trong khi đó, ông Pincus cũng cho rằng, nguồn vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên không thể đóng vai trò lớn trong nền kinh tế giai đoạn tới. Song để thu hút dòng vốn này vào các ngành sản xuất cao hơn, bài toán nhân lực, trong đó có cả nhân lực quản lý doanh nghiệp và quản lý công lại là thách thức lớn.
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com