Quý 1, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 8 tỉ USD, tăng 29,3 %, trong khi nhập khẩu khoảng 7,1 tỉ USD, đạt mức xuất siêu 0,9 tỉ USD. Nhưng thực tế, nếu không kể dầu thô, khối doanh nghiệp này vẫn nhập siêu hơn 400 triệu USD trong quý 1.
Mặc dù kỳ vọng khu vực FDI là nơi sản xuất phải hướng về xuất khẩu (Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI xuất khẩu trên 80% sản phẩm sản xuất ở Việt Nam), nhưng thực chất, kết quả xuất, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI trong mấy năm qua là nhập khẩu tăng nhanh và thường cao hơn kim ngạch xuất khẩu.
Một thống kê mới công bố của tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong các năm 2006 – 2009 chiếm khoảng 36% so với kim ngạch nhập khẩu cả nước. Riêng năm 2009, thiết bị, máy móc chiếm khoảng 6%, nguyên vật liệu chiếm khoảng 26% của cả nước và tương ứng chiếm khoảng 15% và 70% so với kim ngạch nhập khẩu của khối FDI. Ở khu vực FDI, kim ngạch nhập khẩu thường cao hơn kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%/năm. Tốc độ tăng nhập khẩu của khối này trung bình khoảng 30%/năm.
Theo ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, do Việt Nam là một nước có trình độ kỹ thuật kém phát triển, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị nên khu vực FDI gây thâm hụt thương mại rất lớn là một thực tế dễ hiểu. “Hoạt động FDI tuy được hướng về xuất khẩu nhưng do phải lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, lại chưa tạo lập và khai thác các ngành công nghiệp phụ trợ để tạo động lực cho phát triển sản xuất trong nước cho nên, khu vực này không chỉ gây ra thâm hụt thương mại lớn mà còn là tác nhân làm thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai”, ông Thiên nhận xét.
Ở khu vực FDI, kim ngạch nhập khẩu thường cao hơn kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%/năm. Tốc độ tăng nhập khẩu của khối này trung bình khoảng 30%/năm. |
Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI thường vẫn cao hơn xuất khẩu cũng có cơ sở khách quan là do Việt Nam còn phải tăng cường thu hút vốn FDI, số dự án FDI còn phải tăng nhiều và để thực hiện dự án, nhà đầu tư trước hết phải đầu tư tạo tài sản cố định. Nhưng, một chuyên gia trong ngành công thương – một ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất lại cho rằng, trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường lấy mục tiêu tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam là chính, sau đó mới tính đến xuất khẩu.
Hiệu quả kinh tế đem lại cho Việt Nam từ hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp FDI theo một số chuyên gia kinh tế là không cao. Bởi, nhiều doanh nghiệp FDI hầu như không hạch toán lợi nhuận do toàn bộ giá trị sản phẩm ở các doanh nghiệp này được xuất khẩu, qua một số khâu khác mới hình thành giá bán. Nên Việt Nam không thu được đồng thuế giá trị gia tăng nào trong khi các doanh nghiệp FDI được hoàn thuế.
Còn trong việc sản xuất hàng tiêu thụ tại Việt Nam thì phần lớn các nguyên vật liệu chính (như sản xuất bột ngọt, giày thể thao, bột giặt...) đều nhập khẩu. Tình trạng “gửi giá” vào máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu ở khu vực doanh nghiệp FDI cũng là yếu tố làm cho giá nhập khẩu thường cao hơn mức thực tế, khiến cho các doanh nghiệp FDI lãi thật, lỗ giả mà cơ quan thuế thu được ít thuế thu nhập doanh nghiệp từ khối này.
Cho nên, mặc dù vẫn khẳng định, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định ban đầu hay nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp FDI là cần thiết nhưng tình trạng nhập nhiều hơn xuất của khối doanh nghiệp này đã đặt ra vấn đề phải kiểm soát, hạn chế lượng hàng nhập khẩu ở khu vực này. Gần đây, các bộ, Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Tài chính cũng đã ngồi lại bàn với nhau để có giải pháp chống nhập siêu trong khu vực FDI. Một số biện pháp được gợi ý là: rà soát lại các ưu đãi hiện hành cho doanh nghiệp FDI để điều chỉnh, hạn chế bớt diện được miễn thuế tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu sản xuất; tạo rào cản kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để tạo tài sản cố định như: hạn chế năm sản xuất, công nghệ, đánh giá đúng mức quan trọng của thiết bị nhập về trong dây chuyền sản xuất; thẩm định chính xác về giá nhập…
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com