Mỗi vùng, miền trên đất nước Việt Nam đều có những loại trái cây đặc sản. Tuy nhiên, từ chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm… đến sức cạnh tranh trên thị trường còn rất yếu. Do vậy trái cây Việt Nam đã bị lấn lướt ngay trên "sân nhà" chưa nói đến xuất khẩu.
Vấn đề "nóng" này đã được bàn thảo tại hội thảo "Trái cây Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế", một điểm nhấn trong chương trình Festival Trái cây Việt Nam tổ chức tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 19-4 đến 24-4.
Một festival chưa đủ
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 776.000ha cây ăn trái, sản lượng mỗi năm 7-8 triệu tấn, trong đó có nhiều loại ngon như cam Canh, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn, bưởi da xanh, thanh long Bình Thuận… Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam chỉ đạt 438 triệu USD trong tổng kim ngạch 15,3 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, quá khiêm tốn so với tiềm năng. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu trái cây năm 2009 của Thái Lan đạt trên 800 triệu USD.
Gian hàng của Hà Nội tại Hội chợ Trái cây Việt Nam. Ảnh: Hữu Hoài |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, nguyên nhân chính là do sản xuất trái cây ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng và mẫu mã hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường. Công nghiệp chế biến rau quả chậm phát triển, không ít cơ sở chế biến xây dựng xong chỉ hoạt động trong thời gian ngắn đã phải đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng. Trong chuỗi giá trị gia tăng gắn kết sản xuất - thu mua - chế biến, bảo quản- tiêu thụ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển ngành trái cây. Một trong những tồn tại lớn trong ngành trái cây là bảo quản sau thu hoạch quá kém và lạc hậu. Riêng việc bảo quản, đóng gói không đúng quy cách đã làm tổn thất sau thu hoạch đến 20%. Đó là chưa kể đến chuyện phát triển cây ăn quả theo phong trào diễn ra khắp nơi dẫn đến tình trạng "trồng - chặt" bừa bãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho rằng, hiện nay sản xuất nông nghiệp không chỉ chú trọng đến năng suất, sản lượng, mà đòi hỏi phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù hiện nay Tiền Giang đã có các mô hình sản xuất sạch theo GlobalGAP, VietGAP… nhưng diện tích không lớn. Nếu chậm phát triển các mô hình sản xuất theo hướng GAP, tiêu chuẩn GlobalGAP thì trái cây có thể thua ngay trên sân nhà. Theo ông Khang, Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất là cơ hội tốt để xúc tiến các hoạt động thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhưng với một số tồn tại lớn trong ngành trái cây chưa được hóa giải thì một festival khó nâng tầm được trái cây Việt Nam.
Phải chuyên canh, chuyên nghiệp
Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành trái cây Việt Nam, theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, bên cạnh vai trò hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần nhanh chóng quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn trái lớn, sản xuất theo hướng GAP, tiêu chuẩn GlobalGAP. Mỗi tỉnh chỉ nên lựa chọn 1-2 loại cây ăn trái để hướng đến nền sản xuất lớn. Nhà nước nên đứng ra làm đầu mối chỉ huy, chỉ đạo, ưu tiên cho các vùng vay vốn sản xuất, chế biến… Có thể học tập mô hình của Trung Quốc và Thái Lan, mặc dù diện tích đất để trồng cây ăn quả không lớn nhưng họ biết cách tổ chức sản xuất thành các vùng chuyên canh có sự tham gia của nhiều hộ nông dân thông qua hợp tác xã kiểu mới nên quy mô sản xuất lớn, sức cạnh tranh cao, thương hiệu trái cây được khẳng định. Ngoài tăng cường hỗ trợ hạ tầng cho các vùng sản xuất, cũng cần ưu tiên nghiên cứu các ứng dụng tiến bộ khoa học và chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân trồng cây ăn quả trong những năm qua chưa được bao nhiêu.
Thanh long, một trong những trái cây xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam |
Ông John Hey, tạp chí Asiafruit (Trái cây châu Á) cho biết: Khuynh hướng nhập khẩu rau, quả tươi tiêu dùng trên thế giới hiện nay rất lớn, nhất là thị trường Mỹ và EU. Riêng 16 nước Tây Âu mỗi năm nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn với kim ngạch 73 triệu USD rau, củ, quả tươi và sẽ tăng trong những năm tới, bình quân tăng khoảng 1,4 triệu tấn mỗi năm. Thị trường này chủ yếu là người kinh doanh bán lẻ thường tìm nguồn cung cấp chất lượng tốt, chú trọng đến chất lượng sản phẩm trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, kinh doanh và các yêu cầu như xuất xứ hàng hóa, chất lượng sau thu hoạch, dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ, quả tươi, ô nhiễm môi trường sống.
Theo ông John Hey, mặc dù EU và Mỹ là thị trường lớn nhưng họ chỉ biết đến xuất khẩu lúa gạo mà thiếu thông tin về tiềm năng xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, thông tin, tăng sức cạnh tranh vào thị trường mới tiềm năng này. Đây là thị trường đòi hỏi phải có những nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Nếu tiếp cận một cách linh hoạt, sản xuất theo hướng GAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, cộng với chi phí vận chuyển hợp lý, chắc chắn trái cây Việt Nam sẽ đứng vững ở thị trường khó tính này.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố khoảng 14.200ha, chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay thành phố mới quy hoạch phát triển được hai vùng trồng cây ăn quả nhưng chưa có sản phẩm, còn lại là trồng trọt tự phát. Việc duy trì và phát triển một số cây ăn quả đặc sản của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, vì vậy người tiêu dùng chủ yếu mua trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com