Xe NK của các DN trong nước có nhiều mẫu mã để lựa chọn |
Aiđang nhập khẩu ôtô cả cũ lẫn mới ? Nhiều, rất nhiều và chính vì thế cũng có nhiều vấn đề đặt ra quanh chuyện nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đặt vấn đề xoay quanh câu hỏi: Tại sao các liên doanh lại thua kém các DN khác trong việc nhập khẩu, phân phối các nhãn hiệu xe của chính hãng mình, tập đoàn mình ? Liệu có sự gian lận về giá tính thuế đối với một số DN hay không ?
Thế của ông lớn
Mới đây, tập đoàn ôtô Thành Công trở thành đối tác duy nhất của Hyundai Motor (Hàn Quốc) nhập khẩu, lắp ráp và phân phối các sản phẩm ôtô du lịch mang nhãn hiệu Hyundai tại thị trường VN. Điều đó là bình thường, nhưng vấn đề ở chỗ trước đó, cách đây mấy năm cũng đã có một DN khác cũng đã ký hợp tác với Hyundai với những cam kết tương tự, cũng nhập khẩu, phân phối, lắp ráp... các sản phẩm ôtô du lịch mang nhãn hiệu Hyundai duy nhất tại VN. Đó là Cty CP ôtô Hyundai VN và bản thân Cty này cũng đang nhập khẩu, bán hàng bình thường. Vậy vấn đề đặt ra là Cty nào là duy nhất hay cả hai đều duy nhất, mối liên hệ thế nào ? Liệu có thể xảy ra trường hợp Hyundai Motor huỷ đi sự hợp tác của một trong hai DN phân phối của VN ? Mà có thế thì mới đúng với các thoả thuận đã ký kết. Một chuyên gia về thị trường ôtô nhìn nhận việc đó là do Hyundai Motor quyết định, dựa vào thế mạnh “ông lớn” của họ, chứ các DN không đủ thẩm quyền ( Do quy mô nhỏ, “sức yếu”, đành phải chịu). Đại diện của một trong hai DN phân phối trên cho biết sẽ có những cuộc trao đổi, bàn bạc thêm, sâu hơn về vấn đề này với nhau và với cả phía Hyundai Motor. Chắc chắn chúng ta phải chờ kết quả. Nhưng đó chỉ là chuyện của hai DN duy nhất nhập khẩu, phân phối (chưa có lắp ráp). Còn trên thực tế tại thị trường VN thì những sản phẩm của Hyundai được hàng loạt Cty khác nhập khẩu và phân phối. Và một nghịch lý là, đa phần lượng xe do hàng loạt Cty này nhập về, bán ra lại lớn hơn so với lượng xe của hai Cty là đối tác chính thức này.
Ngoài mạnh hơn trong
Thị trường ôtô VN đã có sự góp mặt gần đầy đủ các hãng xe lớn trên thế giới, từ xe hạng nhỏ, trung hay hạng sang. Đến thời điểm hiện hầu như tất cả các liên doanh đều tiến hành song song hai phương thức: Lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc, từ Mercedes đến Toyota, Ford... Điều đáng bàn ở đây, lượng xe do mình (chính thống) nhập khẩu phân phối lại cực kỳ thấp cả về số lượng lẫn mẫu mã, chủng loại. Nếu tính xe nhập khẩu nguyên chiếc thì ngoài những mẫu xe độc, những mẫu xe thông dụng được nhập khẩu nhiều vẫn là Toyota, Ford hoặc Kia Morning... Theo thống kê, lượng xe du lịch nhập khẩu hàng năm lên tới khoảng 30 - 40.000 ngàn chiếc, nhưng lượng xe do các liên doanh sản xuất, lắp ráp nhập khẩu, phân phối tiêu thụ được chỉ xấp xĩ 1.000 chiếc, thậm chí còn thấp hơn nhiều, còn lại là sản lượng của “các DN ngoài luồng”. Tại sao ? Các liên doanh đều lý giải là để phân phối được một mẫu mã xe, họ đều phải chuẩn bị và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe, từ nguồn hàng, chất lượng, đại lý, chế độ bán hàng, bảo hành như xe lắp ráp trong nước, còn các DN bên ngoài thì không làm như vậy. Lý giải này đúng vì hiện tại, nếu nói về tính chuyên nghiệp và hệ thống thì chưa có DN nhập khẩu nào đủ “sức” để so sánh với các liên doanh. Vậy thì tại sao người tiêu dùng lại cứ chọn mua xe nhập khẩu của các “DN bên ngoài”? Đa phần các ý kiến đều khẳng định là do giá rẻ hơn, nhiều mẫu mã hơn, chất lượng cũng tương đương. Còn về vấn đề bảo hành thì đến thời điểm hiện tại, chưa có sự vụ nào lớn xẩy ra.
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com