Trong giai đoạn 2002 – 2010, nhập siêu Việt Nam từ Trung Quốc tăng khoảng tám lần và không có dấu hiện suy giảm. Tính đến tháng 7.2012, theo Thống kê (chưa đầy đủ) của bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 15,17 tỉ USD, tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2011. Điều đáng lo ngại là Uỷ ban châu Âu (EC) đã cảnh báo có tới 58% sản phẩm đồ chơi, hàng tiêu dùng, hàng dệt may Trung Quốc là hàng nhái và nguy hiểm đến sức khoẻ.
Đã có nhận định cho rằng không dưới 60% hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc vốn là “thế mạnh” của Việt Nam. Thực tế chứng minh điều đó. Các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, trái cây… của Trung Quốc tràn lan khắp thị trường Việt Nam. Theo số liệu của tổng cục Hải quan, tổng cục Thống kê, năm 2010, dù là một quốc gia có thế mạnh nông nghiệp nhưng Việt Nam nhập khẩu 1,84 tỉ USD hàng tiêu dùng, trong đó hàng rau, củ, trái cây… chiếm 156,13 triệu USD.
Tuy nhiên, chỉ trong ba tháng đầu năm 2012 con số này đã lên đến 71 triệu USD, tăng gần 20% cùng kỳ 2010. Việt Nam vẫn lâm vào điệp khúc “nhập… nhập”. GS.TS Naohiro Kurose của trường đại học Kaetsu (Nhật Bản) chỉ ra một kinh nghiệm xương máu để hàng hoá Nhật Bản phát triển bền vững đó là “hãy phát triển những cái nhỏ nhất, có sẵn và là thế mạnh tự nhiên của mình”. Có lẽ bài học đó người Trung Quốc “thấm” trước người Việt. Thế nên, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh ngay cả trên “sân khách”.
Bên cạnh đó, phải nhấn mạnh là Việt Nam vẫn chưa có những chính sách “quả đấm thép” trong quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc. Việc gia nhập WTO là một bất lợi cho việc gia tăng các rào cản thuế quan, thủ tục hành chính… bởi rất nhiều loại nông sản Trung Quốc đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam phải “thả nổi”. Chính ông Nguyễn Bá Định, phó chi cục trưởng chi cục Hải quan phụ trách khu vực Cát Lái cũng ngao ngán: “Hàng Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ, tương tự đi buôn hàng trong nước chứ không phải hàng nhập khẩu”.
Hãy nhìn Trung Quốc đối xử với doanh nghiệp Việt để tự vấn. Họ tăng cường thêm hàng ngàn người, lập các lán kiểm tra với mật độ dày đặc dọc tuyến biên giới để kiểm soát, “cấm cửa” hàng Việt khiến 3.860 container “bí” đầu ra trong vòng hơn một tháng qua.
Công tác quản lý hàng, kiểm dịch, lực lượng hải quan, thanh tra kiểm soát… liên tục được tăng cường mỗi năm ít nhất hai, ba lần khiến cho tại một số cửa khẩu lớn như Móng Cái, trong bảy tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những động thái của Trung Quốc không hề trái với luật quốc tế, thông lệ quốc tế, càng không có những dấu hiệu thay đổi trong chính sách thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Thế nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa làm mạnh tay như vậy?
Nhiều người phê bình chính sách “làm chuồng” khi “bò đi mất” khi hàng loạt các vụ thương lái Trung Quốc hoành hành khắp nơi, nhưng chỉ tới lúc họ về nước bỏ người dân điêu đứng với lượng hàng tồn không biết bán cho ai thì Nhà nước mới có dấu hiệu cảnh báo và “rút kinh nghiệm”. Hay khi ai đó giật mình vì nhỏ như cái tăm cũng có chữ “made in China” thì các doanh nghiệp mới nhớ tới cái xưởng sản xuất bị “đóng bụi” và lạc hậu của mình.
Tại sao chúng ta không mạnh tay trong chính sách như Mỹ đã từng làm với Trung Quốc: “cấm nhập nhiều loại sản phẩm gắn nhãn “hữu cơ” từ Trung Quốc như nhân sâm, nấm linh chi, gừng tươi, hạt kê… Tại sao các doanh nghiệp trong nước không “tự sản xuất và phục vụ nhu cầu của chính người dân?”
Hãy mạnh dạn cảnh báo người dân như EU đã từng chi 70.000 euro để làm một đoạn phim cảnh báo tác hại hàng Trung Quốc và định hướng người dân cách chọn mua hàng. Hoặc giả, chúng ta có thể hưởng ứng, làm theo EU chiến dịch để kiểm soát chất lượng hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc ở một số mặt hàng quy định trong giai đoạn 2013 – 2015.
Theo Đỗ Thiện
SGTT
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com