Châu Phi là thị trường được đánh giá là có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng rất lớn. Nguyên nhân do vị trí địa lý cách xa Việt Nam và điều kiện thanh toán còn nhiều rủi ro. Nhưng trong tương lai, châu Phi là nơi doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần quan tâm, bởi đây là thị trường tiềm ẩn nhiều cơ hội mà DN có thể khai thác.
Những khó khăn cụ thể mà DN Việt Nam phải đối mặt khi thâm nhập thị trường châu Phi là gì, thưa ông?
Rào cản thương mại không phải là vấn đề lớn, vì thị trường không yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Khó khăn chủ yếu khi làm ăn với thị trường châu Phi là rủi ro về thanh toán. Hiện phương thức thanh toán tại châu Phi chủ yếu qua L/C (tín dụng thư), tuy nhiên, thanh toán của các nước châu Phi đều phải qua bảo lãnh của một ngân hàng ở châu Âu. Điều này không những phức tạp, mà còn mất rất nhiều thời gian. Chính vì khó khăn về khâu thanh toán, nên độ tin cậy giữa DN hai bên còn hạn chế. Chính phủ hai bên nên sớm thúc đẩy việc hợp tác ngân hàng giữa Việt Nam và châu Phi, để cải thiện hơn nữa việc thanh toán giữa DN hai phía.
Tham tán thương mại tại châu Phi và Bộ Công thương đã có những chính sách nào hỗ trợ DN khi xuất khẩu sang thị trường này?
Vài năm trở lại đây, chúng ta đã tổ chức nhiều đoàn sang làm việc tại châu Phi. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, hầu hết các tập đoàn lớn của nước ta đã sang khảo sát thị trường Nam Phi. Sắp tới, Bộ Công thương sẽ có đề án cụ thể, trong đó nêu rõ những chính sách cụ thể đối với DN xuất khẩu vào châu Phi (sau hội nghị tham tán lần này, Vụ Thị trường Tây Phi - Nam Á sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công thương ký duyệt và tháng 10 hoặc 11/2010 sẽ thông qua đề án này).
Ông có lời khuyên gì cho DN xuất khẩu sang châu Phi?
Để thâm nhập tốt thị trường châu Phi, DN cần đảm bảo uy tín, chất lượng, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người, như lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, DN cần lưu ý rằng, một số tiêu chuẩn thị trường châu Phi chưa yêu cầu, nhưng DN phải tự giác thực hiện và làm đúng luật.
Đánh giá của ông về mức độ cạnh tranh của DN Việt Nam đối với DN nước khác tại thị trường châu Phi?
Do có nhiều nét tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu, nên sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Trung Quốc (thủy sản, dệt may, đồ gỗ, giày dép). Mấy năm gần đây, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã nâng cao mẫu mã, chất lượng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của Việt Nam tại châu Phi còn rất yếu.
Ví dụ, mặt hàng gạo, mặc dù là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng năm nào Thái Lan cũng tổ chức triển lãm riêng về gạo tại Nam Phi. Trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhưng vẫn phải xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian! Mặc dù cũng tổ chức đoàn DN sang khảo sát thị trường Nam Phi, nhưng DN Việt Nam hiếm khi mang theo sản phẩm để quảng cáo. Do vậy, DN cần tham dự nhiều hội chợ, triển lãm thế giới và cần lưu ý không nên chỉ tới tham quan, mà phải có sản phẩm đi kèm.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com