Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tân Thanh - Mùa vắng khách

Ba năm tôi mới có dịp trở lại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) nơi được coi là điểm mua sắm hàng Trung Quốc giá rẻ lý tưởng và đông vui nhất. Những tưởng Tân Thanh bề thế, sôi động, ồn ào hơn ba năm trước, nhưng không, Tân Thanh giờ ảm đạm.

Chợ chiều. Người và xe đi lại thưa thớt. Các cửa hàng người bán đông hơn người mua. Nhiều khu chợ bề thế cửa đóng im ỉm…

Tân Thanh không còn cảnh nhộn nhịp thường thấy.  Ảnh: Hoàng Quảng Uyên

Ảm đạm

Tân Thanh hiện có sáu khu chợ chen chân trong khu đất hẹp. Chợ Tân Thanh, Trung tâm Thương mại Việt Trung, Chợ Hồng Kông, Trung tâm Thương mại Quảng Châu, Trung tâm Thương mại Sài Gòn - Tân Thanh, Chợ Xép Tân Thanh. Tất cả các khu chợ bán các mặt hàng như nhau, giá như nhau,  tồn tại trong trạng thái cầm chừng.

Được Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng giới thiệu lên Tân Thanh tìm Chi cục phó Hải quan Tân Thanh tên là Loan, đến Hải quan Tân Thanh, gặp nữ nhân viên hải quan trẻ, tôi hỏi anh Loan. Cô gái bụm miệng cười: “Ở đây chỉ có chị Lan chi cục phó thôi “. Tôi đã đến nhiều cửa khẩu, rất ít khi gặp nhân viên nữ, lãnh đạo nữ lại càng không. Thế mà đến đây lại khác.

Trong bữa cơm trưa tại bếp hải quan (có món cháo rất ngon), Chi cục phó Đào Thu Lan chạm với tôi chén rượu Mẫu Sơn với nụ cười sơn cước: “Ở cửa khẩu này có 11 bông lan rừng, anh ạ”.

Ơ! Tôi nhìn quanh mới có bốn bông lan, bảy bông khác đang trong ca trực. Nếu đủ cả, có rượu ngon, hoa đẹp chắc tôi không về được! 11 bông Lan rừng đã làm mềm cung cách làm việc của một cơ  quan được coi là khô khan, nguyên tắc.

Nhưng đó chỉ là một lý do để công tác tổ chức tại hải quan cửa khẩu Tân Thanh có bước tiến mới. Lý do chính là nhờ thực hiện tốt Công văn số 736/HQLS - TCCB ngày 21/04/2009 quy định triển khai việc chấm công bằng vân tay. Cán bộ, công chức đều chấp hành thời gian làm việc theo đúng nội quy mà kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.

Trung tâm thương mại Quảng Châu

Đại hạ giá

Đội trưởng Tuấn Anh đưa tôi đi thị sát thị trường. Tôi nhằm khu bán đồ sứ Trung Quốc, chọn một cửa hàng ngẫu nhiên đi vào.

Cô chủ cửa hàng người Pò Chài (Trung Quốc), giới thiệu những chiếc đĩa sứ rất đẹp xếp trên giá hàng: “Tất cả hàng nhập từ Quảng Châu - mỗi đĩa giá nhập gốc đã là ba đồng nhân dân tệ (gần chín ngàn đồng Việt Nam) nay bán ba ngàn đồng một đĩa cũng rất ít người mua”.

Tôi đề nghị cô chủ (tên Lương Đông Giao) đem mấy chiếc đĩa xếp hàng chữ nhất để tôi chụp ảnh. Cô vừa xếp vừa như tự nói với mình: “ Rẻ cũng bán thôi “.

Quần áo đại hạ giá. Ảnh: Hoàng Quảng Uyên

Từ khu bán đồ sứ, tôi cùng Tuấn Anh ra khu thương mại Việt Trung, phía bên tay trái - khu chợ cao tầng có đủ các loại hàng.

Ấn tượng nhất là các tấm biển viết vội, in vội quảng cáo hạ giá làm rối mắt và tiếng rao “ hạ giá “ nghe rất mệt mỏi kiểu như  “Cửa hàng Cty Việt Trung đã hết thời gian, phải về Trung Quốc nên có thanh lý đặc biệt: 100 ngàn đồng ba chiếc áo phông nam, giá nhập đã 70 ngàn đồng/chiếc. 100 ngàn đồng sáu chiếc áo nữ, giá xuất xưởng đã 40 ngàn đồng/chiếc”.

Cửa hàng bán áo da bên cạnh có đoạn quảng cáo: “Thanh lý hàng Quảng Châu chính hiệu, áo da trâu rừng giảm 90%, chỉ còn 180 ngàn đồng/chiếc. Mua đi, rẻ nhất Tân Thanh, rẻ nhất quả đất”.

Thật đủ trò. Rẻ nhất Tân Thanh có thể kiểm chứng được. Rẻ nhất quả đất có trời mà kiểm chứng. Sực nhớ người bạn nhờ mua nồi áp suất, tôi cùng Tuấn Anh bước vào hỏi chủ cửa hàng, bà chủ liền sai một chú nhỏ đi lấy hàng xịn về. “Hàng ở đây không dám bán cho các anh”.

Hàng đẹp, giá phải chăng, tôi hỏi: “Đã rẻ nhất quả đất chưa?”. Bà chủ cười. Tiện tay tôi cầm một lố tất trắng lên hỏi giá, bà chủ phát 150 ngàn đồng. Sau một hồi mặc cả tôi mua với giá 70 ngàn đồng, đúng luật mua hàng ở Tân Thanh chỉ trả nửa giá là các chủ cửa hàng bán vội.

Bà chủ cảnh báo: “Chưa hẳn đâu, có mặt hàng giá chỉ hơn 100 ngàn đồng họ quát một triệu. Trả nửa giá là các anh ăn đòn”.

Không biết đâu mà tính. Tốt nhất là đừng tham rẻ, vỡ mặt.

Đĩa sứ Quảng Châu giá rẻ

Lý do ế ẩm

Do suy thoái kinh tế! Đó là nhận định có phần cảm tính. Người trong cuộc nói gì?

Anh Trần Xuân Thượng - Chi cục phó Hải quan, cho rằng: “Từ tháng 9 tới tháng 12 mới là mùa mua sắm, khách du lịch  lên Lạng Sơn kết hợp mua sắm đông vui. Bây giờ chưa phải mùa”.

Anh Nguyễn Kiên Trung - Trạm phó trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt nhận định thực tế hơn: “Có hai lý do chính là giá trị đồng nhân dân tệ tăng và nhiều mặt hàng Trung Quốc chất lượng kém. Dân ta đã biết sợ các mặt hàng có thể gây tổn hại đến sức khỏe”.

Hàng Trung Quốc giá rẻ thật nhưng chất lượng bộc lộ nhiều yếu kém, một số lại có chứa chất độc hại. Trong khi đó, hàng nội địa tốt, đẹp dần lên. Có vẻ như miếng võ giá rẻ đã trở nên nhàm. Đời sống kinh tế nâng cao, người tiêu dùng Việt Nam đã muốn tìm những mặt hàng có chất lượng, an toàn, mà giá không quá chênh lệch.

Đã cảnh giác với cúm A/H1N1?

Cùng với sự im ắng trong xuất nhập khẩu, sự im ắng của trạm kiểm dịch Tân Thanh thật sự khó hiểu.

Buổi chiều, lần thứ hai tôi ra lấy thông tin về kiểm dịch và công tác phòng chống  cúm A/H1N1 tại cửa khẩu thì những nhân viên trong phiên trực không dám cung cấp vì họ không có quyền phát ngôn. Hỏi những người có quyền phát ngôn đi đâu cả, trả lời: “Chưa đến”. Gặng hỏi thì họ gần như van xin “Anh thương bọn em với”.

Trở về Thành phố Lạng Sơn, tôi gọi điện cho Giám đốc Sở Y tế nhưng không nhận được thông tin gì.

H.Q.U
Lạng Sơn, ngày 26/7/2009

(Theo Tienphong Online)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo