Mặc dù số liệu tổng thể cho thấy, xuất khẩu tháng 4/2010 tăng 30,5% so với cùng kỳ, nhưng chiều hướng sụt giảm mạnh của thặng dư thương mại Trung Quốc trong thời gian gần đây có thể khiến chính phủ các quốc gia khác khó cho rằng, đồng nhân dân tệ bị định giá thấp quá mức.
Ngoài ra, một số nhà kinh tế còn nhận định, trước khi đồng ý bắt đầu nâng giá đồng nhân dân tệ, các quan chức Trung Quốc trước tiên sẽ muốn quan sát, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp sẽ có những ảnh hưởng gì tới nền kinh tế châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Từ giữa năm 2008 tới nay, đồng nhân dân tệ vẫn neo theo tỷ giá đồng USD.
Theo ông Mark Williams đến từ Cơ quan tư vấn Capital Economics: “Hiện tại cho thấy, Bộ Thương mại (Trung Quốc) sẽ lấy thặng dư thương mại ở mức khá nhỏ làm bằng chứng, chứng minh sẽ khởi động việc nâng giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách đang quan tâm tới diễn biến của khủng hoảng nợ Hy Lạp”.
Tuy nhiên, ông Williams lại cho rằng, nếu Trung Quốc không bắt đầu nâng giá đồng nhân dân tệ trong vòng vài tháng tới, “áp lực đặt ra cho họ có thể sẽ leo thang”, Trung Quốc sẽ “phát hiện mình đã rơi vào một cái bẫy”, vấn đề đồng nhân dân tệ đã trở thành một chương trình nghị sự cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của nước Mỹ.
Nhà kinh tế Ken Peng của tập đoàn Citigroup cho hay, vấn đề Hy Lạp đã gây ra sự bất ổn cho thị trường, nhưng lại mang đến một “cơ hội đặc biệt” cho việc cải cách chính sách tỷ giá của Trung Quốc, bởi vì những dự đoán của thế giới bên ngoài về biên độ nâng giá đã giảm mạnh.
Trong một báo cáo quý liên quan đến chính sách tiền tệ mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm qua công bố cho thấy, họ sẽ “tham chiếu môt giỏ tiền tệ” để quản lý đồng nhân dân tệ. Lời tuyên bố này đã khiến thế giới bên ngoài đưa ra những suy đoán Trung Quốc sắp thay đổi chính sách. Nhà kinh tế của Morgan Stanley - Wang Qing cho rằng: “Theo tôi, tín hiệu này cho thấy, chính phủ Trung Quốc đang có ý muốn hành động”.
Mặc dù thặng dư thương mại của Trung Quốc trong những tháng gần đây giảm rõ rệt, nhưng nhiều nhà kinh tế vẫn dự đoán, cùng với sự phục hồi của xuất khẩu (mặc dù tốc độ còn khá chậm) và nhập khẩu đã chậm lại (nguyên nhân là tháng trước, Bắc Kinh đã tung ra một số biện pháp nghiêm ngặt nhằm giải nhiệt cho thị trường nhà đất), thặng dư thương mại sẽ xuất hiện sự đảo chiều trong nửa cuối năm nay.
(Vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com