Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá thuốc: mua 1, bán 5!

Có loại thuốc nhập vào chưa tới 100.000 đồng/hộp nhưng được bán tới 370.000 đồng/hộp. Thậm chí có loại thuốc còn được bán gấp... 500% so với giá mua vào! Kết quả thanh tra giá thuốc tại Hà Nội và TP.HCM đã cho thấy mức chênh lệch giữa mua vào - bán ra lớn đến kinh ngạc.

Thuốc Lapaliver này nhập vào chưa tới 100.000 đồng/hộp nhưng được bán ra với giá 370.000 đồng/hộp - Ảnh: VIỆT DŨNG

Kết quả thanh tra giá thuốc tại Hà Nội và TP.HCM vừa được công bố cho thấy đang có hiện tượng giá thuốc bán quá cao so với giá nhập khẩu. Trong đó có loại chênh lệch giữa mua vào và bán ra lên đến 500%.

Đợt thanh tra kéo dài từ ngày 30-3 đến 10-4 tại 48 văn phòng đại diện công ty dược nước ngoài, nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc xung quanh bệnh viện...

Không đột biến cũng tăng giá

Theo kết quả thanh tra, có tình trạng mua một, bán gấp năm trong kinh doanh dược phẩm.

Đơn cử, thuốc Lidocef 1g (Hãng Shandong Reyoung, Trung Quốc sản xuất, Công ty Dược phẩm T.Ư 2 nhập khẩu) trúng thầu vào Bệnh viện Bạch Mai là 68.000 đồng/lọ, nhưng giá nhập khẩu loại thuốc này năm 2008 công bố trên website Cục Quản lý dược là 0,65 USD/hộp, với tỉ giá hiện nay là 19.100 đồng/USD thì một hộp thuốc trên có giá nhập vào chưa đến 12.500 đồng, tức chênh lệch giá mua vào - bán ra tới hơn 500%.

Thanh tra hai công ty sản xuất thuốc

Ngày 28-4, cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường đã có quyết định cử đoàn kiểm tra điều kiện sản xuất tại hai công ty dược phẩm Ấn Độ là Micro Lab và Clesstra Heathcare.

Theo ông Cường, đây là hai công ty có nhiều sản phẩm được đăng lý lưu hành tại VN. Quá trình kiểm tra bao gồm kiểm tra điều kiện sản xuất và hồ sơ sản phẩm so với hồ sơ nộp tại Cục Quản lý dược.

Tương tự, thuốc Lapaliver (hộp mười vỉ, mỗi vỉ mười viên), đoàn thanh tra kết luận giá bán ra quá cao so với giá mua vào. Cụ thể, giá nhập khẩu là 4,8 USD/hộp, nhân với tỉ giá USD giá Lapaliver nhập vào chưa tới 100.000 đồng/hộp, nhưng giá bán ra tới 370.000 đồng/hộp.

Qua khảo sát, đoàn thanh tra cho rằng không có hiện tượng giá thuốc biến động đột biến trong thời điểm thanh tra, nhưng cũng có tới 124/2.361 thuốc nhập khẩu được khảo sát tăng giá, mức tăng trung bình 5,51%.

Với việc thực hiện các quy định về giá thuốc, có hiện tượng kê khai giá đón đầu, không sát thực tế tại Công ty cổ phần sản xuất thương mại dược phẩm Đông Nam, văn phòng đại diện Mega Lifesciences, văn phòng đại diện Medochemie...

Tại văn phòng đại diện Công ty Dasan Medichem Co., Ltd, Công ty TNHH dược phẩm Việt Pháp, có sản phẩm còn chưa được kê khai giá tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã quyết định ngừng cấp số đăng ký thuốc hoặc giấy phép nhập khẩu với hai công ty này.

Ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết sẽ rút giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu thuốc tại VN với văn phòng đại diện Công ty Dasan Medichem do doanh nghiệp bất hợp tác

Cần một nhạc trưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho rằng vấn đề cần xử lý rốt ráo nhất hiện nay là hoa hồng cho thầy thuốc kê đơn.

“Chỉ thị 05 của Bộ Y tế đã quy định thầy thuốc chỉ kê toa thuốc bằng tên gốc, không kê bằng tên biệt dược, nhưng thực tế thầy thuốc chỉ kê bằng tên biệt dược. Trong hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong quản lý giá thuốc, cần chọn vấn đề trọng điểm để xử lý trước, đó chính là vấn đề hoa hồng cho thầy thuốc. Nếu các bệnh viện thực hiện nghiêm quy định kê toa bằng tên thuốc gốc, 3-6 tháng triển khai kiểm tra thật nghiêm, vấn đề giá thuốc sẽ ổn định hơn” - ông Quang nhận xét.

Một chuyên gia trong vấn đề quản lý dược cho rằng thị trường dược phẩm có thể lên - xuống giá, nhưng mấu chốt cần xử lý chính là hiện trạng hoa hồng kê đơn, hiện trạng này cũng làm méo mó tình hình sử dụng thuốc, vì không phải thuốc được sử dụng nhiều là loại cần thiết cho điều trị!

Năm 2009, ông Quang cho hay chi tiêu toàn ngành y tế là 27.000 tỉ đồng, trong đó có 11.000 tỉ đồng chi mua thuốc, 50% tiền thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, nên rất cần thực hiện đấu thầu quốc gia phần do bảo hiểm y tế cho trả, với ba nhóm thuốc được sử dụng nhiều hiện nay là giảm đau - hạ nhiệt, kháng sinh và vitamin.

So sánh giá thị trường và giá thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, đang có hiện tượng giá bảo hiểm chi trả cao bất thường so với giá thị trường. Theo đó, thuốc tăng hồng cầu Hemax có thể mua tại thị trường Hà Nội giá 145.000-160.000 đồng/ống, nhưng giá bảo hiểm chi trả tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) là 235.200 đồng/ống. Một sản phẩm khác dành cho bệnh nhân ung thư giá thị trường khoảng 1,4 triệu đồng/ống nhưng giá bảo hiểm lên tới 2,3 triệu đồng/ống.

Theo giải thích của thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hàng giá rẻ là hàng không có nguồn gốc, có thể do bệnh nhân bảo hiểm y tế dùng không hết và bán ra ngoài. Tuy nhiên, vì sao giá thuốc bệnh viện và thị trường chênh lệch cao đến vậy, không thể trả lời người bệnh bằng cách “có thể” mà rất cần điều tra nghiêm túc hiện trạng này.

Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang, “dự kiến đấu thầu quốc gia, kê đơn bằng tên gốc... đều đã có quy định nhưng chưa ai làm”. Rõ ràng trong quản lý giá thuốc, Bộ Y tế chính là nhạc trưởng, không ai kiểm tra việc kê đơn thuốc bằng tên gốc và xử lý nghiêm các bác sĩ nhận hoa hồng tốt hơn Bộ Y tế. Các bệnh viện cần có quy trình điều trị chuẩn, bệnh gì cần thuốc gì, nhưng đến nay đây vẫn là giải pháp... dự kiến.

Quay về điểm xuất phát!?

Mười năm trước, thực trạng giá thuốc tăng đột biến vô tội vạ không thể kiểm soát, nạn độc quyền nhập khẩu, làm giá, đẩy giá, dùng hoa hồng làm mồi nhử bác sĩ kê toa... hoành hành nhức nhối đến mức có rất nhiều cuộc họp liên tục đưa ra mổ xẻ, đề nghị phải có giải pháp trị tận gốc trước khi Luật dược ra đời.

Giải pháp trị tận gốc cũng đã được Hội Dược học TP.HCM kiến nghị qua rất nhiều hội thảo là: cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc phải in, dán giá bán lẻ trên vỏ hộp. Giá bán lẻ này được tính bằng giá CIF (giá cập bến) + lãi trần (thặng số) của cả hai khâu bán sỉ và lẻ do Nhà nước quy định. Như vậy giá thuốc thống nhất trên toàn quốc, triệt được các tầng nấc trung gian, người bệnh, cơ quan quản lý có thể kiểm tra được ngay khi mua hoặc giám sát. Đây là phương cách được nhiều nước áp dụng.

Thế nhưng, sau bao cuộc họp góp ý và hàng loạt văn bản chấn chỉnh, rồi Luật dược ra đời (2005), quy định: giao cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc có quyền tự định giá thuốc!

Vậy là vấn nạn độc quyền, nâng giá, đẩy giá từ nhiều tầng nấc trung gian, nạn chợ trời thuốc tây, mua bán không hóa đơn để trốn thuế, dùng hoa hồng cầm tay bác sĩ kê toa... vẫn còn nguyên! Có điều là tinh vi hơn, biến hóa hơn và được che chắn bởi ngôn từ mỹ miều của cơ quan quản lý rằng “đã bình ổn giá thuốc“.

Giá thuốc “bình ổn” vì không tăng đột biến kiểu nhảy vọt như những năm 2002-2003, mà tăng từ từ, tăng nhiều lần để không gây sốc. Người bệnh vẫn bị “cắt cổ” đủ kiểu: bác sĩ kê đơn thì phải mua. Cùng một loại nhưng bệnh viện, nhà thuốc, phòng mạch... mỗi nơi một giá và người bán nói bao nhiêu bệnh nhân cũng phải trả.

Một bệnh nhân ở Cà Mau đi chăn vịt thuê bị tai nạn mù một mắt, mắt còn lại mờ dần kêu cứu với Tuổi Trẻ: “Hãy cứu chúng tôi. Cùng số phận nghèo như tôi rất nhiều người không thể nào đủ tiền mua thuốc...”.

Mới đây ngày 20-4, tại TP.HCM, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại tổ chức họp lấy ý kiến quản lý nhà nước về giá thuốc. Có rất nhiều ý kiến đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp tương tự như giai đoạn trước khi ban hành Luật dược!

Phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 23-4, cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường thừa nhận tất cả các khâu đều có bất cập và cho rằng phải sửa Luật dược để khống chế giá thuốc. Đồng thời cho biết: “Chúng tôi dự định tập trung kiểm soát giá 100-200 hoạt chất có số người sử dụng lớn, điều trị những bệnh thiết yếu nhất, thuốc bị độc quyền, bị làm giá hay đang ở mức cao, chứ không kiểm soát tất cả các mặt hàng như hiện nay“.

Trên thị trường hiện có hơn 22.000 mặt hàng thuốc, vậy thuốc nào không thiết yếu và để người bệnh tiếp tục “chịu trận” với giá bán lẻ thả nổi không kiểm soát như hiện nay đến bao giờ?

Có phải vấn đề cốt lõi của các giải pháp để triệt tận gốc liên minh ma quỷ tăng giá thuốc đã được đưa ra hơn năm năm trước vẫn đang bị né tránh?

(KIM SƠN)

(Theo Lan Anh // Tuổi Trẻ)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Nhập siêu tíếp tục ở mức cao
  • Cơ cấu xuất và nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật
  • Quyết liệt với nhập siêu
  • Xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc: Cần tìm được đối tác tốt
  • Giá giấy tăng đột biến, vì sao?
  • Giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và thương mại trong thời gian tới
  • Còn nhiều "dư địa" để giảm nhập siêu
  • Các DN Việt Nam và cơ hội kinh doanh với thị trường Trung Quốc Vẫn chỉ là tiềm năng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo