![]() |
"Mê hồn trận" của các nhãn sữa và giá sữa - Ảnh:TL. |
Cục Quản lý canh tranh, Bộ Công Thương đã đưa ra một số nguy cơ và nhận diện về các hành vi liên kết giá trên thị trường sữa ở Việt Nam. Cơ quan này nhận định việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (thể hiện qua hành vi liên kết về giá) thể hiện rõ nhất trong ngành sữa ở Việt Nam. “Do không có thỏa thuận bằng văn bản nên khó có bằng chứng cho hành vi này”, báo cáo của Cục cho hay. Tuy nhiên việc các hãng sữa ngoại đề nghị giá bán lẻ ra thị trường Việt Nam quá cao so với giá gốc cũng như so với các nước trong khu vực (dù thuế nhập khẩu không cao) là một điều không bình thường. "Đủ cơ sở để có những quan ngại về sự thao túng thị trường của họ", báo cáo vết. Kết quả phân tích cấu trúc cạnh tranh trên thị trường càng cho thấy những nhận diện rõ hơn .Nguy cơ xảy ra các hành vi hạn chế canh tranh đang thể hiện chủ yếu dưới 3 hình thức. - Thứ nhất là việc liên kết theo chiều ngang để ấn định giá sữa bột. Trên thị trường Việt Nam, nguồn sữa bột nhập khẩu chiếm khoảng 80% nhu cầu của toàn thị trường. Do vậy, giá sữa trên thị trường nội địa phải có mối liên hệ chặt chẽ với giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới. Nhưng thực tế giá sữa bột ở Việt Nam không vận động theo quy luật của thị trường nguyên liệu mà lúc nào cũng ở mức cao và rất cao. “Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra để tìm hiểu thực tế. Nhưng kết quả các đợt thanh tra không thu thập được các tài liệu, chứng cứ về sự bắt tay, liên kết giữa các doanh nghiệp”, bản báo cáo viết. Dù vậy các cơ quan quản lý vẫn để lại nhận định: “Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tồn tại các thỏa thuận nhằm thao túng thị trường, thu lợi bất chính”. - Thứ hai là hành vi liên kết theo chiều dọc để đẩy giá sản phầm sữa từ các hãng sữa nước ngoài qua các doanh nghiệp nhập khẩu độc quyền trong nước. Việc độc quyền tự nhiên của họ làm giảm cơ hội tham gia phân phối của các doanh nghiệp khác muốn gia nhập thị trường. Ví dụ: qua liên kết dọc, nhà xuất khẩu nước ngoài bán sản phẩm sữa bột cho nhà nhập khẩu tại Việt Nam thông qua một nhà xuất khẩu trung gian ở nước thứ 3 (thường là những nước có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp). Trong trường hợp này, giá sữa ghi trên hoá đơn nhập khẩu của nhà nhập khẩu Việt Nam đội lên rất nhiều. Hoặc các nhà nhập khẩu chuyển giá thấp thành cao qua việc kê khai các chi phí trung gian lớn để đội giá lên và người tiêu dùng phải gánh chịu. - Loại hành vi thứ ba của các hãng sữa là lạm dụng sức mạnh chiếm thị phần để tăng giá. Với cấu trúc thị trường theo kiểu độc quyền nhóm hiện tại (6 doanh nghiệp lớn chiếm 90% thị phần sữa bột) “Có khả năng có một vài doanh nghiệp lớn dẫn đầu quyết định giá bán, sau đó hàng loạt các doanh nghiệp khác điều chỉnh giá theo”, bao cáo của Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.Năm 2008, Abbott là hãng chiếm thị phần lớn nhất về sữa bột trong số các hãng sữa trên thị trường (37,9%). Bốn hãng có thị phần lớn tiếp theo là Friesland Campina (16,5%), Vinamilk (14,7%), Dumex (8,1%) và Nestle (4,2%). Năm 2009, dù có biến động nhưng Abbott luôn chiếm giữ vị trí dẫn đầu (trên 30%). Các hãng khác như Dumex và Vinamilk có xu hướng tăng thị phần dù mức tăng này tương đối chậm.
(Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh)
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com