![]() |
Xuất khẩu dệt may tăng là do chất lượng, giá cả hàng xuất khẩu tăng. Ảnh: Đức Thanh |
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo, đến hết tháng 11 năm nay, ngành dệt may sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD của cả năm 2010. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, xuất khẩu dệt may có kim ngạch tốt đã góp phần đưa nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến của 9 tháng qua đạt kim ngạch xuất khẩu 35 tỷ USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm trước.
“Hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, sản phẩm hóa chất, chất dẻo, cao su, túi xách, da giày, đồ gỗ, máy tính, dây cáp điện…, là các sản phẩm thuộc nhóm công nghiệp chế biến, có mức tăng xuất khẩu trong 9 tháng qua khá tốt”, ông Biên nhận xét.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thông báo, đã có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phản ánh rằng, còn có những khó khăn đang tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Những khó khăn này cần tiếp tục được các cơ quan chức năng có liên quan tháo gỡ, để giúp doanh nghiệp phát huy đà xuất khẩu trong 9 tháng vừa qua.
Chẳng hạn, đại diện của Hiệp hội Cà phê - Ca cao cho rằng, các doanh nghiệp đang cần có cơ chế hỗ trợ về vốn để mua cà phê cho vụ 2011. Các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu gỗ lại kiến nghị, cần miễn thuế giá trị gia tăng cho nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp cao su đề xuất các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần đàm phán với Trung Quốc, để quốc gia này giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng nguyên liệu cao su, nhằm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm này ở Trung Quốc…
Trên thực tế, khó khăn về lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là nút thắt trong sản xuất - kinh doanh. Ông Nguyễn Thành Biên nhận xét, dù đã có nhiều chính sách về tiền tệ, nhưng thời gian dài vừa qua, lãi suất của các ngân hàng vẫn chưa hạ và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận hơn.
Các vấn đề lớn này cần được quan tâm giải quyết, nhằm giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục giữ đà tăng xuất khẩu trong thời gian qua. Tại cuộc giao ban nói trên, đại diện Bộ Tài chính lý giải rằng, thuế nhập khẩu với mặt hàng cao su tại Trung Quốc được gắn chặt với đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Mặt hàng cao su thiên nhiên lại là mặt hàng loại trừ trong đàm phán nói trên, nên giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp cần có nhiều thời gian.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, bao giờ cũng được ưu tiên xem xét. Do đó, các doanh nghiệp có nhu cầu thì liên hệ với những ngân hàng thương mại để được sắp xếp vốn cho xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Biên bổ sung rằng, với các doanh nghiệp cà phê, cần có kế hoạch mua tạm trữ, mức hỗ trợ vốn, mức lãi suất…, thì mới có thể bố trí nguồn vốn một cách phù hợp.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản nghiên cứu những vấn đề của Thông tư 51/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com