Nhiều cửa hàng phải đại hạ giá để giải phóng hết hàng rồi "gác kiếm" chứ không phải chỉ để bán hàng lỗi mốt như mọi năm |
Chủ một cửa hàng bán vật liệu điện trên đường Nguyễn Thái Học cho biết, kể từ trước Tết, hàng đã bán rất chậm. Đoạn đường Nguyễn Thái Học - Hà Nội là một trong những trung tâm buôn bán vật liệu điện sầm uất nhất nhì ở Hà Nội chỉ sau khu phố Phùng Hưng và chợ Trời (phố Huế). Giá thuê cửa hàng ở đây cũng cao ngất ngưởng, có thể lên tới cả chục triệu đồng mỗi tháng khiến cho không ít hộ kinh doanh đang rất khó khăn do lượng hàng hoá bán ra đã suy giảm rất nhiều. Đối với các lĩnh vực kinh doanh thời trang hoặc một số mặt hàng thiết yếu khác sức mua cũng giảm mạnh khiến nhiều cửa hàng phải đại hạ giá để giải phóng hết hàng rồi "gác kiếm" ngừng buôn bán chứ không phải hạ giá chỉ để bán hàng lỗi mốt như mọi năm.
Một nghiên cứu của ngành thương mại gần đây cho thấy, sức mua của thị trường trong tháng 1/2009 đã giảm khá mạnh mặc dù đây là thời điểm Tết. Một số mặt hàng như mỹ phẩm, giảm tới trên 20%. Các mặt hàng thuỷ hải sản giảm 15% và hàng điện tử cũng giảm hơn 10% là một hiện tượng đặc biệt hiếm gặp bởi người tiêu dùng VN thường có tâm lý mua sắm các hàng hoá này để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Cát Linh cho biết, những ngày này tình hình kinh doanh rất ế ẩm. Những năm trước ngành xây dựng thường nghỉ qua rằm tháng Giêng, sau rằm là tình hình buôn bán đã rất nhộn nhịp song năm nay, mặc dù hàng hoá đã hạ giá nhiều so với thời điểm sốt cao vào đầu, giữa năm ngoái song vẫn rất ít người mua.
Theo ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công Thương TP Hà Nội, nhiều DN tìm cách khai thác thị trường nội địa nhưng chưa thu được kết quả. Cũng theo ông Thái, những DN dệt may, công suất hàng triệu sản phẩm mỗi năm nếu sản xuất chỉ để phục vụ thị trường trong nước thì sẽ nhanh chóng phải đóng cửa bởi sức tiêu dùng trong nước quá nhỏ và lại bị hàng may mặc của Trung Quốc chiếm mất phần lớn. Cũng theo ông Thái, nếu tại Mỹ, một người tiêu dùng bình thường mỗi năm đi siêu thị mua áo sơmi 2 lần, mỗi lần khoảng 10 chiếc là binh thường thì số áo ấy một người VN phải mặc trong 5 -7 năm nếu không nói là 10 năm. Như vậy thị trường nội địa làm sao cứu được các DN, nhất là phần lớn các DN ngành may đã lâu bỏ ngỏ thị trường này.
Đối với ngành thủy sản, tình trạng cũng tương tự, Cty cổ phần thực phẩm Cholimex cho biết, hiện tại doanh số của thị trường nội địa tăng mỗi năm khoảng 20%, đã đạt khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Song tỷ lệ tiêu thụ nội địa của hơn 20 sản phẩm thuỷ hải sản chế biến đông lạnh của Cty chỉ chiếm 10%, 90% sản phẩm thuộc về xuất khẩu. Người tiêu dùng VN chắc phải rất nhiều năm nữa mới có thói quen dùng thực phẩm đông lạnh bởi đồ tươi sống vẫn đang được bày bán rất tràn lan và chưa tới mức thiếu thời gian dành cho việc đi chợ mỗi ngày.
Theo số của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp tháng đầu năm 2009 giảm 4,4% so cùng kỳ năm trước và giảm 8,6% so với tháng 12.2008 (chỉ đạt 50,6 ngàn tỉ đồng). Trong đó, khu vực DN NN giảm gấp 3 lần khu vực DN tư nhân (DNNN giảm 8,5%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước giảm 2,8%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng suy giảm tới 3,2%. Đặc biệt sản xuất CN của Hà Nội giảm 6,4% và Bình Dương giảm 4,5%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt khoảng 3,8 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu trên đây cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Đánh giá về thực trạng nói trên, một số chuyên gia kinh tế có chung nhận định rằng nguyên nhân cơ bản của tình trạng suy giảm sản xuất có thể do hàng hoá do các DN sản xuất vẫn đang tồn đọng nhiều chưa tiêu thụ được. Thêm nữa một số DN bị mất thị trường XK nên buộc phải cắt giảm công suất.
Trong khi không ít cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ gặp khó khăn và Chính phủ đang áp dụng nhiều biện pháp trợ giúp các DN để giảm giá thành sản phẩm thì trên thị trường nhiều mặt hang thiết yếu lại tăng giá. Trao đổi với báo giới gần đây, ông Đỗ Hữu Hào - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, điện sản xuất tăng khoảng 6-7,5% thì năm 2009, các ngành sản xuất phải chi thêm khoảng 2.300 tỷ đồng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành sản xuất ca ba với mức tăng 3-4%. Các ngành còn lại chi phí tăng gần 1%. Tình hình trên cộng với việc các gói hỗ trợ lãi suất có giá trị 17.000 tỷ VND, nghĩa là khoảng gần 500.000 tỷ đồng sẽ được đưa ra thị trường, cộng với lãi suất giảm, cho vay cởi mở hơn, dư nợ tăng và khi số tiền ra thị trường lớn làm hàng hoá tăng giá và cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát.
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com